Chuông Việt vang ở xứ người

Chuông Việt vang ở xứ người
Mỗi lần hai tiếng Việt Nam vang lên trong các lễ trao giải thưởng quốc tế là một lần chúng ta phải cảm ơn những nghệ sĩ đã cống hiến tài năng, tâm huyết của mình vì màu cờ sắc áo dân tộc.

Mùa xuân đến với những niềm tâm sự cũ, xin giới thiệu tâm sự của chính những người đã  khiến “chuông Việt” vang lên ở một số quốc gia

Chuông Việt vang ở xứ người ảnh 1
Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Cũng có đôi lần, tại một vài LHP  Quốc tế tôi được chứng kiến lễ trao giải Thành tựu trọn đời cho những người làm điện ảnh, chủ yếu là đạo diễn, diễn viên...

Những người được giải là những người mà toàn bộ sự nghiệp sáng tác điện ảnh của mình được coi là có những đóng góp nhất định. Thật tình, tôi không bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ nhận được cái vinh dự đó.

Khi nhận được thư mời của Ban Tổ chức LHP Quốc tế Gwangju (Hàn Quốc) tôi chỉ nghĩ rằng tôi được mời là vì có hai phim: Bao giờ cho đến tháng 10Thương nhớ đồng quê được chọn chiếu trong chương trình phim của các đạo diễn bậc thầy châu Á.

Đối với tôi được như vậy đã vinh dự lắm rồi. Không ngờ tại buổi lễ khai mạc (28/8/2005), tôi đã được ông Chủ tịch LHP trao giải thưởng Thành tựu trọn đời cùng với 4 đạo diễn châu Á khác.

Có lẽ Ban tổ chức muốn dành cho tôi một sự bất ngờ nên đến phút chót, khi ngồi nhìn 3 đạo diễn khác lên nhận giải tôi cũng không biết rằng mình sẽ là người thứ 5 được gọi tên.

Nhờ chị Hồng Ngát (Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh VN) ngồi bên cạnh phát hiện tên tôi trên bảng thông báo được chiếu lên bức tường bên cạnh sân khấu nên tôi có được vài phút để chuẩn bị tinh thần trước khi lên nhận giải.

Đứng trên sân khấu cạnh những đạo diễn châu Á mà tôi hằng ngưỡng mộ, tôi mới cảm thấy hết ý nghĩa của giải thưởng này. Chị  Ngát muốn biết tại sao tôi lại có trong danh sách những người được giải và một thành viên Ban Tổ chức đã cho biết: “Chúng tôi được những nhà điện ảnh Trung Quốc và Nhật Bản giới thiệu, đương nhiên chúng tôi cũng đã xem hết các phim của ông ấy trước khi đi đến quyết định trao giải”.

Riêng tôi mặc dù rất phấn khởi nhưng có một thắc mắc nhỏ: “Sự nghiệp điện ảnh của tôi đã kết thúc đâu mà đã được coi là thành tựu trọn đời?”.

Nhưng khi về VN, đọc báo thấy tin đạo diễn TQ Trương Nghệ Mưu cũng vừa nhận giải Thành tựu trọn đời tại LHP quốc tế Hawaii (Mỹ) thì thắc mắc trên của tôi đã được giải toả.

Trương Nghệ Mưu khi nhận giải mới 55 tuổi, sự nghiệp điện ảnh còn dài. Có nghĩa, những gì các nghệ sĩ đã làm được, xứng đáng được trao giải thì vẫn được trao giải.

Sau khi biết tin này, nhiều bạn bè người VN ở nước ngoài đã gửi email chia vui với tôi, có người còn cho rằng đây là một vinh dự cho điện ảnh nước nhà.

Nếu đúng như vậy thì tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Điện ảnh là một nghệ thuật tổng hợp, không ai có thể một mình làm nên sự nghiệp. Trong sự nghiệp điện ảnh của tôi có sự giúp đỡ và đóng góp rất nhiều của các đồng nghiệp, những người đã cộng sự với tôi qua các phim.

Tôi vô cùng biết ơn họ và nghĩ rằng giải thưởng này cũng là giải thưởng chung cho cả họ nữa. Nhiều người hỏi tôi giải thưởng này được kèm theo nhiêu tiền không?

Tôi phải trả lời ngay rằng giải thưởng này, cũng như giải thưởng tại một số liên hoan phim trên thế giới không kèm theo tiền. Nhiều khán giả lại hỏi tôi: “Nghe nói ông được Giải thành tựu trọn đời nhưng làm sao xem được các phim của ông? Có một số phim cũ ông làm nay chúng tôi muốn xem lại cũng không biết xem ở đâu?”.

Trước những câu hỏi đó thực tình tôi thấy buồn. Quả thật ở ta phim chiếu ra rạp rồi là thôi, không được chiếu lại bất kỳ ở đâu, nếu không được truyền hình “chiếu cố”. Thiết nghĩ, những phim của tôi cũng như của một số đạo diễn khác được Nhà nước quan tâm cho chuyển thành đĩa DVD thì niềm vui của chúng tôi mới thực sự trọn vẹn.

NSND Đặng Thái Sơn

Chuông Việt vang ở xứ người ảnh 2
NSND Đặng Thái Sơn

Khép lại năm 2005, Nhật báo Thái Lan The Nation đã bình chọn 11 nhân vật tiêu biểu trên truyền thông châu Á, trong đó có NSND Đặng Thái Sơn của Việt Nam.

Trên thực tế, trong suốt 25 năm qua, kể từ khi Đặng Thái Sơn  trở thành người châu Á đầu tiên giành HCV tại  Cuộc thi Piano Chopin Quốc tế lần thứ 10 ở Warsaw, ông vẫn được giới chuyên môn  tôn vinh là nhân vật nổi bật trong số những nghệ sĩ  hàng đầu thế giới của thời đại.

Lịch diễn, lịch giảng dạy kín đặc, năm 2005 là  một năm sôi động trong hoạt động  nghề nghiệp của nghệ sĩ thiên tài họ Đặng này. Ngoài các chuyến lưu diễn, ông còn là tham gia vào BGK Cuộc thi Piano Quốc tế lần thứ nhất tại Matxcơva; là khách mời duy nhất trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Warsaw tại buổi lễ khai mạc Cuộc thi Piano Quốc tế lần thứ 15 ở Warsaw với tư cách là  thành viên Hội đồng giám khảo.

Nhìn lại hành trình đã đi trong 25 năm qua, nghĩ về những cuộc thi âm nhạc quốc tế mà VN chưa nhận được tấm HCV thứ 2 sau giải thưởng mà ông đạt được 25 năm trước, Đặng Thái Sơn ngậm ngùi: “ 25 năm mà không có thêm một HCV thứ 2 là quá lâu. Tôi và một vài người bạn đã dành một số học bổng cho các sinh viên nhạc viện trong nước, giúp họ ra nước ngoài tu nghiệp. Phải tiếp xúc nhiều hơn nữa với các nước phát triển về âm nhạc”.

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh 

Chuông Việt vang ở xứ người ảnh 3
Đao diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh và hoa hậu Nhật Bản 2005 tại lễ trao giải LHP Asian marinefilm

Tôi mới chỉ làm một phim đầu tay nên hiểu biết về điện ảnh chưa nhiều. Nhưng điều làm tôi thấy vui nhất là Mùa len trâu  (MLT)  đã đem lại cho tôi một cơ hội được trở về làm việc ở Việt Nam trong ngành điện ảnh.

Các giải thưởng quốc tế và sự đón nhận của khán giả nước ngoài càng làm cho tôi cảm thấy có lỗi hơn đối với khán giả trong nước mà tôi cho là quan trọng hơn cả.

Hiện tại, chúng tôi đang có kế hoạch phổ biến phim MLT bằng cách để máy chiếu phim và màn ảnh di động trên một chiếc ghe để đi về các vùng xa xôi trong mùa “nước nổi” chiếu cho đồng bào xem.

Nghe nói Hãng phim Giải Phóng cũng đang có một dự định phát hành khác nữa. Tôi và một vài diễn viên luôn sẵn sàng tham gia công việc này.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc

Chuông Việt vang ở xứ người ảnh 4
NS Đặng Hữu Phúc
Ảnh: Nhân dân

Năm 2005 là năm tôi làm được việc và có những điểm trong “nghiệp nhạc”, đó chính là đoạt giải âm nhạc xuất sắc nhất (giải Kim Tước) với nhạc phim Thời xa vắng tại  Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải (SIFF) lần thứ 8 (tháng 6.2005) sau khi vượt qua 375 nhạc phim của 40 nước tham dự và ngay cả nhạc phim của nước chủ nhà.

Trong biên niên sử của giải Kim Tước (SIFF), nhạc phim hay nhất của SIFF 6 thuộc về một nhạc sĩ người Pháp là Claude Samard, của SIFF 7 thuộc về nhạc sĩ người Nhật là Takeshi Kobayashi .

Và lần này, Giải Kim Tước lần thứ 8 đã thuộc về nhạc sĩ Việt Nam. Đánh giá của BGK về nhạc phim Thời xa vắng thực sự làm tôi xúc động và tự tin hơn vào con đường mà mình đang đi:

“Nhạc trong phim như những màu sắc được người họa sĩ vẽ trong một bức tranh. Nhạc gây ấn tượng mạnh và làm chúng ta xúc động. Nhờ có âm nhạc, số phận của những nhân vật chính trở nên rõ nét hơn”.

Cùng với niềm vui là nhạc sĩ VN đầu tiên đoạt giải nhạc phim quốc tế, tôi còn có chút tự hào của một nhạc sĩ chuyên nghiệp có những sáng tác giao hưởng, hợp xướng được khán giả đón nhận trong năm 2005.

Tác phẩm của tôi đã có 6 đêm diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Đó là hai đêm hợp xướng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (21 và 22-4). Biểu diễn 10 bài hợp xướng không nhạc đệm A cappella của tôi mới sáng tác và tự chỉ huy, do dàn hợp xướng hơn 40 nghệ sĩ hát thể hiện, đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt , vỗ tay  yêu cầu biểu diễn lại! (Đài VTV3 đã ghi hình và phát sóng nhiều lần).

Tất nhiên để giữ được “thương hiệu” giải Kim tước, phải không được lặp lại những gì mình đã làm, kể cả nó đã từng thành công. Mà phải trau dồi nghề nghiệp, vượt qua được chính mình. Tôi luôn tâm niệm câu nói của Lão Tử: “Tự tri giả minh, tự thắng giả cường”.

NS Cao Chí Thành

Chuông Việt vang ở xứ người ảnh 5

Ns múa Cao Chí Thành
Ảnh: Tuổi trẻ

Ngày nhỏ tôi biết đến múa Ballet qua màn ảnh ti vi. Sự bay bổng, lãng mạn của loại hình nghệ thuật này đã chinh phục tôi. Năm 1992, tôi trở thành học sinh của trường múa khi mới 12 tuổi.

Những ngày đầu tiên vào trường, tôi ngỡ ngàng như lạc vào một thế giới khác,  nhìn cái gì cũng thấy lạ, cũng choáng ngợp và tự hỏi đến bao giờ mình mới tự tin đứng trong những phòng tập kia...

Và để trả lời câu hỏi đó, tôi đã cố gắng hết mình trong suốt 7 năm với sự chỉ dạy tận tình của thày Vũ Dương Dũng và một số thày, cô khác.

