Chung cư - văn hóa và đẳng cấp - Kỳ 3: “Harlem Hà Nội” và những chuyện khác

View” chung của một tầng (khoảng 7,8 hộ dân)
View” chung của một tầng (khoảng 7,8 hộ dân)
TP - Hà Nội có những xóm liều, xóm bụi, xóm bờ sông bãi sú, nhà gầm cầu- cuộc sống dưới đáy về mọi nhẽ. Nhưng với tôi, sống ở trung tâm mà như khu tập thể Nguyễn Công Trứ thì khác gì “Harlem” (tên khu ổ chuột nổi tiếng ở New York).

CÓ MỘT LOẠI “HARLEM HÀ NỘI”

Khoảng hai chục năm trước, căn hộ sang trọng nhất tập thể Nguyễn Công Trứ có lẽ của Xuân Hinh. Anh mua được mấy căn chập làm một, và trang hoàng bằng tiện nghi hiện đại. Anh hùng Quân đội (thời kháng Pháp) “tay không bắt giặc” Nguyễn Thị Chiên cũng từng ngụ ở đây. Còn tôi có cậu mợ sống gần nửa thế kỷ nơi này nên từ bé đã tường tận sự gian nan khốn cùng của cư dân.

Một lần, lâu lắm rồi, ngắm diễn viên chèo Lâm Bằng (Nàng Si-ta) cầm bông hoa đồng tiền lướt đi trong khu Công Trứ, có lẽ đi diễn về, xinh đẹp duyên dáng hơn trên sân khấu nhiều, thấy đối nghịch ghê gớm với cảnh quan. Còn mợ tôi, một phụ nữ cao gần mét bảy, da trắng như Tây, tóc màu hung và mắt màu tro, tính tình hay ho, hồi ngoài bốn chục tuổi đi đường vẫn đầy người nhìn theo huống hồ thời trẻ. Trong mắt tôi, bà mợ cũng đối lập ghê gớm với môi trường sống. Biết làm sao được, đời là thế. Có phải cứ hồng nhan thì sẽ “hồng nhan bạc tỉ” (thành ngữ mới) đâu.

Và gặp diễn viên chèo dễ dàng như vậy là vì một bộ phận cán bộ diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội được cơ quan phân nhà ở tập thể Công Trứ. Bây giờ, NSƯT Xuân Hinh vẫn giữ căn hộ ở đây, anh còn những nhà khác nữa. Cả NSƯT Xuân Hanh (vai Nguyễn Huệ trong Ngọc Hân công chúa và nhiều vai khác) cũng vẫn ngụ ở đó.

Chung cư - văn hóa và đẳng cấp - Kỳ 3: “Harlem Hà Nội” và những chuyện khác ảnh 1

Các nhà (4 tầng) khu Nguyễn Công Trứ bị che khuất bởi chợ trời. Đường đi lối lại cũng là một trong những nỗi đau khổ của dân nơi đây. Ảnh: VI KHANH

Chung cư - văn hóa và đẳng cấp - Kỳ 3: “Harlem Hà Nội” và những chuyện khác ảnh 2

Cận cảnh một góc hàng lang quen thuộc ở tập thể Nguyễn Công Trứ: diện tích chung đã ít ỏi lại bị chiếm dụng. Ảnh: VI KHANH

Mấy chục năm, tập thể Công Trứ thỉnh thoảng lại lên báo đài như một điểm nóng xuống cấp trầm trọng của nhà chung cư cũ. Truyền hình phỏng vấn mợ tôi: “Sao cống rãnh rác nước bẩn thỉu, nhà cửa xuống cấp thế này mà trông bà vẫn béo tốt tươi tỉnh” “Tôi như cái cây, càng tưới bón nhiều phân gio càng tươi tốt!”

Lược sử nhà E nơi cậu mợ tôi cư ngụ từ 1969: Các căn hộ đều rất bé, trên 2 chục mét, khu vệ sinh chung- khủng khiếp, bếp chung cũng thế, khủng khiếp. Đến khoảng 1997, nhà E là nhà duy nhất trong cả khu được chọn cải tạo: phá khu vệ sinh và bếp chung, cơi thêm cho mỗi hộ một ít diện tích. Căn của cậu mợ tôi từ 24m2 tăng thành 43m2.

