Chùm truyện mini của Nguyễn Phan Hách

Chùm truyện mini của Nguyễn Phan Hách
TP - Báo Tiền Phong xin giới thiệu chùm truyện mini của Nguyễn Phan Hách, gồm: Áo Gấm, Ông già đánh cá, Làng Vàng mã,Gái đồng trinh.

Vợ tôi luôn kêu ca về việc ăn mặc của con cái. Cái Liên thì tóc nhuộm màu hạt dẻ, áo hở vai; thằng Quân thì “quần ngố”, áo gilê túm tó.

- Kệ – Tôi bảo – Tuổi mới lớn chúng nó cứ phải ngang tàng phủ định, ra oai. Mí lại bà có thấy thiếu nữ châu Âu xưa, bao giờ áo cũng hở nửa vú như vầng trăng đấy ư?

- Ông thì nhảm nhí nó vừa vừa chứ – Vợ tôi nói – Ông có nhớ thời “quần loe tóc dài” không? Ủy ban tỉnh quê mình lập hẳn một đội đi càn quét. Gặp thằng tóc dài là đè nghiến ra cho một nhát tông đơ lên đến chỏm trắng hếu. Còn quần loe thì rạch cho một nhát đến đùi.

Tôi với ông dạo mới yêu nhau, có đôi vé vào Nhà hát Lớn xem kịch, lãng mạn lắm, vậy mà bọn soát vé chặn lại đuổi thẳng cánh, vì ông mặc quần loe. Đấy, làm gì nó thì làm. Đấy, thời nào mà người ta chả xét nét chuyện ăn mặc!…

Hôm ấy, chú tôi ở quê ra chơi.  Chú đã ngoài 80 tuổi. Vợ tôi lại đem chuyện con cái “ăn mặc nhố nhăng” ra phàn nàn.

Chú thủng thẳng kể chuyện:

- Cụ nhà ta xưa làm “Phó lý” trong làng. Thực ra là  bán 3 sào ruộng, lấy tiền mua cái chức danh ấy. Chứ không phải là làm thực việc. Để được gọi là Phó Trường (Tên cụ). Nếu không, thì bị gọi là anh Cu, anh Đĩ.

Để xứng danh, Phó bán tiếp nửa sào ruộng nữa, mặc cho cả nhà hết ruộng, chết đói, may một cái áo gấm Tầu. Áo bấy giờ đắt lắm. Thời trang của chúng mày bây giờ chưa là cái thá bọ gì so với sự chơi ngông của Cụ. Diện áo gấm Tầu, Phó ra đình ngồi chiếu “nóc hội đồng”, không thèm ngồi với người “không có chức vụ”, ăn tai lợn, đầu gà, danh giá…

Bỗng một hôm Cụ bị lính lệ về tróc lên huyện đường. Cả nhà sợ xanh mắt, không hiểu vì sao. Chả nhẽ Cụ làm “quốc sự” chống lại Nhà nước. Đến nơi, hóa ra không phải. Lý do là có đơn kiện ông Phó Trường dám mặc áo gấm Tầu. Theo luật phong kiến thời điểm ấy, chỉ các Cụ Lớn Nhà nước mới được mặc áo gấm Tầu. Dân thường mặc áo dài vải mộc, phủ the đen.

Cụ Phó nhà ta tìm hiểu luật chưa được kỹ lắm. Luật ghi rõ dân thường chỉ được đi guốc mộc, hoặc guốc gộc tre quai xỏ dây thép. Đỗ Nhất trường thì được đi dép quai dọc. Đỗ Nhị trường đi dép quai ngang. Đỗ Tú tài, Cử nhân trở lên mới được chính thức đi giày. Đấy, thế cơ mà.

Thế mà Cụ Phó nhà mình chữ Nhất bẻ đôi không biết, dám diện hẳn áo gấm. Cụ bị nọc ra giữa công đường, lính lệ cầm những chiếc gậy to bằng cổ tay mà chúng mày vẫn thấy trong phim “Bao Công xử án”, nện cho 10 cái xưng đít (Các cô người mẫu thời trang bây giờ cứ trông gương đấy). Chưa hết, về phải bán nốt sào ruộng cuối cùng để nộp phạt. Tiền phạt gấp đôi tiền mua áo gấm.

