Chứng lý mạnh mẽ về chủ quyền của Việt Nam

Chứng lý mạnh mẽ về chủ quyền của Việt Nam
TP - Hàng trăm tư liệu cổ về Hoàng Sa, Trường Sa được UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-xã hội (NCPTKT-XH), Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng trưng bày tại triển lãm, khai mạc sáng 20-1.

> Hoàng Sa 39 năm bị chiếm đóng trái phép
> Cơ sở dữ liệu quốc gia về Trường Sa, Hoàng Sa

Triển lãm quy mô nhất từ trước đến nay, thu hút đông đảo lãnh đạo sở ngành địa phương, sinh viên học sinh, đến những người từng làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa một thời.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ: Hàng trăm bản đồ, atlas được lựa chọn từ các công trình nghiên cứu “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - TP Đà Nẵng”, tư liệu bản đồ của ông Trần Thắng – Chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ, tư liệu công an thành phố, và kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954-1975)”.

Các tư liệu đều thể hiện quá trình khai phá, chiếm hữu và thực thi chủ quyền liên tục, lâu đời và hòa bình của Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Dọc khuôn viên triển lãm tại Bảo tàng TP Đà Nẵng, 95 bản đồ trong “Font tư liệu về chủ quyền Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa” trưng bày trang trọng.

Hơn 2 năm, TS Trần Đức Anh Sơn - Viện phó Viện NCPTKT-XH Đà Nẵng cùng các cộng sự đã nghiên cứu, sưu tầm tư liệu khẳng định chủ quyền Việt Nam từ 150 cuốn sách xuất bản tại các nước phương Tây thế kỷ 18-19, được ấn hành bằng nhiều ngôn ngữ.

Điểm nhấn triển lãm trình bày ấn tượng với sự xuất hiện 3 tập atlas do chính quyền Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908 (Trung Quốc địa đồ), 1919 (Trung Hoa bưu chính dư đồ) và 1933 (Trung Hoa bưu chính dư đồ) đo vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc nhưng đều giới hạn cương vực lãnh thổ cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn: Cùng 3 atlas này, 30 bản đồ được tuyển chọn từ bộ sưu tập 150 bản đồ, tư liệu cổ mà anh Trần Thắng gửi tặng Đà Nẵng.

Trong đó, những bản đồ phần lớn là các tư liệu gốc, được xuất bản ở các nước: Anh, Đức, Úc, Canada, Mỹ... trong giai đoạn 1626-1980, chia thành các nhóm: nhóm thể hiện lãnh thổ cực Nam Trung Quốc chỉ là đảo Hải Nam; nhóm chứng tỏ Hoàng Sa, Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam; nhóm bản đồ thương mại và bản đồ hàng hải châu Á, Đông Nam Á thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam.

“Đặc biệt các atlas - sản phẩm chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục, chứng tỏ cho đến thời điểm 1933, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” phi pháp của Trung Quốc”, TS Sơn nói.

Ông Đặng Công Ngữ cũng cho hay: Các tư liệu từ đề tài nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa” lần đầu giới thiệu, góp phần vô hiệu hóa các luận điểm của Trung Quốc khi họ viện dẫn Công hàm Bộ Ngoại giao ngày 14-9-1958 do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ký.

Trên cơ sở các tài liệu này, so sánh đối chiếu với các nước có tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa, xét trên hai phương diện yếu tố vật chất và tinh thần thì Việt Nam Cộng hòa thể hiện đầy đủ và rõ ràng nhất theo các quy định của công pháp quốc tế một cách đồng bộ, liên tục.

Triển lãm trưng bày tư liệu do Công an TP Đà Nẵng cung cấp, gồm: bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (1904), An Nam đại quốc họa đồ, Đại Nam thống nhất toàn đồ, và bản đồ các đài khí tượng Đông Dương.

Cuộc triển lãm góp phần đưa ra chứng lý lịch sử vững chắc, sinh động khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.