Chuyện cảm động về tài năng piano 13 tuổi
> Bản rap 'Người mẹ nghèo' lấy nước mắt giới trẻ
> Dân mạng nghẹn ngào clip kêu gọi giúp đỡ trẻ em nghèo của JVevermind
Buồn bã, tính “sinh đứa khác” vì cậu con trai mắc tự kỉ nhưng vợ chồng anh chị lại vực nhau đứng dậy, hết lòng chăm con. Nước mắt họ đã rơi khi con trai 13 tuổi không chỉ chiến thắng bệnh tật mà còn trở thành một tài năng âm nhạc.
Thế Vinh tham gia biểu diễn trong chương trình hoà nhạc đặc biệt chào xuân 2012 cùng với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội do nhạc trưởng người Nhật Bản Tetsuji Honna chỉ huy. |
Tuổi thơ dữ dội
Nguyễn Thế Vinh cười tươi và cất lời chào lễ phép khi gặp tôi. Nhìn đôi mắt sáng, gương mặt rạng ngời của cậu bé 13 tuổi ấy ít ai biết gần mười năm về trước Vinh đã mắc chứng tự kỷ trầm trọng.
Hành trình để bố mẹ đưa Vinh trở lại cuộc sống bình thường dài đằng đẵng với bao khổ đau, nước mắt. Nhưng cuối cùng thì họ đã chiến thắng.
Đến tuổi đi học mẫu giáo, Vinh chạy nhảy lung tung khi các bạn ngồi im, đến giờ ăn thì gào thét. Khi các bạn đi ngủ thì Vinh lại mang đồ chơi ra một xó để chơi. Có lần trong lúc cô đang dạy các bạn múa hát thì Vinh lẻn vào nhà tắm, đóng cửa rồi xả nước trong đó khiến các cô được một phen hết hồn.
Cậu bé hầu như không học được ở trường nào lâu hơn một tháng.
Xem clip dưới đây: (Clip do gia đình nhân vật cung cấp)
|
Ngồi bên con trai, anh Quang – bố Vinh chia sẻ: “Thực sự gia đình tôi rất hoang mang, mang cháu đi khám khắp nơi. Hồi đó, khái niệm tự kỷ còn rất xa lạ với người Việt Nam. Thế nên cứ nghe thấy ở đâu người ta mách có thầy tốt, thuốc hay là vợ chồng tôi lại mang con đến nhưng kết quả là vô vọng”.
Gia đình hạnh phúc của cậu bé Nguyễn Thế Vinh. (Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp). |
Lên bốn tuổi nhưng cậu vẫn ăn cháo, mà là cháo say. Chỉ cần vướng một hạt cháo còn nguyên là cậu bé phì ra ngay. Cho con ăn uống đối với bố mẹ Vinh nhiều khi là một cực hình.
Biết con mắc bệnh sợ tiếp xúc nên bố Vinh luôn thường xuyên tìm cách đưa con đi chơi đây đó để dạn ra. “Tôi nhớ có một lần khi đang dắt Vinh dạo trong vườn Bách Thảo, lúc đi qua hồ nước tự nhiên thấy con dứt tay ra rồi chạy tới lao ùm xuống hồ. Tôi hoảng quá cũng lao theo. Sau này tìm hiểu mới biết, vì ở nhà Vinh thích tắm thế nên khi nhìn thấy hồ nước Vinh tưởng nó giống như cái bồn tắm ở nhà mình. Cũng may hồi đó mùa đông, nước không quá sâu nên thằng bé không sao cả” – anh Quang nhớ lại.
Sau đó, bố mẹ quyết định gửi Vinh vào Trường câm điếc Xã Đàn. Chính tại môi trường “đặc biệt” này đã mang đến sự thay đổi kỳ diệu, giúp Vinh dần hòa nhập với những người xung quanh. Dần dần Vinh đã biết cách nghe và trả lời những câu hỏi đơn giản, biết tự ăn uống.
Vợ chồng anh Quang còn mời các SV khoa Tâm lý của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn đến tận nhà vừa chơi vừa dạy cho Vinh. Người soạn giáo án cho những lần lên lớp của các anh chị ấy lại chính là anh Quang. Anh đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về căn bệnh đó.
Cứ như thế, đến tuổi đi học, cậu bé đã có thể đi học bình thường như bao bạn khác dù nhiều phản ứng còn chậm.
Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp. |
Tài năng âm nhạc
Một điều đặc biệt là Vinh rất nhạy cảm với âm nhạc và có một trí nhớ tuyệt vời. Ngay từ hồi bé tí, dù đang rất tập trung chơi đồ chơi nhưng chỉ hễ nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo là mắt cậu bé lại sáng lên, khuôn mặt như giãn ra.
Thương con, anh Quang nhờ người quen đưa Vinh đến nhà của nhạc sĩ Phú Quang nhờ ông thẩm định. Không ngờ người nhạc sĩ này phải gật đầu thừa nhận khả năng âm nhạc thiên bẩm của cậu bé. Chính nhạc sĩ đã gửi gắm Vinh cho cô con gái là nghệ sĩ piano Trinh Hương kèm cặp Vinh.
Đắm mình trong không gian âm nhạc đã biến Vinh trở thành một con người hoàn toàn khác. Lúc trầm ngâm suy tư khi lại tươi vui, hoạt bát.
Năm lên 10 (tháng 7/2010) Vinh lần đầu tiên tham dự một cuộc thi chuyên nghiệp về piano tại Hàn Quốc và ẵm luôn giải Vàng.
Tháng 9/2010 cậu bé đạt giải khuyến khích bảng A (lứa tuổi từ 10-13) trong cuộc thi Piano quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Cùng thời gian, Vinh được trao học bổng TOYOTA giành cho học sinh xuất sắc của các trường nghệ thuật.
Tháng 01/2012 tham gia biểu diễn trong chương trình hoà nhạc đặc biệt chào xuân 2012 cùng với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội do nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji chỉ huy.
Tháng 9/2012 đạt giải nhì bảng A (lứa tuổi từ 10-13) và giải thí sinh trình diễn nhạc cổ điển hay nhất trong cuộc thi Piano quốc tế lần thứ hai tổ chức tại Việt Nam.
Tháng 11/2012 đạt giải nhì Concerto Category bảng A trong cuộc thi Piano quốc tế lần thứ năm tại Malaysia. “Ngay trước hôm thi em bị sốt rất cao, tận 41 độ. Mặc dù đã uống thuốc nhưng tình hình cũng không đỡ nên mọi người quyết định cho em dừng lại. Em khóc và năn nỉ cho được thi. Thật vui khi em đã giành được giải nhì” – cậu bé nhớ lại.
Ước mơ đứng trên sân khấu “Điều còn mãi”
Hiện Vinh đang là học sinh năm thứ 4, hệ Trung cấp 9 năm Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ước mơ cháy bỏng của Vinh là “trở thành một nghệ sĩ piano thành danh không chỉ của Việt Nam mà trên toàn thế giới”.
Thường xuyên theo dõi, thậm chí bỏ ra cả triệu đồng nhận được từ các cuộc thi để mua đĩa nhạc của các nghệ sĩ piano nổi tiếng, Vinh cũng tâm sự: “Em rất thích chương trình hòa nhạc Điều còn mãi mỗi dịp Quốc khánh hàng năm. Thật tuyệt vời nếu được đứng trên sân khấu ấy dù chỉ một lần thôi”.
Theo Văn Chung
VietNamNet