Cụ Phó nhà ta về nhà từ đấy sợ  quá, chỉ đóng khố, cởi trần, để tỏ ra đã chấp hành luật pháp triệt để…

Đấy, chúng mày thấy chuyện ăn mặc của dân Nam mình như thế nào? Chịu, tùy chúng  mày bình luận.

Ông chú tôi cười khà khà. Đôi mắt già bạc phếch nheo lại, vừa khôi hài, vừa ứa ra một giọt lệ như sương…

Đại Yên 3/3/2007

Ông già đánh cá

Chùm truyện mini của Nguyễn Phan Hách ảnh 1

Trên thượng nguồn sông Thao, có một ông già đánh cá quanh quẩn bên bến đò Bồng Tang. Một lần gặp tôi, ông hỏi:

- Anh ở Hà Nội có biết tòa vila Rose bên đường Cột Cờ.

Rose là trụ sở một sứ quán lớn. Tòa nhà Gô tích, nguy nga đồ sộ như là biểu tượng của nền kiến trúc cổ điển huy hoàng. Bao lần đi qua tôi đều giật mình phải chịu vẻ đẹp mẫu mực của nó, khác hẳn những tòa nhà tròn tròn méo méo đầy nhôm kính bây giờ.

- Đấy là nhà cũ của tôi đấy – Ông lão đánh cá nói, mắt nghiêm trang.

Tôi bật cười. Bồng Tang là làng có truyền thống nói trạng, nói phét. Hội làng thi nói phét (gọi cho là nhẹ đi là nói khoác) “Bồng Tang cả làng nói phét”. “Bồng Tang nói phét có ca. Anh thì nói phét chẳng ra cái thá gì. Chuyện đã thành câu ca cửa miệng. “Anh ở đâu?” “Tôi ở Bồng Tang”. Mở mồm ra trả lời, người thiên hạ đã mủm mỉm cười rồi. Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy  ban phải quyết định đổi tên làng để tránh cái âm ang quái ác. Bồng Tang thành Bồng Tặng trúc trắc, mất gieo vần ca dao! Các văn bản chỉ cần thêm hai dấu ă và dấu nặng là xong.

Nghĩ cho cùng nói phét cũng chẳng tội tình gì. Chỉ buồn cười thôi. Nó thể hiện ước mơ một cái gì tầm cỡ lớn hơn cái hiện tại. “Bác có biết khoai lang nhà em nó to như thế nào không? Đêm em ngủ cứ thấy khoai lang ngáy khụt khịt. Hóa ra có vợ chồng nhà chuột khoét làm tổ ở bên trong”. “Bác có biết da vợ em trắng thế nào không? Đêm, ăn cơm không thắp đèn, nhưng cứ thấy mâm cơm sáng như có ánh trăng rọi vào. Hóa ra vợ ngồi vén quần quá gối, đùi trắng tỏa ra”...…

Phét đến như thế thì lãng mạn thật. Nhưng phét đến mức ông già đánh cá là chủ nhân chiếc vila Rose bên đường Cột cờ thì thật quá đáng.

- Để tôi kể anh nghe – Ông già nói  - Năm ấy cha tôi lên tỉnh tìm mua cái lưới. Thấy ở nhà ả đào có một cô gái to béo, trắng trẻo, ông mê tít, đem hết số tiền mua lưới, vào chơi một trận đã đời. Để đáp lại sự hào phóng của khách tình, cô ả đào tặng ông một chiếc vé xổ số. Vé số này của một người khách nào đó thiếu tiền, ăn quịt, gán cho cô. Đó là loại vé số do Mẫu quốc phát hành trên toàn nước Pháp và các xứ thuộc địa, mười năm mới tổ chức một lần. Giải độc đắc là một tòa vila.

Cha tôi trở về bến sông, đêm đêm ngồi trầm ngâm, nghe tiếng sóng rì rào, mơ tưởng tiếng hát ca trù và người con gái ả đào xinh đẹp. Ông đi bộ lang thang trên tỉnh, nhưng không thể gặp “người tình”, vì hết tiền. Lần ấy, sực nhớ trong túi có tấm vé số, vẫn giữ như một kỷ vật của “người yêu”, ông đem so và đã trúng độc đắc.  Một tòa vila tại Hà Nội.

