Chung cư - văn hóa và đẳng cấp: Kỳ 1: “Khu da trắng”

TP - 5 năm lại đây, văn hóa cũng như chất lượng chung cư đã gần hơn với tên gọi của nó. Khu nào là cao cấp, nhà xã hội, nhà tái định cư đã tương đối phân định. Lướt một lượt chung cư các hạng ở Hà Nội để thấy một phần bộ mặt đô thị hôm nay. Hòng mưu cầu, khát vọng một cuộc sống tinh thần - vật chất ngày một dễ thở hơn.

KHÁCH SẠN 5 SAO VÀ ĐỒI GIÓ HÚ

Hà Nội có một số chung cư từng được gọi là “cao cấp”, “dành cho người da trắng” nhưng dân tình sống trong đó tố khổ đến nỗi nếu họ nói sự thật thì hẳn phải ngoa ngoắt mà rằng: Thế này mà da trắng thì thế nào là Harlem! (Tên khu ổ chuột nổi tiếng ở New York).

Mười mấy năm trước, dự án cao cấp Pacific Place 83 Lý Thường Kiệt- 33 Phan Bội Châu ở Hà Nội triển khai, nghe mà ngỡ như đùa. “Downtown” chính cống,  phố lớn phố Tây nằm gọn trong lòng bán kính một cây số lấy Bờ Hồ làm tâm, Pacific ngày ấy được gọi “khu da trắng”. Một số người mau mắn kiếm được một suất, thấy mình như thể “dân da trắng” thật.

Ngày đó đồng bọn xuýt xoa “đố kỵ”: Mua được ở đây cơ à? Nhưng có đứa như Cẩm Vinh con dâu danh họa Bùi Xuân Phái, dọa tuyệt giao đến nơi. Là vì không quen đến chơi nhà nhau mà lại phải khai báo qua lễ tân, có người quẹt thẻ hộ mới được chui vào thang máy. Rồi lảng vảng tầng 1 là bị đuổi như đuổi tà- nơi này gồm mấy cửa hàng sáng choang, ai không phận sự thì “biến”. Thẫn thờ đứng ở phía ô tô lượn qua lượn lại cũng bị bảo vệ lót tay lá chuối xua đi lập tức, dù nơi này là đường chung của người đi bộ.

Chung cư - văn hóa và đẳng cấp: Kỳ 1: “Khu da trắng” ảnh 1

Một góc chung cư cao cấp đúng nghĩa ở Hà Nội. Ảnh: VI KHANH

Trong hợp đồng mua bán, bể bơi được thiết kế ở tầng trệt. Một thời gian xây dựng, bên bán thông báo chuyển lên tầng cao nhất vì ở tầng 1 sẽ bị dân văn phòng (cũng của Pacific) dòm dỏ. Ngày nghiệm thu, bể bơi hiện ra, choáng, vì nó bé tẹo, nói đùa là “đứng bên này bờ nhổ nước bọt sang bên kia bờ”. Đã mất công thiết kế lắp đặt sao không để nó thật là bể bơi. Phải sẻ bớt diện tích để làm hạng mục khác, hẳn thế. Làm quán bar- nhà hàng Rooftop chẳng hạn.

Khách đến, vừa bước vào hàng lang đã kêu “hạt bí quá nhỉ”. Nghĩa là không khí bị bí. Ngoài ra, điều hòa nhiệt độ và thông gió trung tâm của khu văn phòng đặt dưới sân gây ồn khủng khiếp cho cả khu căn hộ. Đóng cửa im ỉm thì hạt bí, mà mở thì ồn ã như giữa công xưởng năng suất cao.

Nếu Pacific từng được chủ đầu tư (CĐT) tự hào “nhà ở mà như khách sạn 5 sao”, thì Golden Westlake 162 Hoàng Hoa Thám- 151 Thụy Khuê lại có lợi thế gần hồ Tây lộng gió. Lợi thế không còn là lợi thế khi gió mùa đông bắc tràn về, cửa rả thiết kế đầy lỗi khiến một dạo, dân cư đặt cho nơi mình ở cái tên hay ho “Đồi gió hú”, ăn theo kiệt tác của Emily Bronti.

Ngày đi xem nhà mẫu, đồng bọn của tôi ngất trên cành quất bởi thiết kế thoáng đẹp hơn Pacific. Trang thiết bị xịn. Lúc nhận nhà lại ngất kiểu khác: Thiết kế không ngon như đã tưởng, trang thiết bị thì hạ cấp hẳn so với quảng cáo. Bên bán giải thích: do trượt giá sau mấy năm xây dựng.

Rồi lời đồn thiết kế dở khiến bốc mùi, tiếng ồn lớn, cách âm kém, sàn gỗ cót két, vòi nóng lâu nóng còn máy lạnh lâu mát... càng khiến Golden Westlake xa rời tiếng tăm “khu da trắng thứ hai sau Pacific”. Không đến nỗi “khu Harlem” nhưng quyết không phải là da trắng!

