Chuyện bầm dập của một doanh nhân - Kỳ III

Chuyện bầm dập của một doanh nhân - Kỳ III
TP - Cuối năm thường loạn họp, Hà Giang cũng không ngoại lệ. Có hẹn trước nhưng  đến trụ sở UBND tỉnh chúng tôi ngồi đợi khá lâu vẫn không gặp được ông chủ tịch tỉnh vì ông mắc họp.

>> Kỳ II:

Chiều muộn với ông chủ tịch tỉnh

Cứ ngó vẻ bồn chồn của những vị khách phải đăng ký sau, chúng tôi thấy mình vẫn còn may mắn.

Chuyện bầm dập của một doanh nhân - Kỳ III ảnh 1
Sông Ma (Hà Giang) đang bị bức tử

Diện kiến ông chủ tịch tỉnh

Thú thực ngoài chương trình làm việc đã định trước, tôi còn có tí tò mò và đôi chút hồi hộp nữa là mong muốn được hầu chuyện người đứng đầu hàng tỉnh. Hình ảnh cùng thông tin trong buổi truyền hình trực tiếp phiên chất vấn kỳ họp QH  mới đây khá ấn tượng. Ấy là khi Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông chất vấn việc ông chủ tịch tỉnh Hà Giang 5 lần bất tuân thượng lệnh... Hình như xứ mình không có nhiều lắm những việc động trời na ná như thế?

Trong 4 năm ( 2006-2009) chính thức có 7 lần Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang bằng văn bản giải quyết các khoản nợ mà Công ty Sông Lô đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho tỉnh theo các dự án đã được duyệt.

Như vậy hình như không phải là 5 lần như ĐBQH Lê Văn Cuông phát biểu trong phiên chất vấn mà là 7 lần! Na ná câu ngạn ngữ của người Việt năm lần  bảy lượt?

Đã nhá nhem, xe chở ông chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô mới về trụ sở UB tỉnh. Đây là lần đầu chúng tôi được gặp ông. Nhỏ nhắn gọn gàng trong bộ âu phục. Căn phòng làm việc diện tích vừa phải nổi bật chân dung ông chụp với Chủ tịch nước Trần Đức Lương và bức phong cảnh Thanh minh thượng hà đồ, một dạng quốc họa Trung Hoa.

Cái bắt tay không chặt chúng tôi có cảm giác là đang phiền ông, vậy nên khởi đầu câu chuyện là lan man về ngôi nhà của Vua Mèo Vương Chí Sình ở Sà Phìn, Đồng Văn, về cao nguyên đá, về chợ tình Khâu Vai... Nhưng chất giọng sắc lạnh thẳng thắn của ông đã kéo chúng tôi về thực tại là chúng tôi đến có việc gì?

Thưa lại rằng nhân  chuyến công tác Hà Giang, chúng tôi xin phép đến thăm chào vị chủ tịch tỉnh. Ông thẳng thắn cám ơn ngay, nhưng khi câu hỏi tiếp theo là tiện đây xin đồng chí chủ tịch tỉnh vui lòng cho biết quan điểm về những câu hỏi chất vấn của ĐBQH Lê Văn Cuông thì, ngay tức thì, những nét không thoải mái trên gương mặt vị chủ tịch tỉnh hồi nãy đã biến thành sự khó chịu.

Ông Chủ tịch tỉnh phản ứng

Ông chủ tịch chống hai tay lên thành ghế gằn giọng nói thế là nói bậy! Các anh hãy đọc báo Người Cao Tuổi thì sẽ biết! (phản ánh về việc Công ty Sông Lô lâm phải nợ nần và đứng trên miệng vực phá sản có nhiều cơ quan thông tin đại chúng tham gia nhưng có lẽ Báo Người Cao Tuổi viết nhiều nhất ( hơn 50 bài) nên trở thành tâm điểm chú ý chăng?)

Bản chất của Sông Lô là gì và ngày 12 tới (12-12-2009 - NV) chúng tôi sẽ mời báo Người Cao Tuổi đối chất về vấn đề đã nêu. Để tìm hiểu Sông Lô, cần có thời gian. Tốt nhất là tìm hiểu hai mặt. Tôi nói đúng, các anh cũng nói được, nói sai cũng nói được. Hiện tại tôi chưa có ý kiến gì. Chúng tôi đã có những văn bản gửi các cơ quan nhà nước.

Chuyện bầm dập của một doanh nhân - Kỳ III ảnh 2
Ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang. Ảnh: XB 

Thoáng thấy nguời bạn đồng nghiệp của tôi rút bút ra ( tôi biết động thái này hơi bị thừa bởi chiếc máy ghi âm đặc dụng trong túi anh đèn làm việc vẫn báo đỏ đều)  ông sẵng giọng Cuộc trao đổi này không có gì để ghi chép đưa lên báo cả. Mà nói trước, hôm nay không có làm việc gì để Công ty Sông Lô nhá! Rồi các anh sẽ hiểu thêm tại sao tôi gửi kháng cáo đến tòa án rồi lại rút kháng cáo. Có phải một mình tôi muốn làm voi thì làm, làm chuột thì làm ở đất này đâu? Còn cả ban lãnh đạo, bộ máy chính trị... mà có chuyện năm bảy lượt chủ tịch không chấp hành lệnh của Thủ tướng.

Tôi đâm hoảng và thấy mình như có lỗi bởi khi không lại làm phiền đến vị chủ tịch tỉnh, lại để ông phải nổi nóng nữa...