Ông đến nhà ả đào để tìm người tình, định đem về cùng ở trong tòa nhà Rose đầy hoa hồng. Nhưng cô gái đã rời tỉnh lỵ đi đâu mất từ trước đó rất lâu.

Về Rose, cuộc sống ông đã bước lên một thang bậc khác. Một lần, đến nhà Cô đầu Khâm Thiên, giật mình, nhận ra cô gái ngày xưa đang ở đấy, nhưng giọng hát đã khàn đục, sắc đẹp đã phai tàn, ông lặng lẽ rút lui. Và cô gái cũng không nhận ra người cũ. Trong kiếp “bướm vàng phù du”, làm sao cô có thể nhớ được những bông hoa mà bướm vàng đã đậu.

Hình như sự bội bạc của ông đã bị trả giá. Năm 1954, hòa bình lập lại. Chính quyền của người nghèo tiến về Hà Nội. Của cải của bọn tư sản bị tịch thu. Tòa nhà Rose bị lấy làm sứ quán. Cha tôi dắt vợ con trở về bến sông xưa, trong chương trình đi “khai hoang” của thành phố. Và tôi lớn lên, nối tiếp nghề kéo lưới bên sông, nghĩ về ngôi nhà xưa, như một giấc mơ, không có thực. Đấy, chuyện của tôi là như thế đấy. Ông có tin hay không thì tùy.

Mắt ông già rớm lệ nhìn vào quá khứ xa xăm. Tôi nắm chặt mái chèo ướt rượt. Không. Trong kho chuyện “Bồng Tang cả làng nói khoác” có câu chuyện này là thực.

Đại Yên 2/3/2007

Làng Vàng mã

Chùm truyện mini của Nguyễn Phan Hách ảnh 2

- Ta vào nhà Phó Nhất – Ông Chủ tịch xã bảo. Tôi bước theo. Nhà đầu làng. Nền đất sân rêu, cột tre, mái gianh, vách đất. Ông Phó ngồi ngoài hiên vót nan tre, gập thành những ô chữ nhật. Bà Phó lấy giấy thiếc bọc quanh. Tích tắc đã thành thỏi bạc, thỏi vàng lấp lánh.

Đúc bạc, vàng tức là nung chẩy rót vào khuôn. Vợ chồng Phó Nhất sản xuất các thỏi bạc vàng dễ như bỡn. Chỉ một loáng, bạc vàng đã vun thành từng đống. Thằng Cu Sún bắt đầu dính hồ, buộc thành từng gói.

Một đống vàng, một đống bạc. Bằng này có thể xây được một cái thành phố nghiêng ngửa với New York của Mỹ hay London của Anh.

Từ xưởng đúc vàng, tôi và ông Chủ tịch xã men ngõ cụt đầy phân chó, phân người của cái xóm dân cư chưa biết làm hố xí, toàn phóng uế ra đường. Người như thế, nên chó nó cũng bắt chước.

- Có thể đây là vàng khối và vàng đen đúc theo khuôn cuộn tròn.

Chúng tôi vào nhà Phó Nhị – “Thống đốc Ngân hàng”. Phó Nhị cởi trần, mặc quần vành nồi hở rốn đang in Đô la, vợ Phó Nhị mắt toét nhoèn đang in tiền Ơrô, cái Gái in VNĐồng. Ba xưởng đang cùng hoạt động tấp nập.

Bản khắc mẫu tiền bằng gỗ thị, đường vân li ti tinh xảo. Phó Nhị phết màu xanh, đặt giấy lên, vỗ nhẹ, tờ Đô la bóc ra, sờ thấy gờ nổi dưới tay. Toàn loại 100 USD. Xếp với nhau thành từng triệu, dễ đếm. Bà Phó Nhị phết mầu hồng đặc trưng lên ván khắc in tiền Ơrô. Cũng toàn loại 100. Cũng bó thành từng triệu. Cái Gái in VNĐồng. Mệnh giá 500 ngàn cho đỡ tốn giấy. Mệnh giá ấy mới đủ tiêu vặt. Đút trong ví khỏi cồng kềnh.