M5 Nguyễn Chí Thanh, 93 Lò Đúc cũng từng được quảng cáo là xịn, cao cấp. Giá ngất ngư, một dạo. Nhiều chung cư khác mà dân tình sống trong đó tố khổ đến nỗi nếu họ nói sự thật thì hẳn phải ngoa ngoắt mà rằng: “Thế này mà da trắng thì thế nào là Harlem!” Có câu “không ngoa không phải CĐT”, khổ nỗi muốn mua tận gốc bán tận ngọn nên các vị khổ chủ (cư dân) cũng ngoa ngôn ngụy ngữ lắm cơ.

Chung cư - văn hóa và đẳng cấp: Kỳ 1: “Khu da trắng” ảnh 2Bể bơi có và không có mái che của một chung cư cao cấp thuộc Hà Nội. Ảnh: VI KHANH

KHU DA TRẮNG THỰC SỰ?

Bước vào khu đô thị Linh Đàm, đập vào mắt là tấm biển: “Khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam” trưng lên từ 2 chục năm trước. Bây giờ, danh xưng này đối nghịch ghê gớm với cuộc sống của người dân nơi đây.

Hàng chục tòa nhà, hàng vạn dân thiếu tầng hầm, xe đỗ ngổn ngang vỉa hè và dưới đường khiến chả còn mấy chỗ để đi dạo. Thiếu đủ thứ từ trung tâm thương mại và khu vui chơi, thể thao.

“Cao cấp”, “kiểu mẫu” bây giờ hẳn phải cỡ Park Hill (giai đoạn 2 của Times City) và một số chung cư khác, chứ trần xì cái tòa nhà không thôi thì chưa thể. Có trường học, bệnh viện không. Bể bơi đạt chuẩn, khu vui chơi cho trẻ không. Mật độ cây xanh thế nào, hơn thế đã cây hoa là phải có hoa, đã hoa phải đẹp, sạch. Từ thùng đựng rác cũng phải được thiết kế, không thể đơn sơ, “nhôm nhựa” .

Muốn “cao cấp” để dễ bán và củng cố thương hiệu mạnh, CĐT vừa phải xây được nhà đẹp vừa tạo môi trường đáng sống. Ở nhà mặt đất, sướng khổ do mình. Chung cư thì khác. Ngoài thiết kế và đầu tư ban đầu thì đai đẳng ra sao, sống thoải mái hay không- thể hiện ở độ cao cấp của dịch vụ, trình độ quản lý dịch vụ.

Cùng do Vingroup làm chủ đầu tư,  Royal Ctiy mạnh về hệ thống trung tâm thương mại nhưng thua Park Hill nơi có đủ không chỉ sân bóng bàn, sân quần vợt mà cả dòng suối nhân tạo, bể bơi ngoài trời có hoặc không mái che, khu vui chơi trẻ em rải khắp, sân trượt pa-tanh bằng gỗ cho chúng. Thậm chí cả vườn tược để nướng thức ăn cho bữa tiệc gia đình ngoài trời.

Lại nói chuyện chung cư cao cấp vừa phải xây được nhà đẹp vừa có môi trường đáng sống: Bạn tôi ở TPHCM, dăm năm trước mua căn hộ Avalon giá hơn  4500 USD/m2, hãnh diện “khỏa thân nhìn xuống dinh Độc Lập”. Một thời gian kêu chán, bán phứt, vì cảm giác như ở trọ khách sạn, chỉ mỗi tòa nhà đẹp view đẹp phố đắc địa (Nguyễn Thị Minh Khai- Nam Kỳ Khởi Nghĩa) mà không có môi trường cộng đồng dễ chịu từ thiên nhiên đến con người.

Chung cư - văn hóa và đẳng cấp: Kỳ 1: “Khu da trắng” ảnh 3 Sân trượt pa-tanh bằng gỗ cho trẻ con cũng ở chung cư trên. Ảnh: VI KHANH

XUNG ĐỘT VĂN HÓA

Anh Hà, cư dân mới của Park 2 thuộc Park Hill kể: Khu nhà anh xe sang san sát nhưng không phải ông nào ngự trên đó cũng sang như xe, chuyên đỗ sai qui định, bảo vệ nhắc thì mắng mỏ rất ghê, bố tướng. Hoặc có ông cứ quần đùi may ô thỗn thện đứng ở lễ tân, khoe những đường nét nhạy cảm tuổi xế chiều.

Ối bà ối chị sống ở nơi văn minh là thế nhưng quần áo thì bộ đồ hoa trên hoa dưới diễu khắp nơi, hai chân tè he đi bốn bên đường, gọi nhau í ới như giữa cánh đồng. Ở chung cư, hành vi của một người ảnh hưởng nhiều người. Ví dụ với sảnh như khách sạn 5 sao và điều hòa chạy 24/24, chỉ cần một người đứng hút thuốc lá thì lập tức khói tỏa chung quanh.

