Hậu vụ ém thông tin nước tương bẩn ở TPHCM:

Chuyện bác sĩ Giang - Kỳ 1

Chuyện bác sĩ Giang - Kỳ 1
TP - Sau khi thực hiện theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, ra quyết định (QĐ) rút QĐ trái pháp luật về việc kỷ luật nguyên Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM Nguyễn Đức An, UBND TPHCM vẫn chưa lập hội đồng xem xét hình thức kỷ luật lại ông An, cũng như ông Lê Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP).

Trong các đơn khiếu tố gửi lãnh đạo TPHCM và Bộ Nội vụ, BS An đưa nhiều chứng cứ chứng minh rằng, BS Lê Trường Giang đã chủ mưu ém thông tin xì-căng-đan nước tương bị nhiễm 3-MCPD nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất nước tương thu lợi.

Theo đó, năm 2001, khi phát hiện thông tin có nước tương nhập khẩu chứa chất 3-MCPD, UBND TPHCM chỉ đạo cho phía BS Giang phối hợp với cơ quan chuyên ngành thực hiện cuộc khảo sát.

Kết quả cho thấy môi chất này có trong hầu hết các mẫu nước tương với hàm lượng cao. 

Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo ATVSTP ký  công văn (CV) 20/UB-VX, ngày 4/3/2002 gửi Bộ Y tế. Nội dung CV xin xác định tính chất độc hại và quy chuẩn đo lường và hàm lượng cho phép các chất 3-MCPD.

Ngày 21/3/2002, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền có CV gửi UBND TPHCM khẳng định theo báo cáo của phía chính quyền TPHCM về “môi chất 3-MCPD có khả năng gây ung thư do nhiễm độc gene cho người sử dụng”.

Chỉ đạo của Bộ Y tế là nên khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm theo danh mục kèm theo. Còn hàng nhập khẩu cần phải có xác nhận đạt tiêu chuẩn VSATTP đối với 3-MCPD…

Tiếp nhận văn bản này vào ngày 25/3, hai ngày sau ông Nguyễn Thành Tài, bút phê chuyển cho Sở Y tế TPHCM. Tiếp theo ngày 30/12/2004, ông Giang ký công văn 5274 yêu cầu Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn. Mãi đến ngày 25/3/2005, Bộ Y tế mới ban hành QĐ 11, quy định hàm lượng 3-MCPD không vượt quá một mg/kg.

Trước sự việc bị báo chí phanh phui, ngày 2/8/2005, BS Giang chủ trì cuộc họp bàn việc thành lập đoàn thanh tra các cơ sở nước tương vi phạm và chỉ đạo: “Mục đích của đợt thanh tra nhằm ổn định dư luận xã hội nên phải thận trọng không tiết lộ thông tin”. Suốt quá trình thanh tra, BS An cũng báo cáo kết quả có nhiều mẫu nước tương chứa hàm lượng 3-MCPD không đạt.

BS Giang ký công văn số 4326, ngày 16/9/2005,  gửi Cục ATVSTP (Bộ Y tế), xin gia hạn thời gian công bố hàm lượng 3-MCPD cho các doanh nghiệp.

Sau khi kết thúc thanh tra, ngày 17/10/2005, BS Giang tiếp tục ký văn bản 4820, có nội dung “Sở Y tế chấp nhận gia hạn thời gian công bố hàm lượng 3-MCPD đến 30/2/2006”.

Theo BS An, chính việc làm này của BS Giang khiến Đoàn Thanh tra chưa thể công bố kết quả thanh tra. Không thể chờ đợi hơn, báo chí tiếp tục đưa thông tin và cho rằng, Sở Y tế ém thông tin, không công khai sự thật cho người tiêu dùng về nước tương bẩn.

Ngày 25/5/2007, ông Giang chủ động tổ chức họp báo và quy cho Thanh tra Sở Y tế xì thông tin. Dựa vào nguồn tin của ông Giang xuất hiện một số bài viết tạo nên dư luận, chĩa mũi dùi về Thanh tra và cá nhân BS An nhằm đánh lạc hướng kéo sự chú ý khỏi người đáng lẽ phải chịu trách nhiệm là ông Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo ATVSTP Lê Trường Giang.

Báo cáo sai sự thật

Chuyện bác sĩ Giang - Kỳ 1 ảnh 1
Báo cáo 3002 của BS Lê Trường Giang  Ảnh: Hữu Vinh

Ngày 28/5/2007, BS Giang ký  văn bản số 3002/SYT-TTra, báo cáo lên Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM.