Ngồi in tiền mãi, Phó Nhị mỏi lưng, lấy điếu cày hút thuốc lào. Tiện tay vớ bó một triệu Đô la làm đóm châm lửa. Triệu đô cháy vèo. Trông xót cả ruột. Cái Tũn con đi “ị” về, bà Phó lấy luôn bó tiền hai triệu Ơrô chùi đít cho cháu.

Ông Chủ tịch xã xếp giúp Phó Nhị từng bó tiền đã in xong. 100 tỷ Đô la. 100 tỷ Ơrô. Bằng này đủ làm bốc dậy cả một quốc gia chưa phát triển. Tôi sắp đầu tư vào ngành địa ốc. Phó Nhị biếu tôi hai tỷ Đô la Tôi sẽ xây một khu đô thị mới, hiện đại. Sở hữu một khu đô thị mới, chưa là cái thá gì. Nhưng cái cặp quá bé, không thể nhét thêm tiền được nữa.

- Cho tờ ngân phiếu 50 tỷ Đô la đi – Tôi nói.

- Có ngay – Phó Nhị rút ở trong cạp quần ra tấm ván khắc ngân phiếu 50 tỷ Đô la của Ngân hàng New York. Nghe nói người giầu nhất thế giới bây giờ cũng chỉ có 50 tỷ Đô la. Vậy Phó cũng  chỉ làm ngân phiếu 50 tỷ. Trí tưởng tượng của Phó không vượt qua hiện thực. Và tôi cũng muốn chỉ giầu bằng các quốc vương Ả Rập hay vua Phần mềm máy tính nào đó thôi. Giầu hơn họ là vô lý.

Tôi đút tờ ngân phiếu 50 tỷ USD vào túi ngực, gài kim băng, sợ thằng móc túi phố huyện thó mất 50 tỷ Đô, cũng phiền.

Rời Nhà in tiền, tôi và ông Chủ tịch sang  trung tâm Công nghệ Hai Tếch, kỹ nghệ Nanô. Ti vi màn hình tinh thể lỏng, điện thoại di động 3G, máy tính xách tay… Ở Thung lũng Công nghệ cao, người ta sản xuất ô tô du lịch, máy bay Bô-ing và Airbus. Ở Công xưởng 4, người ta làm hình nhân. Mặt bằng giấy bồi. Người bằng nan tre, quần áo giấy. Toàn sơ mi Pie Cacdin, com lê Xì mốc kinh.

Ông Chủ tịch đứng cạnh đống hình nhân to bằng người thật. Chớp mắt, tôi bỗng thấy ông lẫn vào đám hình nhân, giống hệt nhau. Đám hình nhân và ông cùng động đậy, cười nói. Ông bước vào chiếc ô tô giấy, cầm điện thoại di động giấy. Tất cả hoạt động vù vù, y như thật…

Tân Mai 4/5/2005

Gái đồng trinh

Chùm truyện mini của Nguyễn Phan Hách ảnh 3

Năm 1954, mấy anh em Thiếu sinh quân chúng tôi từ trong Kháng chiến bước ra, được gọi về Học viện Chính trị để đào tạo thành cán bộ Tuyên huấn.

Trường bên sông Cầu. Xưa vốn là Trường Dòng đào tạo linh mục cho toàn Đông Dương. Một khuôn viên dã hương xanh mướt. Một mảnh nhỏ của châu Âu cổ điển. Những tháp nhọn kiểu lâu đài Gô tích. Nóc nhà thờ ở giữa cao vút. Phía đông là giảng đường và ký túc xá. Phía tây là tu viện Gái đồng trinh, nóc nhà tròn ốp đá đen. Hai khu có tường bao tách biệt. Nhưng trèo lên cao có thể nhìn sang nhau.

Trường Dòng đã di cư vào Nam hết. Chỉ còn một ông thầy già thọt chân vẫn đi xe Môbilét, ở lại trông coi kho đồ Thánh. Tuy nhiên, bên tu viện còn cả chục cô gái đồng trinh. Tôi và Đăng hai thằng bạn thân hay trèo lên cây nhìn trộm sang Tu viện. Có một bà Cai già, còn lại toàn các cô con gái trẻ đẹp, da trắng như tuyết, tấm thân tinh khiết bọc kín trong áo choàng đen.