Năm 1999, tốt nghiệp trường múa, tôi tham gia cuộc thi Ballet châu Á - Thái Bình Dương. Đó là lần đầu tiên tôi được xuất ngoại và cũng là lần đầu tiên tôi được cọ xát, học hỏi trong một môi trường tập trung hầu hết diễn viên giỏi của khu vực.

Tại cuộc thi này, tôi đã lọt vào vòng chung kết, đứng thứ 11 trong tổng số 101 thí sinh tham gia. Những kinh nghiệm thu được từ cuộc thi đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều, để rồi 2 năm sau tôi lại tham gia cuộc thi Ballet quốc tế tổ chức tại Thượng Hải.

Hồi hộp, lo lắng xen lẫn thú vị khi được đua tài cũng các diễn viên quốc tế tài năng. Nhưng khi bước lên sân khấu, trong tôi chỉ còn duy nhất ý nghĩ phải hoà mình vào giai điệu của âm nhạc và tâm trang của nhân vật.

Có lẽ sự say mê của tôi đã chiếm được sự yêu quý của BGK và khán giả. Họ dõi theo những trích đoạn tôi biểu diễn như: Hồ Thiên Nga, Donquixote, Giselle, Diana and Actaeon... một cách chăm chú.

Và tôi đã giành được giải 4 tại cuộc thi này. Hạnh phúc tràn ngập... và tôi phải cảm ơn những giọt mồ hôi của tôi, của các thầy, cô giáo, của đồng nghiệp... đã đổ xuống trên sàn tập những ngày trước đó.

Nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh

Chuông Việt vang ở xứ người ảnh 6

Nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh
Ảnh: Vietnamnet

Năm nay tôi tham gia 46 cuộc thi ảnh quốc tế, và đã đoạt được 50 giải thưởng, huy chương các loại (trong đó có 8 huy chương vàng) cùng trên 160 lượt tác phẩm được chọn triển lãm (Accepted) tại nhiều quốc gia: Hồng Kông, Ma Cao, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Áo, Bỉ, Anh, Pháp, Ý, Mỹ... được Hội Nhiếp ảnh Ma Cao và Singapore phong tước hiệu “Nhà nhiếp ảnh xuất sắc” .

Kết quả khả quan trên, chắc chắn sẽ giúp tôi cải thiện được vị thứ xếp hạng trên thế giới, dự kiến từ hạng nhất đến hạng năm trong Top Ten các nhà nhiếp ảnh xuất sắc nhất thế giới, do Hội Nhiếp ảnh Mỹ bình chọn hằng năm (2002: hạng tư, 2003: hạng sáu, 2004: hạng tám). Như vậy, mục tiêu chính của tôi đề ra trong năm xem như đã hoàn thành. Cũng rất vui khi được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Nhà nhiếp ảnh đoạt nhiều giải thưởng nhất Việt Nam”.

Làm nghệ thuật thì tiêu điểm cuối cùng là cái đẹp chứ không chỉ vì giải thưởng, tước hiệu... Tuy vậy, cuộc thi cũng là một sân chơi để tôn vinh, học hỏi và thậm chí để thể hiện đẳng cấp. Qua đó, có thể nhận biết mình đứng chỗ  nào trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới.

Thật tình, chơi ảnh nghệ thuật quả là một thú vui rất công phu và tốn kém, nhất là thi ảnh quốc tế. Nhiều nhà nhiếp ảnh, những nghệ sĩ dấn thân tự nguyện phải bán nhà, bán xe, làm đủ nghề... mong được đeo đuổi đến cùng đam mê của mình.

Tuy vậy, nhưng họ vẫn có một niềm hạnh phúc không nhỏ khi được tự bỏ tiền túi ra để quảng bá hình ảnh đất nước, con người VN khắp các salon trên thế giới và hằng năm đem về hàng trăm huy chương cho Tổ quốc với biết bao sự nể phục của bạn bè khắp năm châu mà không hề đòi hỏi sự bù đắp nào cả.

Theo Văn Hóa

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.