> Nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với bất động sản
> Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Lực nào nâng VN-Index?
Ngay đầu tuần tháng 4, chỉ số VN-Index đã vượt mốc 514,1 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 năm qua. Các cổ phiếu xanh điểm trên diện rộng. Thanh khoản trên sàn HSX trong phiên đầu tháng lên gần 55 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1.100 tỷ đồng. Mức này nhanh chóng bị vượt qua trong phiên giao dịch kế tiếp với giá trị hơn1.460 tỷ đồng.
Thị trường tăng điểm từ sự khởi sướng của những mã cổ phiếu lớn (bluechips) như GAS, BVH, VNM, VIC, STB, MSN. VN-Index được nâng đỡ nhanh vượt mức 500 rồi đến 510 điểm. Dù cảnh giác cao độ, song nhà đầu tư vẫn bị lôi cuốn theo thị trường biểu hiện ở hầu hết cổ phiếu trên sàn HSX đều tăng điểm bởi lực mua vào. Dòng tiền được đổ vào mạnh lên dần qua các phiên.
Một số cổ phiếu ngân hàng trên sàn HSX như STB, MBB, CTG, VCB và SHB trên sàn HNX cũng được mua vào mạnh bất chấp những lo ngại về rủi ro của nhóm ngành này về nợ xấu và việc chưa thành lập Công ty quản lý tài sản VAMC. Trong đó, cổ phiếu CTG được sang tay hàng triệu cổ phiếu.
Anh Bình, nhà đầu tư trên sàn tại TPHCM chia sẻ, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm khá mạnh và nhanh, trong khi đó nhóm cổ phiếu nhỏ (penny) thì tăng chậm. Thị trường đang trong giai đoạn tích cực và kỳ vọng nhóm cổ phiếu nhỏ sẽ tăng mạnh trong những phiên tới là cơ hội tốt để mua vào.
Khác với sự lạc quan của anh Bình, một nhà đầu tư khác lại nhận định, hai phiên đầu tháng 4 dòng tiền tập trung mạnh vào cổ phiếu vốn hóa lớn ở sàn HSX giúp cho thị trường tăng điểm chỉ là dòng tiền đầu cơ. Trong khi đó, HNX-Index và các cổ phiếu nhỏ vẫn bị sụt giảm. Nhà đầu tư này đặt nghi ngờ sự về “bất thường” của chỉ số VN-Index có thể bị dẫn dắt bởi một nhóm đầu cơ.
Lướt sóng: con dao hai lưỡi
Việc chỉ số tăng cao một cách ngoạn mục với động lực lôi kéo chính là các cổ phiếu trụ cột và dòng tiền đầu cơ mạnh không thể khiến nhà đầu tư yên tâm. Tuy nhiên, lòng tham trên thị trường khiến họ không thể dừng lại trước cơ hội lướt sóng kiếm lời nhưng lướt sóng cũng là “con dao hai lưỡi” nếu không khéo sẽ bị đứt tay.
Phân tích của một số công ty chứng khoán đã chỉ ra hiện phải chờ đợi rất nhiều từ các chính sách vĩ mô để thực sự biết chắc rằng nền kinh tế được phục hồi mạnh hay chưa. Bởi các thông tin “ra” tuần vừa rồi đều không thực sự khiến người ta hoan hỉ. Đơn cử: giá xăng bị điều chỉnh tăng mạnh bất ngờ; phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2013 không nhắc đến việc thành lập Công ty quản lý tài sản Quốc gia (VAMC) do NHNN như kỳ vọng của nhiều người. Thông tin mới nhất là NHNN cũng đã cho rằng không có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho bất động sản như mọi người đồn đoán.
Và ngay cả trong thời điểm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng được kéo giảm từ 8% xuống còn 7,5% và lãi suất cho vay được nhận định sẽ giảm nhưng chứng khoán vẫn thờ ơ. Nhiều người cho rằng lãi suất đã không còn tính chất quyết định nữa khi mà doanh nghiệp không muốn đi vay, sức mua chưa được cải thiện.
Vậy thị trường chứng khoán đang chờ đợi điều gì? Các phân tích viên đã chỉ ra rằng: Kết quả kinh doanh quý 1/2013 sắp được công bố là điều kiện tham khảo tốt cho các quyết định đầu tư tiếp theo.
Một thời gian dài, thị trường ảm đạm nặng nề và thanh khoản sụt giảm qua từng phiên. Thông thường với mỗi đợt tăng điểm thì tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư sẽ làm trụ đỡ cho nhịp tăng điểm tiếp theo. Tuy nhiên, quan sát cho thấy có điều gì đó vẫn không ổn và tâm lý nghi ngờ vẫn ngự trị biểu hiện ở những đợt bán ra chốt lời trên sàn HSX. Một tuần trước, nhiều nhà đầu tư chia sẻ đang ở trong trạng thái ẩn mình đợi thông tin tốt ra và giá cổ phiếu dâng cao lên là bán để chốt lời hoặc cắt lỗ ngay. |