Ít khi thấy các cô ra ngoài. Hình như Gái đồng trinh chỉ sống bằng ánh trăng và tiếng hát Thánh ca. Đêm đêm, tiếng đàn Cờ-la-sơ-vanh và tiếng thánh ca trong vắt của các cô gái vọng sang. Chúng tôi hát “Vì nhân dân quên mình” và “Kết đoàn” để “hòa nhịp”.

Một trưa Chủ nhật, trường vắng ngắt, tôi và Đăng lại trèo lên cây Dã hương nhìn trộm mấy cô gái đồng trinh đang tắm trên bậc đá ao sen. Nắng sáng trắng như lặn vào da thịt các cô soi bên làn nước biếc xanh và những cánh sen hồng. Chuyền cành để tìm vị trí nhìn rõ nhất, Đăng bị ngã một quả trời  giáng, mặt méo xệch. Nhưng một tuần sau đấy thì Chúa thương, tạo cho một cơ hội. Hôm ấy, tôi và Đăng làm “anh nuôi luân phiên” đi chợ mua rau. Gặp luôn hai cô đồng trinh cũng đi mua rau. Thế là lân la làm quen. Mari Ngân của tôi và Têrêxa Trinh của Đăng. Hai thằng ngầm chia nhau. Ngân đậm đà, hiền hậu còn Trinh dong dỏng cao, mắt sắc rờn rợn và có gì hoang dại.

Thực ra thì cả tôi và Đăng đều vừa qua tuổi trẻ con. Đã vác súng ra trận đánh đấm được lần nào đâu. Mari và Têrêxa cũng thế, như hai con chim non mới ra tổ tập chuyền cành. “Học viện” và “Tu viện” yêu nhau, một tình yêu thánh thiện. Dạo bờ sông Cầu ngắm trăng vàng nước biếc. “Học viện” vượt tường, “Tu viện” chui rào đêm đêm. Chuyện vỡ lở. Tôi và Đăng bị Chi bộ họp kiểm điểm. Cứ theo lời phân tích thì tội này có thể làm ảnh hưởng đến hòa bình ở Đông Nam Á. Tôi sợ run, nghĩ mình có thể bị tử hình đến nơi. Bên Tu viện, Mari và Têrêxa bị giam cấm cố. Tôi và Đăng thì phải thường trực dọn hố xí công cộng một tuần liền.

Thế rồi, sự việc diễn ra không ngờ. Đăng viết đơn xin rời Học viện, bỏ quân ngũ. Còn Têrêxa xin ra khỏi Tu viện, khô đạo, bị rút phép thông công. Hai người về quê, làm dân thường, yêu nhau, lấy nhau.

Tôi không dám như Đăng. Nghe đâu Mari Ngân đã chuyển đến Tu viện Phát Diệm rất xa. Tôi chỉ biết khóc thầm và làm thơ.

Con thiên nga trên dòng sông xanh

(Ý nói Mari)

Ta khao khát cả dòng sông không thỏa

(Ý nói yêu Mari lắm)

Ta với sông gầm lên nỗi nhớ

Con thiên nga bay mất xa rồi

(Ý nói Mari đi Phát Diệm)

Ta với sông côi cút cùng nhau

Sông bão tố và lòng ta giá lạnh

(Ý nói buồn và đau khổ)

… Mấy chục năm sau, tôi là một chuyên viên Tuyên huấn cao cấp, một lần về nói chuyện ở Hội nghị tỉnh, gặp Đăng và Têrêxa Trinh cũng đến  nghe. Họ vui ríu rít mời tôi về nhà. Nhà cửa khang trang, vợ chồng là một doanh nghiệp nhỏ, con cái trưởng thành, cảnh sống ấm cúng.

- Chị Ngân bây giờ vẫn chết khô trong nhà tu – Trinh nói – Và trở thành một bà xơ già cấm cảu. Ngày ấy em rủ chị rời bỏ Tu viện, chị sợ, không dám.

- Nhưng cũng tại thằng này – Đăng chỉ mặt tôi – Nó tưởng nó sắp bị tử hình nên viết kiểm điểm dài đến bốn trang “phê đúp”, xin chừa…

Đường đời mỗi người một ngả, ai biết thế nào.

Đại Yên 7/3/2007

MỚI - NÓNG