Báo cáo này chỉ nêu những mặt tích cực của BS Giang như thành tích phát  hiện và khẩn trương chỉ đạo…

Về tồn tại, BS Giang đổ thừa cho phía Thanh tra:“Thiếu quyết đoán, chậm công bố công khai các cơ sở vi phạm; thiếu giám sát trong thu hồi triệt để thành phẩm không đạt chất lượng”. Đây chính là nguồn cơn vụ việc khiến BS An bị cách chức.

Song, khi nhìn vào hàng loạt công văn (CV) được phát hành thì thấy BS Giang có những động tác ém thông tin, không báo cáo sự thật vụ việc cho cấp trên, tạo điều kiện giải vây cho những doanh nghiệp có tên trong danh sách sản xuất nước tương bẩn.

Cụ thể, ngày 25/3/2005, Bộ Y tế ký QĐ 11 quy định hàm lượng 3-MCPD không quá một mg/kg.  Ngày 25/4/2005, ông Giang ký công văn (CV) 1722 yêu cầu các cơ sở công bố hàm lượng đúng quy định. Đến ngày 1/8/2005, ông Giang ký tiếp CV 3531 chốt lại hạn chót thời gian công bố vào ngày 30/8/2005.

Nhưng ngày 16/9/2005, ông Giang lại ký CV 4326 gửi Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (VSATTP)  xin gia hạn công bố theo yêu cầu của câu lạc bộ nước chấm. Chính từ CV này, Cục VSATTP có CV 607 (hoả tốc) cho phép gia hạn thời gian công bố thêm sáu tháng. Căn cứ vào đó, ông Giang ký công văn 4820, cho phép gia hạn ngày công bố đến 30/2/2006.

Và, trong văn bản 3002, BS Giang giấu đi hai CV 4326 và 4820 để thực hiện việc đẩy trách nhiệm của mình cho người khác.

Về việc không đưa hai CV nói trên vào văn bản 3002, ngày 4/10/2008, BS Giang cho báo chí biết, văn bản 3002 là do phía Thanh tra soạn. BS An sau đó phản biện rằng báo cáo 3002 là sản phẩm của BS Giang. Bởi nếu phía Thanh tra soạn ra báo cáo này thì tất nhiên phải có chữ ký nháy của ông An.

Căn cứ theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP và các QĐ 39/2005/QĐ-BYT, 11/2006/QĐ-BYT của Bộ Y tế về  xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và quy chế cấp giấy chứng nhận VSATTP, thì Chánh Thanh tra được phép xử phạt và công bố thông tin các cơ sở sản xuất nước tương bẩn.

Nhưng việc BS Giang cho gia hạn thời gian công bố hàm lượng 3-MCPD nhiễm trong nước tương đến 31/12/2007, khiến cho việc thanh tra của BS An hoàn toàn bị động vì không thể xử phạt được bất kỳ cơ sở nào có hàm lượng 3-MCPD vượt quá một mg/kg.

Kỳ II: Chỉ đạo của UBKT TW bị treo

Ém thông tin không báo cáo cấp trên

QĐ kỷ luật đảng viên của Thành ủy TPHCM chiều 31/7/2008 với BS An và BS Giang, nêu rõ, cuối năm 2005, Thanh tra Sở Y tế đã báo cáo kết quả thanh tra có nhiều cơ sở sản xuất nước tương chứa chất 3-MCPD vượt mức quy định, nhưng BS Giang không báo cáo cấp trên trực tiếp, tức ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Trưởng ban chỉ đạo ATVSTP, và Giám  đốc Sở Y tế thời điểm này là BS Nguyễn Thế Dũng.

Cuối tháng 12/2006, Trung tâm Y tế Dự phòng có văn bản báo cáo BS Giang nói rõ việc khảo sát 33/75 cơ sở sản xuất nước tương và kiểm nghiệm 20 mẫu, phát hiện 14 mẫu có chứa 3-MCPD, trong đó tám mẫu vượt mức cho phép.

Thế nhưng các cơ sở được giúp bằng cách gia hạn việc công bố thông tin về 3-MCPD để không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh. Biết rõ báo cáo này, BS Giang cũng không báo cáo cho ông Nguyễn Thành Tài và BS Nguyễn Thế Dũng.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.