Chúng tôi phản đối!

 Ngư dân Lý Sơn thắp nhang dưới chân tượng đài hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải bày tỏ tinh thần kiên quyết bám biển Hoàng Sa đến cùng. ảnh: Nam Cường
Ngư dân Lý Sơn thắp nhang dưới chân tượng đài hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải bày tỏ tinh thần kiên quyết bám biển Hoàng Sa đến cùng. ảnh: Nam Cường
TP - Từng nén nhang cháy rực, thổi phần phật trong cái nắng cháy ghê người của đảo tiền tiêu. Hàng trăm ngư dân kính cẩn nghiêng mình, thành ý khấn nguyện dưới chân tượng đài hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ngàn người Lý Sơn, cũng như triệu triệu trái tim Việt, đang phẫn nộ trước hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc.

Chúng tôi lên tiếng

Chuyến tàu cao tốc Sa Kỳ - Lý Sơn hôm qua khác hẳn với thường nhật. Vẫn màu trắng đó, vẫn nước chạy rẽ sóng băng băng, nhưng hành khách trên tàu ít thấy râm ran nói cười, ồ à trước nắng gió chan hòa xứ biển. Những ngày này, dường như ai nấy cũng đau đáu nỗi niềm biển đảo. Khi chỉ cách chừng trăm hải lý ngoài kia, những người cảnh sát biển, kiểm ngư viên… đang từng phút giây can trường đối đầu với đội tàu hùng mạnh của Trung Quốc để bảo vệ vùng biển quê nhà. Phía ta đã có tàu bị đâm hư hại, có người bị thương…

Trên đảo, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải Lê Quốc Chinh, vẫn đen sạm, chạy thoăn thoắt như mọi ngày. Ông là đạo diễn cuộc gặp gỡ này. “Tôi chỉ là người bắc cái loa miệng nói với anh em ngư dân ở hai nghiệp đoàn. Tôi cũng không phải nói quá tới câu thứ 2, hàng trăm ngư dân đã hưởng ứng. Cứ động đến Hoàng Sa là thế”. Từ sáng sớm, hội trường nhà văn hóa huyện đã chật cứng, lời bài hát trầm hùng “Nơi đảo xa” vang vọng với những Trường Sa, Hoàng Sa càng làm không khí thêm náo động. Lão ngư Nguyễn Út, người đi bộ vòng cả nửa chu vi hòn đảo, từ thôn Tây An Vĩnh, mồ hôi ròng ròng dưới cái nắng gắt, nói: Phải có một hành động như thế này để chúng tôi bày tỏ thái độ trước sự ngang ngược của phía Trung Quốc !


Vừa trở về từ Hoàng Sa ngay buổi sáng sớm, thuyền trưởng Nguyễn Cung (tàu QNg 96013 ở An Vĩnh) còn không kịp ăn sáng, chỉ bước lên cầu cảng, tạt qua nhà thay bộ quần áo rồi đến thẳng hội trường. Thường ngày, anh Cung đi chuyến biển Hoàng Sa dài từ 20 – 25 ngày, nhưng nay mới chỉ được 17 ngày, tàu chưa no cá. Anh cùng 10 thuyền viên vẫn nhổ neo trở về. “Đang ở Hoàng Sa, được anh Lê Khuân báo qua Icom, rằng ngày 9/5, khả năng anh em ngư dân trên đảo sẽ míttinh, biểu tình để phản đối Trung Quốc, tính sơ sơ thấy đã ngang tổn (tức là chuyến biển hòa vốn – PV) nên về ngay cho kịp. Tui không muốn bỏ lỡ”.

Ông Lê Khuân – Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, người từng sát cánh bao năm với các thuyền trưởng ở xứ đảo. Xuất thân cũng là một thợ lặn khét tiếng, nhìn theo bóng dáng thuyền phó Nguyễn Đó lên tượng đài, giọng ông đanh thép: “Bây giờ còn vô số tàu ở Hoàng Sa, ngày mai (tức hôm nay, 10/5), một số tàu sẽ lại xuất bến. Chúng tôi không sợ, không ngán bất cứ thứ gì gọi là áp đặt, bất công”.

Trước hàng trăm đồng nghiệp – những ngư dân đen sạm nắng gió trên đảo tiền tiêu, giọng ông Nguyễn Quốc Chinh hào hùng: “…Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Hoàng Sa cùng với 80 tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào vùng biển này và cản trở, có những hành động uy hiếp ngư dân ta là vi phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982… Do đó, nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh và An Hải, đại diện cho ngư dân Lý Sơn, cực lực phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức dừng các hành động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD–981 cùng các lực lượng tàu bè ra khỏi vùng biển Việt Nam” (trích lời kêu gọi tại lễ mittinh của ông Lê Quốc Chinh).

Xong phần mít tinh, dưới cái nắng đổ lửa, hàng trăm ngư dân đổ về tượng đài hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Nắng trưa hắt bóng tượng đài sừng sững, khói hương nghi ngút. Tiền nhân vẫn đứng đó, bao năm nay, dõi ánh mắt về nơi xa mà rất gần. Mấy trăm năm trước, những Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Đặng Văn Siểm… vâng mệnh vua, lên tiểu điếu thuyền thẳng tiến Hoàng Sa khai thác sản vật, đồng thời cũng đặt dấu mốc Việt Nam lên quần đảo Cát Vàng này. Mấy trăm năm, biến thiên thời cuộc, vật đổi sao dời, nhưng Hoàng Sa, trong tâm tưởng con dân Việt Nam mãi mãi là phần máu thịt quê hương. Tạm thời, phần máu thịt ấy đang chia lìa, nhưng con cháu của tiền nhân vẫn chưa bao giờ từ bỏ.

Cụ đồ già Dương Quỳnh, “nhà hiền triết” xứ đảo, người đầu tiên dịch tờ sắc lệnh Hoàng Sa, ngước đôi mắt hiền từ về phía tiền nhân: “Sống gần trăm năm, giông gió cuộc đời trải qua không ít, nhưng đây là lần đầu tiên trên đảo này tui chứng kiến cuộc míttinh phản đối sự xâm phạm chủ quyền ngang ngược của phía Trung Quốc. Bà con ngư dân Lý Sơn lâu nay bức xúc vì thường xuyên bị họ bắt bớ, phạt vạ, đốt phá tàu, nay đến lúc phải cương quyết tỏ bày thái độ của mình”.

Ông Lê Quốc Chinh là một trong những người cuối cùng thắp hương, nói trang nghiêm: “Đây là dịp để ngư dân chúng tôi lên tiếng, một cách mạnh mẽ, đường hoàng, chính thức sau biết bao ấm ức lâu nay vốn chỉ biết gửi gắm vào các nhà báo”. Thuyền trưởng Nguyễn Cung thắp nén nhang, xong tất tả chạy về để kịp bán cá, nói vội: “Chúng tôi không biết sợ bất kỳ thứ gì !”…

Kiên trì hòa bình

Khi những nén nhang còn đang bùng cháy dưới chân tượng đài hùng binh Hoàng Sa, cách đó không xa, một con tàu lặng lẽ cập cảng An Vĩnh. Con tàu QNg 96416 trở về từ Hoàng Sa trong tình trạng rách nát tả tơi. 5 tiếng đồng hồ trong cuộc đối đầu không cân sức khiến thuyền trưởng Nguyễn Lộc cùng anh em thuyền viên phải rời ngư trường sớm hơn dự định, trở về trong ấm ức và trắng tay.

Tàu QNg 96416 rời Lý Sơn vào ngày 1/5, bắt đầu chuyến biển Hoàng Sa. Đến ngày 7/5, lúc đang đánh bắt ở vùng biển cách đảo Tri Tôn khoảng 15 – 20 hải lý, bất ngờ bị một tàu màu trắng có số hiệu 1241 và chữ Trung Quốc áp sát đe dọa đẩy đuổi. Lúc này là 14 giờ chiều, kể từ thời điểm đó đến khi tàu thoát khỏi vòng vây để trở về là trọn vẹn 5 tiếng. Sau cú áp sát, anh Lộc cho tàu nhổ neo bỏ chạy, tàu số hiệu 1241 vượt lên cản ngay mũi nhưng không được. 

“Giằng co, đuổi khoảng 30 phút, tàu này vẫn không sao áp sát được tàu tui nên họ thi nhau dùng búa sắt ném ào ào sang làm vỡ kính. Sau khoảng 60 cái búa ném sang, họ tiếp tục dùng những con ốc vít, bù long cỡ bự tiếp tục tấn công. Tiếng kính rơi loảng xoảng, từng mảnh vỡ bay veo véo. Cùng lúc, họ dùng vòi rồng xịt cực mạnh. Các mảnh kính tàu tui lúc này vỡ toang hoác cả, tàu chao nghiêng như sắp chìm”.

Chúng tôi phản đối! ảnh 1 Thuyền phó Nguyễn Đó chỉ nơi mạn tàu
bị đâm

Thuyền phó Nguyễn Đó, kể: Hết dùng vòi rồng, khi tàu đã tơi tả, họ chuyển sang bắn đạn lửa. Cũng may không bị cháy như tàu Bùi Văn Phải ngày trước vì chúng tôi vẫn chạy cật lực, họ không dễ áp sát. Sau khoảng 1 tiếng vẫn không thể khuất phục, tàu số hiệu 1241 gọi cho một tàu kiểm ngư, viết bằng chữ Trung Quốc tới kẹp tàu anh Lộc vào giữa. 

Mặc dù vậy, anh Lộc vẫn khôn khéo điều khiển tàu vượt lên trước. Lúc này đã sau 4 tiếng rượt đuổi, tàu số hiệu 1241 thấy không thể khuất phục đã điên cuồng mở hết tốc lực, tông thẳng vào tàu QNG 96416 làm tàu bị vỡ mạn. Đuổi theo một đoạn nữa, họ quay về. “Cú đâm chí mạng làm mạn tàu toác ra, nước tràn vào. Sau khi thoát khỏi vòng vây, chúng tôi rất vất mả mới vá tạm để trở về” – thuyền phó Nguyễn Đó chỉ vết đâm mạn tàu, nói.

Anh Lộc bận với việc phải làm thủ tục giấy tờ với các cán bộ BĐBP, chỉ kịp dặn với anh Đó: Mau chóng lên tượng đài, thay mặt tui thắp hộ cho một nén nhang. Rồi anh quay sang PV Tiền Phong, khẳng khái: Tất nhiên, sửa xong tàu, tui lại ra Hoàng Sa. Sớm thôi. Ngư dân già Nguyễn Truyền, người có hơn 30 năm bám biển đi trên tàu, nói: Chuyến này chỉ được 1,5 tấn cá thì bị nạn, lỗ nặng. Nhưng anh em nguyện cùng sống chết với thuyền trưởng.
MỚI - NÓNG