Bi kịch của nhà E và khu này nói chung: Đường đi lối lại vô cùng khổ sở do bị chợ trời bít các ngả ; nhà cửa cũ nát hôi hám, rác chung rác riêng ngập ngụa...Xa xưa mỗi nhà A,B,C... cũng có một mảnh sân để thở và cho trẻ chạy nhảy, sau nó biến thành bãi trông xe chật chội- mấy chục năm rồi.

Cậu mợ tôi cho biết: Nhà E tuy ẩm thấp, lở loét từ trần, tường, cầu thang trở đi nhưng các hộ vẫn có một đôi mét vệ sinh trong nhà, chứ các nhà còn lại phải đi qua hàng lang để vào khu phụ (mỗi hộ có một góc vệ sinh nhưng không khép kín trong nhà).

Điều dân tình đau nhất, đó là khoảng hai chục năm trước, chợ trời Trần Cao Vân “bành trướng” ra thành một khu chợ trời “nối dài” ngay trong khu nhà ở của họ. Khiến cuộc sống của hàng vạn dân càng bức bối. Đường nội bộ đã hẹp lại biến thành đường “huyết mạch” bán buôn chợ trời, và cho những người chọn nó để tránh đường một chiều từ phố Huế ra Bạch Mai. Trong các tầng nhà cũng có bình cứu hỏa nhưng có cháy thì xe cứu hỏa chắc chịu cứng thôi. Bởi có lần cậu út tôi bị cấp cứu khi đang ở nhà anh cả, bất tỉnh nhân sự mà xe cứu thương không vào nổi, người nhà phải cáng bộ bệnh nhân tới ba trăm mét ra đường cái mới chui được lên xe 115.

Dự án cải tạo xây dựng lại khu tập thể Công Trứ được Hà Nội giao cho Handico 7, lên kế hoạch từ chục năm trước, lẽ ra 2017 này hoàn thành thì cuối cùng mới chỉ xây xong một nhà N3, đưa vào sử dụng năm ngoái. Trong dự án, 14 nhà cũ sẽ được đập đi xây khoảng 7 tòa mới có đủ khu dịch vụ và các tiện ích khác về thể thao, văn hóa, môi trường xanh. Nhưng việc xây dựng khu Công Trứ điển hình cho tốc độ “rùa bò” như báo chí gọi, vì nhiều lý do, chủ yếu là vì khúc mắc giữa cư dân tái định cư và chủ đầu tư (CĐT), mà tòa thí điểm N3 là bằng chứng. Chính vì thế, lãnh đạo Handico 7 chưa thể trả lời câu hỏi mà một số dân cư nhà E nhờ tôi chuyển trong ngày 28/6/2017, rằng bao giờ có thể lên kế hoạch đập đi xây mới nhà E của họ và các nhà khác. Lần gần nhất cậu mợ tôi được phổ biến dự án này, cách đây đã 5 năm rồi. Đồ rằng hai ông bà cứ thế mà tiến đến cõi thôi, đều trên dưới 70 cả rồi.

Hỏi lãnh đạo Handico 7: Nguyễn Công Trứ đã phải khu tập thể tệ nhất hiện nay ở Hà Nội chưa, ông cho biết: “Chưa đâu, nhiều khu cũ ở Trương Định, Quỳnh Lôi, 8/3... tệ hơn”. Nhớ rồi, toàn “đại danh”. Cả Thành Công, Tân Mai... nữa chứ.

So với những “tháp nghiêng” nổi tiếng như G6A Thành Công- nhà nguy hiểm nhất Hà Nội thì Công Trứ còn hạnh phúc chán? (Hà Nội có 42 khu tập thể cũ nguy hiểm, trong đó 39 tòa nguy hiểm mức độ C, 1 tòa mức độ B, 2 tòa mức độ D cần di dân gấp). Thế nhưng, nếu hỏi dân G6A Thành Công và 41 tòa còn lại rằng: các vị có phải chung sống với chợ trời không, có đến mức cứu thương cứu hỏa không vào được không, rồi so ra, thì “độ Harlem” chắc tương đương thôi.

