Chúc tết cấp trên: 'Trước đây kéo về Hà Nội đông quá, rất phản cảm'

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.
TP - Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, không ai cấm việc chúc Tết theo phong tục tập quán mà chỉ cấm việc lợi dụng đạo lý tốt đẹp này để biến tướng chạy chức, chạy quyền hoặc vì lợi ích khác. “Người đứng đầu không tặng quà, nhận quà thì sẽ giải tỏa được cho cấp dưới”, ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, việc Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không được chúc Tết, tặng quà cấp trên thể hiện sự quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ, thực hiện chính sách tiết kiệm của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp về phòng chống tham nhũng. “Một điều rất quan trọng nữa là thông điệp của Thủ tướng nhằm giảm bớt, ngăn chặn lãnh đạo các địa phương kéo về Hà Nội. Trước đây kéo về đông quá, ai cũng nhìn thấy, rất phản cảm. Thông điệp của Thủ tướng khiến cấp dưới thấy thoải mái, phấn khởi bởi vì không còn cái lệ đó nữa. Vừa mất tiền của, thời gian. Không đến thì khó nghĩ, đến thì mất thời gian, tiền bạc. Xóa bỏ được cái đó cũng xóa bỏ mặc cảm về cơ chế xin-cho. Điều đó rất quan trọng”, ông Đạt nói.

Rất khó nhận biết, khó xử lý

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân biệt quà Tết đơn thuần với quà Tết có “vấn đề” là rất khó?

Đúng là có hiện tượng biến tướng, lợi dụng việc này. Bây giờ vẫn còn suy nghĩ là không biếu quà ông bộ trưởng, ông bí thư, chủ tịch thì dự án có xin được không, hay là quá trình đề bạt, cất nhắc có được khách quan hay không? Người ta vẫn còn lấn cấn chỗ đó. Bên cạnh đó, người ta có thể cho nhau, mừng đám cưới, phúng đám ma gấp triệu lần cho phép, nhưng ai dám làm và ai dám kiểm tra việc đó. Chỉ có người đưa, người nhận biết được thôi và có ai nộp lại đâu! Người ta mừng đám cưới, hiếu hỷ cơ mà. Khó lắm, không thể kết luận được. Bởi vì xen kẽ giữa hợp pháp và bất hợp pháp nên rất khó nhận biết, rất khó xử lý, thậm chí rất khó thanh tra, kiểm tra. Vấn đề thuộc đời tư của người ta.

“Bây giờ vẫn còn suy nghĩ là không biếu quà ông bộ trưởng, ông bí thư, chủ tịch thì dự án có xin được không, hay là quá trình đề bạt, cất nhắc có được khách quan hay không? Người ta vẫn còn lấn cấn chỗ đó. Bên cạnh đó, người ta có thể cho nhau, mừng đám cưới, phúng đám ma gấp triệu lần cho phép, nhưng ai dám làm và ai dám kiểm tra việc đó”. 

Ông Phạm Trọng Đạt

Nói đi cũng phải nói lại, cũng có những trường hợp nhìn thấy hàng loạt khách vào nhà quan chức thì bảo đông người đến, chắc là có quà cáp nhiều. Biết đâu là 1 người đến nhưng 4 – 5 người đến theo. Cũng có trường hợp một người trong Nam ra cho một vị gói quà rất đẹp như viên gạch. Người nhìn thấy cứ tưởng là gói tiền, ghê gớm lắm, nhưng khi mở ra lại là gói đường thốt nốt. Cho nên mình nhìn bên ngoài thế, nhưng hiện tượng khác với bản chất. Nếu nhìn thấy như thế mà làm thô lỗ thì chính mình phá vỡ kỷ cương, truyền thống tốt đẹp của chúng ta.

Khi phát hiện ra cũng chỉ xử lý hành chính, cùng lắm là xử lý về mặt tổ chức chứ chưa có xử lý về mặt pháp luật. Như ở nước ngoài, quà tặng vượt quá quy định của pháp luật là bị xử theo khung đưa, nhận hối lộ ngay. Nếu thế thì ai dám nữa. Nhưng bây giờ, có khi cho nhau, tặng nhau cả tỷ bạc nhưng khi phát hiện thì xin trả lại thôi. Vì yếu tố văn hóa của mình nên người ta lợi dụng, đan xen lẫn lộn giữa truyền thống, đạo lý với mục đích lợi ích nên khó phát hiện. Vì thế số lượng báo cáo với số liệu thống kê có khi lệch nhau. Một là vì nó tinh vi và khó phát hiện, hai là lẫn lộn giữa hình thức và bản chất.

Theo ông, làm thế nào để ngăn chặn việc lợi dụng tặng quà ngày Tết để tư lợi cá nhân, chạy chọt dự án?

Tôi nghĩ đầu tiên là phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai là nêu gương của người đứng đầu. Việc này vẫn phụ thuộc vào con người. Chế tài cũng phải phù hợp thực tế. Luật pháp phải theo thực tế thì mới thực hiện được. Ví dụ bây giờ quy định quà tặng không được quá 500 nghìn đồng, nhưng ngày Tết tôi có thể lì xì mỗi người 1 triệu. Đó cũng là đã trái luật rồi. Phải sửa lại những cái bất hợp lý như thế. Khi có chế tài thì phải xử lý thật nặng, thật nghiêm túc. Người ta không dám nữa.

