Hơn 30 năm gắn bó, mỗi khi nhớ đến ông Mười Cúc và ông Sáu Dân, đại tá bác sỹ Lê Hồng Quang lại rưng rưng xúc động.
Thương lính như con
Chiều cuối năm, trong căn nhà ở ngoại ô Sài Gòn, đại tá bác sỹ (BS) Lê Hồng Quang (80 tuổi) bồi hồi lục tìm những tấm ảnh đen trắng đã ố màu thời gian. Ông khoe: "Tấm ảnh anh Sáu Dân và tôi tắm suối giữa đại ngàn Trường Sơn, cụ Nguyễn Văn Linh đích thân bấm máy. Tôi biết chụp ảnh, quay phim cũng nhờ cụ dạy cho”.
BS Quang quê ở Sa Ðéc (Ðồng Tháp) tham gia kháng chiến chống Pháp rồi tập kết ra Bắc, đến năm 1966 trở về miền Nam. Ông Quang kể: Ông Sáu Bằng, Phó Văn phòng Trung ương Cục đưa tôi vào gặp cụ Nguyễn Văn Linh giới thiệu: “Thằng này học chính quy Ðại học Y Hà Nội. Nó học giỏi, sinh viên tiên tiến nhiều năm liền. Văn phòng giới thiệu nó lo sức khỏe cho anh”.
Cụ Linh cười: Ông khỏi giới thiệu. Thằng này tôi biết rồi. Nó hiền, làm việc cũng được. Cứ để nó chăm sóc sức khỏe cho Thường vụ Trung ương Cục.
BS Quang hơi bất ngờ vì ông Linh, dù giữ trọng trách rất cao, bận rộn trăm bề, vẫn không quên người bác sỹ chỉ gặp duy nhất một lần. Hồi ấy, BS Quang được điều động giúp nước bạn Campuchia. Ông Linh sang thăm, BS Quang vinh dự được chăm sóc cho ông Linh.
BS Quang trở thành một trong những người thân tín, gắn bó với ông Linh suốt trong những năm tháng chiến tranh cho đến ngày ông Linh nhắm mắt. Ông Quang ngủ ở cửa hầm để canh gác, bảo vệ, đi công tác đôi khi chỉ có hai người. Có lần, ông Nguyễn Văn Linh bảo bà Bảy Huệ vợ ông: “Tôi thương thằng Quang như con”.
“Tôi học Ðại học Y Hà Nội khoá 1961 -1966, là bí thư chi bộ, lớp trưởng của bác sỹ Ðặng Thuỳ Trâm. Trâm ba lần gặp tôi xin đi B nhưng lúc đó anh Tư Thạch (Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch) muốn sinh viên miền Nam đi trước. Tôi đi B năm 1966 còn Ðặng Thuỳ Trâm đi năm 1967. Trong hồi ký, Trâm viết các bạn đi B trước cô ấy một năm”.
Ðại tá bác sỹ Lê Hồng Quang
BS Quang nhớ lại: Cụ sinh hoạt, ăn uống rất giản dị, đặc biệt là thương anh em. Cụ tự giặt quần áo lót, không phiền nhân viên phục vụ. Ðiều kiện sinh hoạt thiếu thốn, mỗi bữa, cụ san sẻ cho anh em, có khi là mấy con cá kho, tô canh chua lá giang rừng…
“Cụ thích quay phim, chụp ảnh. Tôi chỉ biết lỏm bỏm, sau này được cụ dạy thêm. Cụ dành căn hầm trú ẩn để tôi rửa ảnh, tráng phim còn cụ chạy lên, chạy xuống kiểm tra, góp ý” - BS Quang kể.
Những ngày diễn ra chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông Nguyễn Văn Linh về Củ Chi (Sài Gòn), Bến Cát (Bình Dương) kiểm tra tình hình. Ông nhắm hướng, cắt rừng mà đi, không hành quân trên đường dễ lộ dấu vết.
Ông Linh xuống gặp ông Trần Bạch Ðằng. BS Quang và gần một tiểu đội đi theo bảo vệ. Gần đến nơi thì nhận được tin một bảo vệ của ông Ðằng đầu hàng địch. Vài ngày trước Tám Hà, một cán bộ dưới quyền ông Ðằng cũng chiêu hồi. Tình thế vô cùng nguy cấp, ông Linh quyết định quay lại.
“Trên đường rút về cứ, địch pháo kích dữ dội. Máy bay quần thảo liên tục” - BS Quang nhớ lại.
Sau này, TBT Nguyễn Văn Linh thường đi cơ sở, nghe các địa phương báo cáo rồi bí mật lệnh BS Quang kiểm chứng, đến hỏi thăm người dân địa phương báo cáo với ông. Nhiều vụ đánh tráo lợn béo của người dân thành lợn của hợp tác xã được phát hiện.
Ðại tá bác sỹ Lê Hồng Quang.
Chôn chặt nỗi đau
BS Quang nói tư duy đổi mới của TBT Nguyễn Văn Linh có từ rất sớm. Từng là Phó Bí thư Trung ương Cục nên ông Linh được lãnh đạo các tỉnh phía Nam như ông Chín Cần, Bí thư Long An, ông Sáu Hơn, Bí thư An Giang… lên xin ý kiến. Chủ trương tính công lao động vào lương bắt đầu từ Long An, còn mô hình “cánh đồng mẫu lớn” khởi phát từ An Giang.
Năm 1979, ông Nguyễn Văn Linh và phu nhân cùng người con gái đầu đang ở Matxcova (Liên Xô) thì nhận được tin dữ.
BS Quang nhớ lại: “Ông Minh Châu, Phó Văn phòng Trung ương điện sang báo Nguyễn Hùng Linh (con trai ông) bị tai nạn. Bà Bảy Huệ và cô Hoà bay về, chỉ còn hai thầy trò ở lại. Cụ Linh rất buồn, không muốn gặp ai. Mỗi khi gặp chuyện buồn, cụ ghi âm, đọc sách để khuây khỏa. Tôi chuẩn bị sẵn cho cụ mấy bộ tiểu thuyết, trong đó có truyện “Tiếu ngạo giang hồ”. Có khi nửa đêm, cụ thức dậy, cặm cụi ghi âm.
Khi Liên Xô cải tổ, cụ rất tâm tư. Năm 1987, tôi tháp tùng cụ sang Nga dự 70 năm Cách mạng tháng Mười. Họ bắt hai thầy trò ngồi chờ cả tiếng. Tôi rất bực nhưng ông cụ vẫn điềm tĩnh. Cụ nhận định: "Tình hình gay go lắm. Gorbachev bày vẽ cải tổ chứ không vững đâu”.
“Lúc sắp mất, cụ gọi tôi vào gặp mấy lần, dường như muốn dặn dò điều gì đó nhưng rồi cụ im lặng” - BS Quang nhớ lại.
BS Lê Hồng Quang còn may mắn được tiếp xúc, gần gũi với nhiều vị lãnh đạo kiệt xuất khác. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bí danh Sáu Dân) là một trong số ấy.
Năm 1973, đoàn cán bộ miền Nam vượt Trường Sơn ra Bắc. Ðoàn có ông Nguyễn Văn Linh, ông Võ Văn Kiệt, tướng Hoàng Văn Thái. Bác sỹ Quang được giao chăm sóc cho ông Linh, ông Sáu Dân và ông Sáu Ðường, bí thư T3.
Ðoàn được ông Ðặng Tính, chính uỷ Ðoàn 559 đón tiếp. Ðến Ðồng Hới thì đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đón và bố trí một chuyến bay đưa cả đoàn về sân bay Gia Lâm (Hà Nội) ngay trong ngày.
“Sáng hôm sau, tôi đi ngang qua câu lạc bộ quân đội thì thấy đăng tin ông Ðặng Tính hy sinh. Sau này tôi nghe anh em kể lại là sau khi chia tay đoàn cán bộ miền Nam, xe ông Ðặng Tính quay vào Nam cán phải mìn” - BS Quang xúc động.
Cũng trên cung đường Trường Sơn năm ấy, BS Quang nhiều lần bắt gặp ông Sáu Dân lặng lẽ nuốt nước mắt sau khi biết tin con trai đầu hy sinh. Có nỗi đau nào lớn hơn khi vợ con ông lần lượt bỏ ông mà đi trong vài năm.
Ông Quang kể: Anh Sáu Dân là người sống tình cảm, giản dị, bình dân. Tôi thường chạy sang chỗ ảnh ăn cơm. Khi ảnh lên làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (này là Bộ Kế hoạch và đầu tư), nhiều người muốn kết thân, đề nghị làm sân tennis cho ảnh nhưng ảnh từ chối. Sân tennis ở Hồ Tây, lưới B40 anh Sáu đem trong Nam ra.
“Một lần, anh Sáu tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp giải quyết lạm phát, tửu lượng của ảnh vốn rất khá nhưng hôm đó dùng rượu Ðồng Tháp, về nhà ảnh hỏi tôi: Sao rượu nó ngọt ngọt, uống dễ chết quá mày. Chắc chết thiệt đó. Bữa đó ảnh say, tôi phải giải rượu cho ảnh” - BS Quang nhớ lại.