Thời sinh viên, tôi hay đến chơi nhà bạn ở tập thể Kim Liên,cũng chỉ đỡ hơn mấy khu kia chút xíu, cùng đai đẳng với Trung Tự, Giảng Võ. Bạn giỏi lắm, bố bạn có chức hẳn hoi. Hồi đó thấy bạn dáng sang trọng thế mà cứ ngồi kế nhà vệ sinh rất chi là “mùi” để nhặt rau. Về sau bạn đi xa mãi, lấy chồng Tây, ít về, mỗi lần về thường tỏ ra e sợ cuộc sống ở nhà dù sau này bố bạn mua được nhà “liền kề” khá to ở khu nọ. Tôi đoán bạn không rưng rưng lắm về khu Kim Liên nơi tuổi thơ bạn trải qua. Vì ngày đó chúng tôi sống đâu có ra sống. Nói như nhà báo kiêm “hot Facebooker” Nguyễn Thông: “Nhiều lúc tự hỏi mình đã sống qua cái thời khốn khó đen tối ấy mà sao không được phong anh hùng hoặc công dân ưu tú nhỉ”.

“Tỉnh lại em ơi qua rồi cơn ác mộng”- có phải ai cũng thốt được câu này đâu. Với nhiều cư dân có thâm niên sống sót (không phải sống đúng nghĩa) ở khu Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Quỳnh Lôi, Trương Định, Tân Mai...thì hôm nay còn tệ hơn xưa, về chất lượng nhà ở.

Hãy thử trải nghiệm một buổi ở khu tập thể Công Trứ, sẽ thấy bạn đang may mắn lắm mà không biết. (Khi không phải cư dân nơi đây).

SỐNG VÀ ĐỂ CHO NGƯỜI KHÁC SỐNG

“Chung cư” là cách đọc sai, lâu ngày thành quen. Chứ đúng ra phải là “chúng cư”, từ gốc Hán Việt, nghĩa là “ở thành nhóm”. Nhiều hộ dân sinh sống bên trong các căn hộ khép kín có công trình hạ tầng sử dụng chung thì gọi “chúng cư”.

Có cái gọi là văn hóa sống chung cư.

Hồi chuẩn bị chuyển đến chung cư Đặng Dung ven hồ Trúc Bạch để ở tầng cao nhất, đứa đàn em trêu: “Bà chị từ mai đắp sẹo lên mặt, xuống tầng 1 ngồi chứ”. Thấy tôi đần ra không hiểu, nó giải thích: Phố này phố cầm đồ, bà chị sống ở đây cũng phải chơi phố nghề làng nghề truyền thống chứ!

Hóa ra đắp sẹo lên mặt để... làm dân anh chị, đúng phong độ “cầm đồ”.  Cầm đồ ắt phức tạp? Nhưng tôi, vốn chưa già đã lẫn, không chỉ một lần phơi xe máy ngoài đường cả đêm,mà sáng ra nó vẫn đó. Chứng tỏ “cầm đồ” chưa hẳn đáng ngại hơn “dân trí”.

Sống và để cho người khác sống. Nhất là ở chung cư. Nhưng không có nghĩa là ba phải “Rằm cũng ừ, mười tư cũng gật”. (Khảo dị: “Quan sáu cũng ừ quan tư cũng gật”, “Ai bảo xôi ừ xôi ai bảo thịt ừ thịt”). 

Có cô gái trông có vẻ “dân trí cao” thuê căn hộ trong tòa nhà, cáu bẳn vì có người để xe vào chỗ của mình, bèn dán tờ giấy: Yêu cầu không để xe vào đây. Cố tình để, bị sao không chịu trách nhiệm. Có người đoán: Định rạch yên xe, xịt lốp của người ta chắc?!

