Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất thế giới

Số liệu kinh tế nghèo nàn, thị trường bất động sản hạ nhiệt, đồng NDT mất giá và kế hoạch cải tổ thiếu chi tiết đã khiến nhà đầu tư vào đây chùn chân.

Tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch cải tổ mạnh mẽ nhất kể từ thập niên 90, khiến Hang Seng China Enterprises Index - theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong tăng mạnh nhất 2 năm. Nhưng kể từ đó, chỉ số này đã mất 13%, mạnh nhất trong 70 chỉ số được Bloomberg theo dõi.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất thế giới ảnh 1

Nhà đầu tư ngày càng bi quan về kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, MSCI All-Country World Index tăng 4%. Kế hoạch liên kết hai sàn chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải cũng chỉ giúp chứng khoán nước này khởi sắc một ngày khi được tái công bố tháng trước.

Gói chính sách cải cách năm ngoái đã khiến Goldman Sachs nâng triển vọng chứng khoán Trung Quốc. Citigroup cũng dự đoán lợi nhuận trên thị trường này đạt ít nhất 20% năm nay. Nhưng sự chú ý của nhà đầu tư lại chỉ tập trung vào tình hình suy giảm kinh tế. Thay vì đẩy giá cổ phiếu, kế hoạch cải tổ của Trung Quốc có thể kìm hãm đà tăng khi nước này coi nhẹ tầm quan trọng của tăng trưởng ngắn hạn, CLSA Asia-Pacific Markets nhận xét.

"Sự bi quan đang ngày càng tăng cao, bất kể Trung Quốc thực hiện hay tuyên bố điều gì", David Gaud tại hãng quản lý tài sản Edmond de Rothschild Asset Management cho biết. Các biện pháp như liên kết hai sàn chứng khoán sẽ có tác dụng với "bất kỳ nước nào trên thế giới" hơn là Trung Quốc.

Tác động trái ngược của thay đổi chính sách và suy giảm kinh tế đã cùng xuất hiện trong tuần này. Shanghai Composite Index đã tăng 2,1% đầu tuần này khi Quốc hội Trung Quốc tuyên bố tăng cường cải tổ, trong đó có nới lỏng giới hạn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ số này lại giảm 0,1 hôm qua sau số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp, đầu tư và doanh số bán lẻ lao dốc. Chỉ số theo dõi các cổ phiếu Trung Quốc được giao dịch mạnh nhất tại Mỹ của Bloomberg cũng giảm 0,2%.

Trung Quốc đang lên kế hoạch mở cửa một số ngành công nghiệp do Chính phủ kiểm soát, để thu hút nhà đầu tư. Cổ phiếu PetroChina niêm yết tại sàn Hong Kong đã tăng 26% kể từ tháng 2, sau tuyên bố của Chủ tịch hãng này - Zhou Jiping rằng có thể cho phép tư nhân rót tiền vào xây đường ống dẫn khí và khai thác khí đốt.

Tiến trình cải tổ của Trung Quốc đang bị phủ bóng bởi số liệu kinh tế nghèo nàn, thị trường bất động sản hạ nhiệt và đồng NDT mất giá, Patrick Ho – Giám đốc đầu tư tại UBS Wealth Management nhận xét. "Thị trường đang theo dõi các rủi ro suy giảm với nền kinh tế. Tôi cho rằng sẽ còn nhiều biến động nữa", Ho cho biết.

Thiếu chi tiết trong một số kế hoạch cải tổ, như liên kết hai sàn chứng khoán, đã khiến các nhà đầu tư chùn chân, ông Gaud cho biết. Hang Seng Index đã tăng 1,5% sau thông báo trên, nhưng lại giảm 3,6% kể từ lúc đó. Trong khi đó, Shanghai Composite tăng 1,4%, sau đó mất gần 4%. Giới chức Trung Quốc cho biết quá trình liên kết phải mất 6 tháng nữa mới hoàn tất.

Hồi đầu tuần, Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình cho rằng nước này cần thích nghi với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm. Đồng thời, họ phải tỉnh táo trước nguy cơ tăng trưởng chậm nhất kể từ 1990 mà giới phân tích đã dự đoán.

"Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất trong ngắn hạn chính là suy giảm tăng trưởng. Thị trường biết cải tổ là biện pháp tích cực, nhưng khi nền kinh tế đi xuống, họ rất khó lờ đi thực tế rằng các số liệu ngắn hạn sẽ yếu đi theo", Erwin Sanft – Giám đốc nghiên cứu cổ phiếu Trung Quốc tại Standard Chartered nhận định.

Theo Hà Thu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG