Chúng ta có nghèo không?

TP - Vậy là Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 18) đã khai mạc tối 18/8 tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Cả một dãy số đẹp. Với hàng tỷ người trên thế giới được xem trực tiếp qua màn hình.

Giá vé xem trực tiếp trên sân thấp nhất cũng 50 USD, cho tới 342 USD. Riêng người dân chúng ta thì được/phải xem lại những trích đoạn, vì không có, đúng hơn là không mua nổi bản quyền phát sóng trực tiếp.     

Vậy chúng ta có nghèo không? Khi mấy ngày qua, ít nhất hai trận tranh hùng của tuyển Olympic Việt Nam tại sân chơi lớn ASIAD lần này, người hâm mộ chúng ta đã buộc phải theo dõi qua những đường link “lậu”! Những trận tiếp theo chắc cũng không khác hơn.

Báo chí mô tả, tại sân khấu lễ khai mạc ASIAD 18 được cho là “hoành tráng nhất trong lịch sử”, đất nước Vạn đảo chủ nhà đã xây dựng một quả núi nhân tạo khổng lồ, đan xen giữa hơn 12 ngàn cây và hoa trải rộng trên 3km vuông mặt cỏ, cùng mô phỏng những ngọn thác nổi tiếng của đất nước này… Theo đại diện chủ nhà, việc giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên và sự đa dạng văn hóa của Indonesia trong lễ khai mạc là nhằm “củng cố thêm niềm tự hào và tình yêu khắp đất nước”.

Vậy chúng ta có cần niềm tự hào không?

Cứ cho là chúng ta nghèo, phải tiết kiệm từng đồng, không xắn tay mua bản quyền phát sóng bằng mọi giá (khi cái giá này được coi là cao một cách không hợp lý). Cũng như cái cách mà 4 năm trước chúng ta đã xin rút đăng cai chính Đại hội ASIAD 18 này (dù trước đó đã đăng cai thành công). Trong các lý do, thì chủ yếu là tiền. Và để tránh sự hoang phí, do không có hướng khai thác tiếp theo đối với những công trình thể thao đồ sộ được đầu tư cho sự kiện này.

Nhưng không lẽ cứ loay hoay mãi với cái “nghèo” ấy. Mua bản quyền phát sóng thể thao thì dễ lỗ, không thu hồi nổi vốn. Trong khi gần như bất lực trước nạn ăn cắp bản quyền. Thực ra, cái chính là chúng ta lâu nay vẫn loay hoay với cơ chế tự trói buộc lấy mình. Cơ chế mà nếu tìm cách “vượt rào” sẽ rất dễ bị thổi còi. “Nghèo” hơn là ở sự sáng tạo, cùng với tinh thần trách nhiệm trước nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân. Trước những sự kiện thu hút sự quan tâm như thế này.

Hai giáo sư kinh tế học hàng đầu thế giới là Abhijit Banerjee và Esther Duflo ở Viện công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) đã dày công nghiên cứu về người nghèo. Trong cuốn sách nổi tiếng “Poor Economics” (được NXB Trẻ dịch là Hiểu nghèo thoát nghèo), hai ông kể bắt gặp trong những căn nhà tồi tàn tại ngôi làng nghèo hẻo lánh ở Maroc ngổn ngang những tivi, ăng-ten chảo parabol, đầu đĩa DVD, … Hỏi, thì dân làng cười: “Ồ, tivi quan trọng hơn thức ăn chứ!”. Bộ dữ liệu thu thập từ 18 quốc gia của những nhà kinh tế học này cho thấy, rõ ràng người nghèo chi tiêu cho các dịp lễ lạt nhiều hơn nếu không có radio hay tivi.

Quyền được đọc bất cứ gì mà anh muốn thường giúp giảm nghèo, nâng cao thu nhập tốt hơn - đó là quan niệm của một học giả kinh tế lừng lẫy khác, GS Amartyr Sen (giải Nobel kinh tế năm 1984).

Tôi nghĩ, không phải cứ bám lấy câu hỏi “Chúng ta có nghèo không?”. Mà quan trọng hơn là cách chúng ta chọn lựa để mình đừng bị nghèo đi.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".