Đang sướng đoạn Kiều báo ân báo oán, thảy đâu ra đấy, có tiếng chào “Bác xem Kiều ạ…”. Người thanh niên ngoài cửa ăn vận xuềnh xoàng nhưng sạch sẽ, kiểu ở quê lên kiếm việc, nghĩa là đâu đâu cũng có thể gặp.
“Cháu vào chơi được không ạ?”, câu tiếp theo đi kèm ánh mắt thân thiện. “Thôi thôi, cậu đi chỗ khác. Tôi đang xem”, ông Khương cố giấu e ngại, nói cho người nghe khỏi thấy bị đuổi.
Đã bao nhiêu người để kẻ lạ vào nhà kiểm tra bình ga, tiếp thị nước giặt vải hay vận động quyên góp xây chùa chiền, rồi bị xịt thuốc tê, đánh cướp đó sao. Anh ta đi rồi, sự yên tâm không trở lại, ông phải đóng cửa, xem tiếp trong ánh sáng điện. Nhưng những trang sách đã ra tẻ ngắt.
Truyện Kiều là pho Quốc thư, người Việt ta khắp ngõ cùng quê đâu đâu cũng góp với nhau dăm ba câu được. Cậu thanh niên này có khi đang nhớ nhà, ngôi nhà có ông bà hay kể Kiều, gặp mình thấy chút gì đó thân thuộc, bị gạt phắt đi, cảnh giác thế có quá thể đáng không? Nhưng không xua, cho vào dăm câu ba điều, chắc ông lại thấy bất trắc, nhỡ đâu nó “huỵch” cho cái.