Thế nhưng, dễ dãi như một số cư dân nhà E Nguyễn Công Trứ trong đó có mợ tôi, chắc gì đã hay: Trần, tường, nền, cầu thang đã lở lói sứt sẹo- chứng tích của thời gian, của một thời bổ củi ở cầu thang và đun than tổ ong, thế mà hàng xóm còn giăng đầy chổi cùn rế rách, tủ lớn tủ bé ra hàng lang con tí. Càng không thở nổi.

Tiếp chuyện sống và để cho người khác sống, ở các chung cư khác cao tầng hơn.

Phóng viên chuyên trách mảng đô thị của bản báo kể: “Dân Golden West ở đường Lê Văn Thiêm biểu tình vì CĐT chia nhỏ căn hộ để bán, nghe có lý. Còn Happy House ở Long Biên giá gửi ô tô là 1.250.000đ/tháng, theo em thỏa đáng nhưng cư dân nhất quyết đòi hạ thành 900.000đ”.

Mipec Long Biên thì căng khẩu hiệu thú vị: “Hãy lo làm dự án cho chuyên nghiệp, đừng bóp cổ khách hàng của mình”. Nội bộ cư dân có người kể: “Khi đòi hạ phí dịch vụ dù đã thỏa thuận trong hợp đồng, có người nại lý do: có phải ai cũng có tiền mua căn hộ 30 triệu một mét đâu, nhiều người phải thuê đấy chứ. Bó tay!”

Người khác kể: “Có hôm thấy cây giả ở hành lang chung, sợ quá. Cây với cối. Tuy nhiên khi được góp ý, họ (CĐT) đưa các cây thật vào thì có người lại phán: Thế có nhiều cây quá không? Khó sống quá”.

Dân mạng có nick Nguyễn Thị Hằng viết trên FB nhóm của C14 Bắc Hà: “Hai năm nay CĐT bỏ tiền tổ chức 1/6 và Trung thu, thế mà BQT (ban quản trị) phủi công lao của họ. Các bác đặt địa vị bỏ tiền không được một câu cảm ơn lại mang tiếng ác thì sẽ thế nào?...Cách đưa thông tin và xử lý sự việc của BQT rất cực đoan, cư dân chỉ có quyền nghe mà không có quyền lựa chọn...”

C14  Bắc Hà xây nhà cũng chả “nhân văn” hơn các tòa dọc tuyến Lê Văn Lương- Tố Hữu mấy đâu do thiếu màu xanh cây lá, thiếu chỗ cho trẻ vui chơi. Quản lý không chuyên nghiệp. Bù lại người quen sống ở đây kể “được làm sổ đỏ rất nhanh, nhanh nhất trong các chung cư Hà Nội, lại chỉ mất có 100.000 đ photo giấy tờ trong khi mấy năm trước sống ở một khu đô thị trong Hà Đông mất 5 triệu “bôi trơn”. Phí dịch vụ có 3000đ/m2, kể cả sắp tới tăng thành 4.700đ/m2 cũng chỉ ngang giá nhà xã hội”.

“Pi-nô-chê” CĐT, BQL hay ai đi nữa mà chê đúng thì tốt thôi. Song song đó cũng cần biết ghi nhận  nỗ lực, điều chỉnh của người ta. Ngược lại phía CĐT, BQL cũng vậy.

Nghe chuyện những cư dân “làng Tà Pình và Động Hía” (xem kỳ 2, Tiền Phong 28/6), tôi cứ nghĩ sao họ không thể ngồi lại để bàn câu chuyện cộng sinh, win-win (hai bên cùng thắng) một cách thấu tình đạt lý. Mình có mồm người khác cũng có mồm, mình bốc diễn đàn đi khắp nơi để “chiến” thì người khác đâu có ngọng. Cho nên đừng bất cộng đới thiên nữa, có mày không tao nữa. Những “Harlem Hà Nội kêu cứu” cũng thế, bớt khăng khăng nắm đằng chuôi thì mới mong đổi đời (cư dân) và củng cố thương hiệu (CĐT).

Kỳ sau: HẠNH PHÚC TRONG NHỮNG NGÔI NHÀ “CAO CAO MÃI”

MỚI - NÓNG