Ông chủ tịch có lẽ cũng đã dịu đi một chút, giọng ông trầm xuống: Tôi không bình tĩnh sao làm được việc? Với hơn 800 doanh nghiệp, đây là trách nhiệm với nhân dân đâu chỉ với một, hai doanh nghiệp. Tôi thấy là việc bình thường, người nói cứ nói, còn thực hư thế nào còn cả một hệ thống chính trị, đâu phải tôi muốn làm gì thì làm.

Trong chúng tôi có ai đó đề cập đến số nợ xấu mà thời kỳ đại công trường ở Hà Giang mở ra, ông đáp ngay:

Hơn 800 doanh nghiệp số nợ xấu cơ bản giải quyết hết còn 1,7% trong gần 6.500 tỷ huy động. Nguồn của tỉnh nghèo đã có Chính phủ. Nguồn thu khoảng gần 500 tỷ trên hơn 2.000 tỷ chi. Xây dựng cơ bản không biết nợ thì làm gì. Nợ sẽ trả luân chuyển, năm trước sang năm sau.

Chuyện bầm dập của một doanh nhân - Kỳ III ảnh 3Ông chủ tịch quay phắt lại quát: Vừa chụp gì đấy? Vừa chụp ảnh à? Tôi đã nói hôm nay không làm việc với báo chí nào về Công ty Sông Lô cả. Không chụp ảnh gì cả. Tôi không có thông tin gì về Sông Lô cả!Chuyện bầm dập của một doanh nhân - Kỳ III ảnh 4

Lại có một câu hỏi thêm về việc tỉnh đang nợ Công ty Sông Lô,  mặc dầu vị chủ tịch đã mấy lần vừa nói vừa ngó đồng hồ. Ông nói luôn Công ty Sông Lô đã thanh toán hết nợ. Công viên nước Hà Phương là của Sông Lô. Tỉnh không có ý định tu sửa mà vấn đề này chưa bàn tới, chắc là không có sự hợp tác.

Ông chủ tịch ngừng lại một lát, tiện đây tôi gửi các anh hai văn bản để tham khảo... Khi ông quay đi lấy văn bản thì anh bạn đồng nghiệp, không có ý định chụp ảnh nhưng hơi vụng về làm đổ nghiêng cái máy ảnh để bên cạnh phát ra một tiếng cạch khá to trong căn phòng vắng lặng.

Ông chủ tịch quay phắt lại quát: Vừa chụp gì đấy? Vừa chụp ảnh à? Tôi đã nói hôm nay không làm việc với báo chí nào về Công ty Sông Lô cả. Không chụp ảnh gì cả. Tôi không có thông tin gì về Sông Lô cả! Mọi việc sẽ được làm rõ và có thông tin cho báo chí sau buổi làm việc với Báo Người Cao Tuổi sắp tới. Và chúng tôi sẽ có ý kiến với Bộ Thông tin Truyền thông. Đến mức này thì cơ quan quản lý báo chí về pháp luật cần vào cuộc để xem báo chí đúng sai đến đâu.

Ông vén tay ngó đồng hồ: Bây giờ thì tôi bận đi ăn cơm...

Hú vía, tưởng sau một hồi sẵng giọng, ông rút lại ý định đưa 2 văn bản nọ. Nhưng ông đã hào phóng đưa. Tôi cầm lên. Đó là ý kiến của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang  Hoàng Minh Nhất, UV T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy gửi  10 vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQ... gồm 4 trang khổ A4 về việc chất vấn của ĐBQH Lê Văn Cuông.

Văn bản thứ hai gồm 3 trang khổ A4 của ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, gửi ông Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp.

Phần cuối công văn ghi rõ kính mong ông Bộ trưởng cho ý kiến chỉ đạo đối với Báo Người Cao Tuổi yêu cầu thông tin phải trung thực khách quan đúng nội dung và bản chất của sự việc để giúp tỉnh Hà Giang và để thông tin với báo chí phản ánh thực tế cuộc sống và góp phần xây dựng đất nước, xây dựng CNXH như ý kiến của Bộ trưởng tại kỳ họp thứ 6 QH khóa XII vừa qua.

Chúng tôi vội xin phép sợ làm chậm giờ cơm của ông. Trước khi chia tay chúng tôi chân thành chúc ông ngon miệng, mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc để hoàn thành trọng trách đứng đầu chính quyền tại một vùng đất biên cương của đất nước!

Về đến Hà Nội, chúng tôi cũng được biết,  ông Tổng biên tập (TBT) báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa đã nhận được thư mời của UBND tỉnh Hà Giang về cuộc đối thoại ngày 12-12-2009. Ông đã có công văn kính gửi UBND tỉnh Hà Giang với nội dung chung quanh về nội dung các bài báo Người Cao Tuổi đã đăng về Công ty Sông Lô, nếu thấy có vấn đề gì cần thông tin trao đổi, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang làm văn bản để TBT Báo Người Cao Tuổi trả lời (giải trình) như Báo đã từng trả lời lãnh đạo tỉnh Hà Giang và các cơ quan chức năng. Với lại thời gian đó ông đã có kế hoạch đi công tác một số tỉnh phía Nam!

Chúng tôi thực sự ái ngại khi nghĩ đến những nét bực dọc của ông chủ tịch vùng cao Hà Giang mà mình từng phải chứng kiến... Cuộc đối chất đã không diễn ra! Như vậy thì bao giờ ông chủ tịch mới có cơ sở và kết quả để trả lời công luận như ông từng nói?

------------------

Kỳ cuối: Đôi nét về ĐBQH Lê Văn Cuông và vị thẩm phán vùng cao

MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.