Tôi rất thấm thía bài học của người Nga. Phía mình tặng phía bạn một bức tranh chùa Một cột với giá hơn 2 triệu đồng. Bức tranh Việt Nam thì đẹp quá nhưng người ta hỏi trị giá bức tranh rồi hỏi quy định quà tặng theo luật Việt Nam. Mình bảo tặng quà, nhận quà không quá 500 nghìn đồng. Người ta quyết định không nhận vì vượt qua mức độ cho phép của luật Việt Nam. Đó, qua điều rất nhỏ thế thì mình mới thấy người ta nghiêm túc. Vấn đề chủ yếu là ý thức thực hiện, và trách nhiệm người đứng đầu. Bây giờ thủ thuật nhiều, người ta có thể chuyển tay quà, chuyển tay dự án, các thứ thì làm sao biết được. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người đứng đầu. Nếu thực hiện nghiêm túc thì người ta cũng không phải đưa quà cho anh. Người lãnh đạo cứ công bằng trong điều hành, bổ nhiệm cán bộ thì tự nhiên không ai cần đưa cái gì nữa. Người ta cho rằng, lãnh đạo này là khách quan, vô tư.

Cần kiểm soát tài sản người thân quan chức

Trong phòng chống tham nhũng đều có yêu cầu cán bộ, đảng viên kê khai tài sản hằng năm. Công cụ này hiệu quả đến đâu, thưa ông?

Biện pháp này nó hỗ trợ biện pháp khác. Nếu như có dư luận về tài sản của một người thì xem xét tài sản đó có được kê khai không. Nếu đó là tài sản của ông thì phải xem trước hết người đó kê khai thế nào, tại sao lại không kê khai. Bây giờ chúng ta còn đang sửa luật, tranh luận rất nhiều. Mọi người nói hiện tại kê khai rộng quá nhưng tôi chỉ quan tâm là có đúng đối tượng không. Bên cạnh đó phải kê khai cả tài sản của người thân nữa. Bây giờ ai đó làm giám đốc, và bảo con có tài sản do nó làm được nên không phải kê khai. Thực ra, tài sản của ông giám đốc nhưng đứng tên con ông ấy thì chịu rồi. Tất nhiên liên quan đến vụ án hình sự nào đó thì cơ quan chức năng có quyền truy xét. 

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, số người phải kê khai tài sản, thu nhập là trên 1 triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực. Ông có bình luận gì về con số này?

Trung thực hay không trung thực thì tôi không có số liệu chính xác nhưng tôi có nhận định chung là việc kê khai tài sản hiện nay là hình thức, không phản ánh hết thực tế, bởi tài sản có đứng tên người có tài sản thật đâu mà là đứng tên người khác. Theo tôi, nếu làm quan chức thì phải kê khai tài sản của bản thân và của người thân, nếu không thì đừng làm quan chức nữa. Quan điểm của tôi là nói thẳng, đã dấn thân vào quan chức thì phải chịu sự quản lý.

Ở nước ngoài mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì bị tịch thu luôn. Không ai có thể hiểu tài sản của mình từ đâu bằng chính mình.

Thực tế, bây giờ chúng ta không quản lý nguồn vào, thu nhập mà mới chỉ quản lý lương thôi. Cho nên xuất hiện số tiền vô lý ở đâu vào tài khoản. Lương có chục triệu thôi mà mua ô tô, nhà lầu, biệt thự được thì tiền đâu ra? Ai cũng biết thế nhưng tại sao không giải nghĩa được? Tiếp nữa là tình trạng chi tiêu bằng tiền mặt. Như ở nước ngoài, tất cả tiền bạc, giá trị lớn đều qua ngân hàng, chi tiêu đổ về tài khoản biết ngay, không chạy đâu được.

Theo ông, thực trạng kê khai tài sản như hiện nay nói lên điều gì?

Cán bộ, đảng viên kê khai không trung thực là hiện tượng suy thoái, tự diễn biến, còn gì phẩm chất của đảng viên nữa. Bởi vì chúng ta quản lý chưa chặt chẽ. Bây giờ phải đưa cả người thân vào quản lý tài sản, bởi những người có tài sản rất sợ đưa cho người ngoài, vì lật kèo cái là trắng tay ngay.

Có chuyện quan chức bị trộm cuỗm hàng chục tỷ trong nhà cũng không dám khai. Khai ra thì lại vấp phải câu hỏi tại sao không kê khai tài sản. Việc quản lý tài sản người thân, người có quan hệ với quan chức thì khi chuyển tài sản là biết ngay. Bây giờ có chuyện có người đang tuổi học sinh đã sở hữu hàng chục tỷ đồng. Lấy đâu ra số tiền ấy? Chẳng qua pháp luật chưa “hỏi thăm” việc đó, chưa hỏi đến nguồn đầu vào chứ đang là sinh viên, ăn học còn lo chưa xong thì kiếm đâu ra tiền. Từ quê lên thành phố mà mua nhà 500 tỷ đồng thì tiền ở đâu ra?

MỚI - NÓNG