Chức vô địch của Bồ Đào Nha được 'lập trình'

Chức vô địch của Bồ Đào Nha được 'lập trình'
Thế trận luôn diễn ra đúng ý đồ của người Bồ Đào Nha, và sản phẩm từ thế trận ấy luôn là kết quả có lợi cho người Bồ. Họ không bao giờ thất bại. Sao lại nói họ vô địch EURO 2016 là bất ngờ hoặc may mắn?

Không hề là bất ngờ

Ngay lần đầu tiên EURO trở thành một giải đấu thực sự quy mô (phải chọn trước nước chủ nhà, có vòng bảng, có 8 đội dự VCK, năm 1980), đã xuất hiện bất ngờ lớn: đội Bỉ "bé xíu" lần đầu xuất hiện ở trận chung kết.

Thế là từ đó có một chu kỳ rất đáng chú ý: cứ 12 năm thì EURO giới thiệu một tân vương. Đan Mạch vô địch EURO 1992, Hy Lạp vô địch EURO 2004, và BĐN vô địch EURO 2016. Nhìn lại cái chu kỳ "tròn một con giáp" ấy, người ta không khỏi so sánh danh hiệu vô địch EURO 2016 của BĐN với các danh hiệu của Hy Lạp và Đan Mạch trước đây.

Đấy đều là những câu chuyện lạ, những giấc mộng vàng trở thành hiện thực? Không hề, ít nhất là với riêng trường hợp của Bồ Đào Nha (BĐN).

Bạn có quyền cho rằng Đức, Pháp hoặc Italia mạnh hơn BĐN. Nhưng bóng đá có hai điều tuyệt vời mà nếu không thể nuốt trôi thì tốt hơn hết, bạn đừng xem bóng đá nữa.

Thứ nhất, mạnh hơn một cách tổng quát không hề đồng nghĩa với mạnh hơn trong một thời điểm cụ thể. Thứ hai, đội mạnh hơn không nhất thiết là đội chiến thắng. Nếu bảo BĐN bất ngờ vô địch EURO 2016, xin hãy chỉ rõ: bất ngờ ở chỗ nào? Trong suốt giải, không hề có trận đấu nào cho thấy kết quả đạt được của BĐN là một bất ngờ!

Có một thực tế rõ ràng, tồn tại độc lập với việc BĐN có vô địch EURO 2016 hay không. Thực tế ấy: bất cứ trận nào có BĐN thì danh hiệu "cầu thủ xuất sắc nhất trận" cũng được trao cho một cầu thủ BĐN. 7 trận liên tiếp, không hề là sự ngẫu nhiên.

Và điều đó nói lên rằng BĐN luôn làm chủ cuộc chơi của họ. Với điều lệ quá "dễ dãi" trong việc chọn đội vào vòng knock-out, cộng với thuận lợi hiển nhiên là được đá sau, BĐN cần gì phải thắng khi hòa 3 trận là họ đủ điểm vượt qua vòng bảng?

Xét kỹ, trận đấu duy nhất đối phương muốn hòa nhiều hơn, sẽ có lợi hơn BĐN với kết quả hòa, là trận bán kết gặp Xứ Wales. Đấy cũng chính là trận duy nhất mà BĐN thắng trong 90 phút, với ngôi sao tấn công Cristiano Ronaldo tỏa sáng. Ngược lại, khi gặp Pháp ở trận chung kết, tỷ số hòa càng được giữ lâu thì càng có lợi cho BĐN. Khi ấy thủ lĩnh hàng hậu vệ Pepe chính là cầu thủ hay nhất.

Chức vô địch của Bồ Đào Nha được 'lập trình' ảnh 1

Bồ Đào Nha luôn chủ động chọn lối chơi cho từng đối thủ như lối đá phòng ngự với Pepe là chủ đạo ở trận chung kết với Pháp

Đá để thắng hay đá để hòa luôn là do BĐN, chứ không phải đối thủ của họ quyết định, và đấy là sự quyết định bằng cách chơi trên sân. Thế trận luôn diễn ra đúng ý đồ của người Bồ, và sản phẩm từ thế trận ấy luôn là kết quả có lợi cho người Bồ. Họ không bao giờ thất bại. Sao lại nói họ vô địch EURO 2016 là bất ngờ hoặc may mắn?

Thành công vì không cho ai thắng mình 

Muốn phán xét BĐN nói riêng, hoặc cả EURO nói chung, thì đầu tiên cần tỏ tường là phải hiểu kỹ đấu trường EURO. Không có gì vớ vẩn hơn là lấy những tiêu chuẩn của các loại hình bóng đá giải trí; của thứ bóng đá điên rồ Copa America; thứ bóng đá đầy "cơ cấu, mặt trận" ở World Cup; hoặc thứ bóng đá hoang sơ của châu Phi, áp đặt vào EURO, rồi phán xét việc BĐN vô địch EURO "chỉ với 1 trận thắng trong 90 phút" là may mắn, là ngẫu nhiên, là kém chất lượng!

EURO không phải là Premier League, nơi người ta cộng dồn điểm số và trao chức vô địch cho đội có nhiều điểm nhất. EURO cũng không phải là một cuộc chạy đua, nơi một VĐV bất kỳ phải so sánh thành tích với các VĐV còn lại. EURO là trận địa gồm những cuộc chơi độc lập với nhau, mỗi đội có mỗi nhiệm vụ khác nhau.

Hành trình đến ngôi vô địch EURO của Pháp, hoặc Italia, TBN, Đức... đều chỉ là một chuỗi công việc riêng rẽ, tuy giống nhau về hình thức. Làm sao vượt qua rào cản bất kỳ trước mắt là việc riêng của mỗi đội. Lần lượt xô ngã hết 4 rào cản trong giai đoạn knock-out, thì sẽ vô địch. Gục ngã ở bất cứ rào cản nào, cuộc chơi lập tức chấm dứt. Cuối cùng, BĐN là đội duy nhất hoàn thành nhiệm vụ xô ngã cả 4 rào cản.

Chức vô địch của Bồ Đào Nha được 'lập trình' ảnh 2

Bồ Đào Nha lên ngôi nhờ lần lượt vượt qua 4 rào cản từ vòng knock-out

Thống kê số trận thắng trong 90 phút là điều quá ngớ ngẩn trong một cuộc chơi như vậy. Còn chuyện may rủi đầy tính ước lệ, thôi thì tùy ý. Ở đây chỉ xin nói chắc một điều: BĐN không được trọng tài cướp đi bàn thắng của đối thủ nào, không được trọng tài biếu cho bàn thắng bất hợp lệ nào, không được hưởng lợi rõ ràng từ tiếng còi méo mó nào. Croatia thắng TBN nhờ thủ môn của họ đỡ được phạt đền một cách sai luật, nhưng trọng tài làm ngơ - đấy mới là may mắn, và đấy chỉ là một trong rất nhiều ví dụ.

Đan Mạch vô địch EURO 1992 là bất ngờ lớn, cũng là may mắn lớn, bởi lẽ ra họ thậm chí không được dự giải. Hy Lạp vô địch EURO 2004, kể cũng xứng đáng. Nhưng đấy là vì một sự ngẫu nhiên kỳ lạ: mọi đối thủ đều chơi quá tồi đúng lúc họ gặp Hy Lạp. Xứng đáng, nhưng quá đơn điệu và không hấp dẫn như cái cách BĐN vô địch EURO 2016. Hy Lạp thành công vì không đối thủ nào thắng nổi họ. BĐN thành công vì họ không cho phép ai thắng mình. Đấy chính là chỗ khác biệt.

Theo Theo Bongdacuocsong
MỚI - NÓNG