Chung cư Hà Nội chịu được động đất mấy độ?

TPO - PGS. TS Trần Chủng cho rằng, Hà Nội nằm trong phân vùng có động đất cấp 7, cấp 8. Vì vậy tất cả các công trình nhà cao tầng đều phải có thiết kế đủ tiêu chuẩn chịu được động đất cấp 7, cấp 8. 
Nhiều người dân Thủ đô, nhất là những cư dân sống tại các khu nhà cao tầng đang cảm thấy lo lắng, bất an sau khi họ cảm nhận được tòa nhà nơi mình sinh sống rung lắc, chao đảo thậm chí chóng mặt vào sáng nay (8/9) do ảnh hưởng của lan truyền chấn động từ một trận động đất xảy ra tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. 
Trước vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS. TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).
Chung cư Hà Nội chịu được động đất mấy độ?
PGS. TS Trần Chủng cho rằng những rung lắc vừa xuất hiện ở Hà Nội đó là những rung chấn không quá lo ngại.
Ông Chủng cho biết, đối với việc thiết kế công trình xây dựng một trong những điều kiện rất quan trọng là phải phụ thuộc vào điều kiện địa chất ở các khu vực. Nếu công trình nằm trong vùng động đất thì phải thiết kế theo tải trọng của động đất gây ra. Vì vậy các địa phương khi xem xét hồ sơ thiết kế công tác thẩm tra thẩm định bao giờ cũng phải đặt vấn đề nếu công trình nằm trong vùng có cấp động đất thì đã thiết kế theo cấp động đất chưa.
Chung cư Hà Nội chịu được động đất mấy độ? ảnh 1 PGS. TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
Theo ông Chủng, nước ta không nằm trong vùng vành đai lửa của Thái Bình Dương cho nên động đất thường là cấp độ trung bình.
Theo bảng phân vùng về động đất của Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội nằm trong phân vùng có động đất cấp 7, cấp 8. Vì vậy tất cả các công trình nhà cao tầng đều phải có thiết kế đủ tiêu chuẩn chịu được động đất cấp 7, cấp 8. Về mặt luật pháp đơn vị thiết kế các tòa nhà này phải có đủ năng lực khi thiết kế để tuân thủ quy chuẩn đã quy định.

Cũng theo vị Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình cao tầng, đặc biệt công trình từ 9 tầng trở lên đều phải có sự tính toán hết sức chặt chẽ tải trọng ngang (tải trọng về gió bão, cháy nổ và động đất) của toà nhà.

"Điều này xuất phát từ việc so sánh đối với những nhà thấp hơn 9 tầng thì tải trọng thẳng đứng là chính nhưng nếu cao hơn thì kết cấu ở những phần từ tầng 9 (trung bình mỗi tầng theo tiêu chuẩn từ 2,7 - 3,3m, tương đương với khoảng 38 m) trở lên để chịu được gió bão, động đất sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Ngoài việc thiết kế chống dư chấn, còn có cả những quy định việc thiết kế các giảm chấn. Biện pháp này nhằm hạn chế tối đa sự rung lắc. Tuy nhiên, với tầng địa chất ổn định như ở Việt Nam thì biện pháp này cũng không cần thiết lắm", vị này nói.

Chung cư Hà Nội chịu được động đất mấy độ? ảnh 3 Cư dân tại tòa nhà Kim khí Thăng Long ở phố Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng cảm nhận rõ rung lắc.

Dân chung cư cao tầng làm gì sau rung chấn?

Theo ông Chủng sau rung chấn của công trình như vậy thì có 2 vấn đề phải làm. Thứ nhất, phải tuyên truyền để người dân nhận thức được mức độ của những rung chấn ấy để người dân bình tĩnh. Thứ hai là các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương trong lĩnh vực xây dựng cần thực hiện điều tra khảo sát.

"Trước khi tiến hành điều tra khảo sát, chủ đầu tư quản lý các khu nhà cao tầng cũng như người dân lưu ý nếu phát hiện ra dấu hiệu như có hiện tượng nứt. Ở đây, việc nghiêng công trình khó xảy ra vì rung chấn xảy ra rất nhanh. Việc rung chấn như vậy có thể gây ra những hư hại nhẹ như rơi vật xuống đất còn nếu ảnh hưởng đến công trình phải xuất hiện những nứt, vỡ phát hiện những dấu hiệu này phải khảo sát ngay lập tức để có đánh giá”, PGS. TS Trần Chủng lưu ý. 

Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhấn mạnh thêm, nếu ở công trình nào người dân phát hiện thấy những dấu hiệu hư hỏng như vậy cần yêu cầu cơ quan quản lý xem xét đánh giá. Đôi khi vết nứt có thể xuất hiện trước đó thì cũng cần xem xét đánh giá ở mức độ nào.

“Tôi cho rằng những rung chấn như vậy thì không gây nứt vỡ cho công trình đặc biệt là công trình cao tầng ở Hà Nội. Khi rung chấn có thể xảy ra hiện tượng đèn treo lung lay, quạt treo động thì đó là rung lắc trong tầm kiểm soát. Chúng ta nằm trong vùng động đất nhỏ cùng với đó các kết cấu hiện nay đặc biệt là kết cấu nhà cao tầng bê tông cốt thép được kiểm soát tốt. Hiện nay chúng ta cũng có quy chuẩn tiêu chuẩn về vấn đề động đất đối với công trình nên người dân có thể bình tĩnh, yên tâm” – ông Chủng nhận định.

Bên cạnh đó, vị này cũng thẳng thắn đặt vấn đề cần phải khuyến cáo các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt cơ quan thẩm định khi xem xét những hồ sơ thiết kế phải đặt vào trong những vùng địa chất nhất định vì nhiều khi nhà đầu tư có thể lảng tránh bởi đầu tư vào những công trình ở khu vực này chi phí rất tốn kém.

“Chi phí cho việc xây dựng công trình theo cấp động đất tăng lên 1 cấp thì rất đắt, đắt gấp rưỡi công trình cấp dưới. Ví dụ công trình đang là thiết kế cấp 7 mà lên cấp động đất cấp 8 thì chi phí tăng lên khá lớn. Vì vậy, trong quy chuẩn người ta cũng khuyến cáo công trình bắt buộc phải xây trong vùng động đất thì buộc phải tính toán còn nếu không thì nên chuyển ra vùng ít ảnh hưởng của động đất hơn” – vị này nói.

Như Tiền Phong đã thông tin, sáng 8/9, cư dân tại nhiều khu chung cư cao tầng trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân... (Hà Nội), cảm nhận được hiện tượng rung lắc, chao đảo, thậm chí chóng mặt.
Thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu, những rung lắc mà người dân Hà Nội cảm nhận được là do ảnh hưởng của lan truyền chấn động từ một trận động đất xảy ra tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Theo đó, vào lúc 9 giờ 31 phút 28 giây ngày 8/9, một trận động đất có độ lớn 5.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (23.453 vĩ độ Bắc, 101.620 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Động đất xảy ra tại khu vực biên giới tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cách ranh giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khoảng 118km.
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.