Thực tế là, quản lý tốt sẽ dần đưa những công dân có tiền vào qui củ. Ở chung cư, anh chị nào hành động lố, mãi rồi cũng phải bớt. Hút thuốc không đúng nơi qui định sẽ bị bảo vệ nhắc ngay, lần sau dám nữa không? Bạn tôi ở một chung cư cao cấp kể, có lần nhẹ nhàng nhắc một “bà lớn” không nên vận đồ ngủ lội ì oạp bể bơi. Bà nhã nhặn tiếp thu.

Dân cư Pacific- “khu da trắng 10 năm trước” một số còn có niềm tự hào nho nhỏ rằng khu này nhiều tai to mặt lớn lắm. Xuống hầm thấy xe này thì của đại gia D.B.D, xe kia của thứ trưởng P.Q.N, rồi bồ của D.C.D (Vinashin)... Hồi ấy tôi đã nửa đùa nửa thật mà rằng: “Vinh dự thuộc về họ chứ không thuộc về mình, nhé” (vinh dự đi cùng thang máy, ở chung số nhà). Y như rằng, đến ngày tan nát cả. Tin ông lớn này nọ sắp bị khởi tố, bị bắt, cư dân tòa nhà luôn biết trước mới giỏi, như thể những nhà báo tài săn tin.

Xung đột văn hóa gay gắt ở chung cư là vì văn hóa, dân trí và những lý do khác. Còn tranh chấp ở đây, theo một số nhà báo chuyên trách về đô thị và bất động sản, một phần do trình độ quản lý chưa tương xứng với đầu tư vật chất. Con số phí bảo trì 2% cũng biến quan hệ giữa CĐT và ban quản trị (BQT) ở một số chung cư hạng trung thành một loại xung đột lợi ích khó bề giải tỏa.

Một phóng viên chuyên trách của bản báo kể những trường hợp gần đây ở một số chung cư, BQT ôm tiền tỉ bỏ trốn, xong phân tích: “BQT có thẩm quyền quản lý quỹ bảo trì rất lớn, tương ứng 2% giá trị hợp đồng mua bán, tức có thể lên đến chục tỉ, vài chục tỉ, cỡ Keangnam hơn trăm tỉ. Trong khi BQT là ai? Là những người do dân bầu ra nhưng không có tư cách pháp nhân. Nhiều người chỉ là cán bộ hưu hoặc tay mơ, không có chuyên môn chuyên ngành liên quan đến quản trị và kinh tế. Văn hóa sống chung cư lại rất kém”.

Một số cư dân Park 2 ở Park Hill phát biểu họ không có nhu cầu bầu BQT. Cư dân tòa nhà bình dân hơn như HH2 ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân cũng thấy không có BQT đời vẫn đẹp, mọi việc đâu vào đấy. Trong khi đó, cùng CĐT (một đơn vị thuộc Bộ Công an) với HH2 nhưng ở C14 Bắc Hà, BQT và CĐT thường xuyên “mổ bò” dẫn đến đời sống của dân cũng bị ảnh hưởng. Những xung đột theo kiểu “có mày không tao” giữa cư dân với nhau, giữa BQT và CĐT sẽ được cắt nghĩa ở kỳ sau. Bởi đó là một phần văn hóa chung cư nhiều bất cập hiện nay. Dẫn đến chất lượng sống khó như ý.

Nhiều người ở chung cư cao cấp, khác biệt từ cái “mùi” trở đi so với chung cư bình dân nhưng khó hy sinh thú nuôi chó cảnh, mở cửa một cái nó chạy sang nhà khác hoặc vô tư “tưới” khai mù cả sảnh. Hút thuốc trong tầng hầm để xe, bị nhắc thì sửng cồ. Bê nguyên văn hóa làng xã ra trình diện ở sảnh đẹp như sảnh khách sạn 5 sao. Đi có mấy tầng thang máy mà kịp buôn một rổ chuyện, vừa cho con uống ăn nhếch nhác vừa mắng nó xơi xơi. Bô lô ba la điện thoại hoặc  nói chuyện với “Ô sin”, dặn dò những chuyện rất riêng tư để cả thang nghe.

Có người lại phớt Ăng-lê quá. “Đi về bụp phát đóng cửa, mở cửa bụp phát là đi, bố mẹ không ngẩng mặt chào nhau nên con cái cũng chẳng dám. Còn tôi dặn con, bước ra khỏi cửa gặp ai phải chào. Chỉ để tạo cho chính mình sự thoải mái”- một cư dân Times City kể.

 KỲ SAU: “CÓ MÀY KHÔNG TAO”

MỚI - NÓNG