Chuyện chưa kể về ca khúc 'Mẹ yêu con' của Nguyễn Văn Tý

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - người viết nhạc đỏ bằng chất liệu dân ca.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - người viết nhạc đỏ bằng chất liệu dân ca.
Mẹ yêu con - ca khúc bất hủ về tình mẫu tử sẽ vang lên trong buổi hòa nhạc Điều còn mãi 2017.

NS Nguyễn Văn Tý là một trong những tên tuổi đi vào lịch sử âm nhạc nước nhà. Phần lớn sáng tác như: Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Người đi xây hồ kẻ gỗ, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa... khắc tên ông trên dòng nhạc đỏ. Song, khác với đồng nghiệp của mình, ông ảnh hưởng nhiều từ người bố “trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào”. Thành ra, nhạc đỏ của Nguyễn Văn Tý thường có dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển bởi chất liệu dân ca nhiều vùng miền.

Song, cũng như phần lớn nhạc sĩ, giữa muôn vàn bóng hồng đi qua đời mình thì người vợ vẫn luôn giữ một vị trí thật đặc biệt. Ít ai biết, ca khúc Mẹ yêu con chính là ông viết tặng người vợ thứ hai của mình trong niềm hạnh phúc đón cô con gái nhỏ chào đời. Bà là em gái của NS Nguyễn Văn Thương, mà theo ông, là đẹp tuyệt vời. 

Như phần lớn nhạc sĩ, ông yêu phụ nữ, yêu cái đẹp, tôn vinh và trân trọng vẻ đẹp giàu tính truyền thống, nhân bản. Từ chuyện tình không tên đầy tiếc nuối với một thiếu nữ 16 tuổi, ông viết nên bản Dư âm. Hay vì cô dệt vải thương ông, đợi ông gần ngót 20 năm, ông đau lòng viết nên bài Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh.

Đó là vào năm 1956, sau khi sinh con, vợ chồng ông phải trở về quê mẹ sống một thời gian trong cảnh khó khăn, túng thiếu. Cũng trong hoàn cảnh này, nhạc sĩ gạo cội viết nên bài Mẹ yêu con bằng cả tấm lòng của những người làm mẹ khi thấy con biết cười, biết nói cho đến lúc trưởng thành. Nguyễn Văn Tý từng tự hào nói: "Đến bây giờ con tôi vẫn thường khoe với người ta miệng con "chúm chím xinh xinh như đài hoa đang hé trên cành" để nói về nó”. Để thấy, với ông, Mẹ yêu con không chỉ là bài hát, mà còn là kỷ niệm khó quên gắn liền với những thăng trầm trong cuộc đời.

Bản thu đầu tiên của NSND Thanh Huyền, với những tràng đổ hột 'con kiến' giàu âm hưởng dân ca Bắc Bộ: 

Theo thời gian, qua bao đổi thay của đất nước và bao thế hệ con người, Mẹ yêu con trở thành nhạc phẩm của toàn dân, kinh điển mẫu mực về tình mẫu tử mà già trẻ đều thuộc nằm lòng.

Mẹ yêu con là bài hát ru, với: "A á ru hời ơ hời ru". Sau mỗi lời ru, người mẹ lại chuyện trò với con đang say ngủ, hay độc thoại với chính mình: "Mẹ thương con có hay chăng?", "Tương lai con đẹp lắm. Mẹ hát muôn lần"... Từng lời ca rất đỗi dung dị nhưng thăm thẳm bên trong như mở ra không gian âm hưởng rộng lớn của đồng bằng Bắc Bộ thanh bình. Vượt qua phạm trù của một ca khúc thuần túy, Mẹ yêu con như chuyên chở một khoảng trời ký ức vùng thôn quê có ruộng lúa nương dâu, con sông uốn khúc, khóm trúc hàng cau, cây đa mái đình...

Cũng như phần lớn tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời trong bối cảnh này, Mẹ yêu con ví như chiếc khăn thêu đan cài khéo léo giữa tình mẫu tử và tình yêu quê hương, đất nước. Người mẹ trong ca khúc sinh con ra không chỉ trong cảnh khó khăn túng thiếu, mà còn, trong bức tranh xám màu bom đạn thời loạn ly khói lửa. Từ nỗi cơ cực của tự thân, người mẹ mong con mình lớn lên được sống trong cảnh đất nước thanh bình, độc lập.

Cái chung và riêng, cái bé nhỏ và lớn lao, tưởng như đối lập, lại dung hòa vẹn toàn trong tâm tưởng của người mẹ: nào dáng con và dáng hình đất nước, dáng hình đồng bào. Nào, con thơ bé bỏng nằm trên tay mẹ giữa trời mùa xuân tươi đẹp. Rồi, con biết đi, hòa theo nhịp bước chung của toàn dân tộc, đi trên "con đường mới"... Từng chi tiết nhỏ bé lồng vào những điều hùng vĩ và thiêng liêng, tạo nên khúc sử thi về tình mẫu tử của dân tộc.

Mẹ yêu con của NSND Thu Hiền mênh mang, dạt dào: 

Được biết, Mẹ yêu con lần đầu tiên được thu âm bởi NSND Thanh Huyền. Đây cũng là bản thu mà NS Nguyễn Văn Tý thích nhất. Dù cách gần nửa thế kỉ nhưng ông vẫn nhớ như in: “Tôi nhớ rõ chồng cô Huyền là đạo diễn, một lần nọ, cậu ấy mách tôi rằng: ‘Ông ơi, vợ em nó hay quên lắm, ông đừng dạy nữa mất công’. Tôi liền bảo ông ấy về viết cho tôi bản nhạc trên tờ giấy to như khung cửa này, để trên đầu giường. Thế là về nhà, cậu ấy làm đúng y như lời tôi dặn, nhờ vậy mà Huyền hát mãi cũng thuộc.

Đến khi đi thu thanh, đoạn ‘Mẹ ngắm con cười’, cô ấy lại quên mất chữ ‘cười’. Tôi đứng ngoài lập tức phát hiện ra rồi nói lớn ‘cười’, mọi người xung quanh giật mình, không hiểu vì sao. Còn cô Huyền thì sực nhớ ra rồi thu lại đến khoảng 3 - 4 lần. Ngày xưa, một bài phải thu nhiều lần mới xong.”

Theo năm tháng, dĩ nhiên ngày càng xuất hiện những phiên bản mang bản sắc riêng biệt. Có thể kể đến, kinh điển mẫu mực của NSND Lê Dung, nồng nàn thăm thẳm của NSND Thu Hiền hay theo lối hát bel canto như Nguyên Thảo. Phiên bản Mẹ yêu con trong trẻo thuần khiết của bé Thiện Nhân cũng góp phần đưa ca khúc đến sâu rộng trong đại chúng hơn.

Nguyên Thảo hát Mẹ yêu con bằng lối bel canto nắn nót và nhẹ như thở:

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG