Chuyện cảm động trên vỉa hè Trúc Bạch ngày đầu hết cách ly

Người dân phố Trúc Bạch thảnh thơi nói chuyện trên vỉa hè sáng 21/3. Ảnh: Mạnh Thắng
Người dân phố Trúc Bạch thảnh thơi nói chuyện trên vỉa hè sáng 21/3. Ảnh: Mạnh Thắng
TPO - “Nói chung là mĩ mãn. Với người dân thế là tuyệt vời. Trên thế giới chỉ có Việt Nam mình thôi. Rất xúc động”, bà Oanh nhà ở sát số 125 Trúc Bạch, nói.

Chiều 21/3, vườn hoa phía trước dãy nhà lẻ phố Trúc Bạch đón khá nhiều trẻ em đến chơi đu quay, cầu trượt sau khi được gỡ bỏ lệnh cách ly phòng, chống Covid-19. Cuộc sống dần trở lại bình thường.

Cuối giờ chiều, bà Oanh, nhà ở sát số 125 Trúc Bạch cầm chổi ra quét vỉa hè. Thấy hàng xóm, bà giơ tay vẫy chào. Bà Oanh đeo khẩu trang màu xanh. Trong ánh mắt của bà như có nhiều niềm vui.

Thấy hàng xóm, bà tiến lại gần, nói chuyện oang oang cả góc phố. Bà Oanh thuộc diện phải đi cách ly ở Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 sau khi phát hiện ca bệnh 17, 19, 20.

Sau khi có kết quả âm tính, bà được chuyển về cách ly ở nhà. Dù ở bệnh viện hay ở nhà, bà bảo đều cảm nhận được sự chân tình, chu đáo của lực lượng chức năng.

“Nói chung là mĩ mãn. Với người dân thế là tuyệt vời. Trên thế giới chỉ có Việt Nam mình thôi. Rất xúc động”, bà Oanh nói.

Bà Oanh kể, lúc bước lên xe cứu thương đi bệnh viện cách ly, bà rất lo lắng, nhưng sang đến nơi, bà được chăm sóc tận tình. Bữa sáng có bún, có bánh tráng thay phiên nhau. Ăn bún thì có cả tương ớt đi kèm, kẹp trong túi nilon, có miếng chanh và kèm theo 3 lát ớt nữa. Bún thì để riêng ra túi, giò và thịt trong một túi khác. Nước canh để sẵn vào một cái bát. Có cả rau hành, mùi, chỉ việc ăn.

“Hôm đầu vào viện, cơ sở vật chất chưa đủ, bác sĩ đã xin lỗi, bảo các bác thông cảm, ngày mai sẽ đầy đủ cho các bác. Thế là ngày hôm sau phát bàn chải cho mọi người, mỗi cái 32 nghìn. Rồi thuốc đánh răng, xà phòng rửa tay. Mỗi ngày một buồng được hai cuộn giấy vệ sinh. Nước nóng thoải mái, truyền hình, mạng căng đét. Như ở khách sạn, mỗi người một giường, bà oanh nói.

Bà Dung, hàng xóm của bà Oanh bảo, 14 ngày Trúc Bạch được cách ly, cơ quan chức năng cũng cung cấp đầy đủ gạo, dầu ăn, nước mắm, mì chính, thịt cá… Một phụ nữ góp chuyện: “Cháu nhận đồ ăn mà khóc mấy lần đấy ạ”.

“Bác sĩ ở bệnh viện đúng là số 1. Vào viện, các bác sĩ bảo bác đứng ở đây chờ chúng cháu chỉ dẫn. Có gì sơ suất các bác bỏ qua. Ăn xong các bác cứ việc để ra ngoài hành lang. Nói thật là bảo đi an dưỡng người ta cười, nhưng thực tế sướng như đi an dưỡng”, bà Oanh nói thêm.

Đã 14 ngày, bà Nguyễn Uyển Diễm (70 tuổi), số 4, Ngũ Xã mới được đưa cháu vào chơi cầu trượt ở phố Trúc Bạch. Bà Diễm bảo, nhà bà cách khu cách ly chỉ vài bước chân. Từ hôm cách ly, bà không thể đưa cháu vào chơi vì thế, cháu bà chỉ suốt ngày chơi điện tử trên điện thoại.

“Nay tranh thủ hết hạn cách ly tôi đưa nó ra đây chơi cho đỡ hại mắt. Suốt ngày dán mắt vào điện thoại hỏng hết”, bà Diễm nói.

Chuyện cảm động trên vỉa hè Trúc Bạch ngày đầu hết cách ly ảnh 2

Cháu bà Diễm và con chị Phương Anh chơi cầu trượt ở phố Trúc Bạch chiều 21/3. Ảnh: Trường Phong

Bà Diễm thường xuyên đưa cháu đến chơi ở khu vực này. Bà bảo, hết hạn cách ly rồi, mọi thứ cũng trở lại bình thường. Bà đưa cháu đến chơi cũng không thấy e ngại gì.

Cùng đưa con đến chơi cầu trượt, chị Phương Anh (37 tuổi) nhà ở An Dương bảo, nhà cách khu phố Trúc Bạch gần một cây số, bình thường hàng ngày vẫn hay cho hai đứa con vào chơi. Từ ngày cách ly, chị đi qua mà không vào được. Nay tranh thủ hết hạn cách ly, chị cho con vào chơi cho các cháu đỡ nhớ.

Cũng giống như bà Uyển, chị Phương Anh bảo hết hạn cách ly rồi, không việc gì phải sợ. Mọi người cũng đã sinh hoạt bình thường trở lại.

Theo quan sát của phóng viên, chiều 21/3, dù thế, phố Trúc Bạch vẫn khá im ắng. Các căn nhà chủ yếu vẫn đóng cửa im ỉm. Riêng hai số nhà 113 và 125 vẫn được rào chắn trước cửa, ghi rõ Khu vực cách ly. Một phụ nữ dừng xe máy chuyển một bịch hoa quả vào nhà số 113 rồi  vội đi rất nhanh. Chỉ số ít người dân ở Trúc Bạch ra ngoài. Một người cẩn thận xịt khử khuẩn nắm tay cửa ô tô trước khi mở cửa.

Nhiều người lượn qua lượn lại vài lần phố Trúc Bạch. Có người còn vừa đi xe máy vừa phát trực tiếp trên facebook cho mọi người xem khu phố của bệnh nhân số 17. Nhiều người nhận xét, hôm nay, nhà báo, phóng viên, người chụp ảnh đến đây còn nhiều hơn cả người dân Trúc Bạch ra đường.

Chuyện cảm động trên vỉa hè Trúc Bạch ngày đầu hết cách ly ảnh 3

Bà Oanh (phải) nói chuyện với bà Dung trên vỉa hè phố Trúc Bạch chiều 21/3. Ảnh: Trường Phong

Ông Vũ Văn Khôi, 62 tuổi, bảo vệ tổ dân phố vẫn ngồi “canh” trước số nhà 113 Trúc Bạch. Ông bảo, từ hôm qua đến nay, người dân vui hơn nhiều, thoải mái vì được gỡ lệnh cách ly. Dù thế, người dân vẫn cẩn thận khẩu trang mỗi khi ra đường.

Bản thân ông Khôi cũng đeo một chiếc khẩu trang vải. Nói chuyện với phóng viên, ông xịt một ít nước rửa tay khô xoa đều vào tay, kéo khẩu trang lên kín mũi.

Ông Khôi bảo, ông tham gia canh “chốt” từ ngày đầu triển khai cách ly. Cũng vất vả nhưng vì an toàn của mọi người nên phải cẩn thận. Ngày 21/3, ông trực một tiếng rồi thay ca.

Người dân được tháo dỡ lệnh cách ly, nhưng riêng những bảo vệ dân phố như ông chắc phải tiếp tục làm thêm nhiệm vụ khoảng hơn chục ngày nữa. Tại góc phố nhìn vào tòa nhà 125 Trúc Bạch, một chốt kiểm tra bảo vệ vẫn hoạt động.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.