Chuẩn nghề nghiệp, vẫn chưa thống nhất!

Chuẩn nghề nghiệp, vẫn chưa thống nhất!
Cho đến thời điểm này, Ban soạn thảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT đã đề xuất bản dự thảo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT tới lần thứ 6!

Tuy nhiên, xung quanh các tiêu chí đánh giá xếp loại giáo viên (GV) THPT vẫn còn có nhiều ý kiến.

Sau Chuẩn đánh giá GV tiểu học được ban hành, Bộ GD-ĐT tiếp tục xúc tiến xây dựng chuẩn nghề nghiệp đối với GV THPT với mục đích giúp GV THPT tự đánh giá phẩm chất, năng lực nghề nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện về đạo đức, trình độ, chuyên môn, nghề nghiệp;

Giúp cán bộ quản lý đánh giá, xếp loại GV hằng năm để có kế hoạch quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, quản lý và sử dụng đội ngũ GV... Chuẩn GV THPT được xây dựng trên cơ sở kết hợp mô hình cấu trúc nhân cách với mô hình hoạt động nghề nghiệp.

GV THPT được đánh giá trên cơ sở các tiêu chuẩn, các tiêu chí, mức và minh chứng. Khái niệm mức được hiểu là trình độ đạt được về mỗi tiêu chí. Nguồn minh chứng là những tài liệu, tư liệu, hiện vật được dẫn ra để xác nhận khách quan mức mà GV đạt được ở mỗi tiêu chí.

Có 8 tiêu chuẩn song hành với 8 tiêu chí, bao gồm tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của GV (gồm: phẩm chất chính trị; đạo đức nghề nghiệp; Ứng xử với học sinh; Ứng xử với đồng nghiệp; Lối sống, tác phong); Tiêu chuẩn về năng lực tìm hiểu đối tượng (đối tượng giáo dục và môi trường giáo dục); Năng lực xây dựng kế hoạch;

Năng lực dạy học; Năng lực giáo dục (bao gồm: năng lực giáo dục qua môn học, giáo dục qua các hoạt động khác và hoạt động trong cộng đồng...); Năng lực kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục; Năng lực hoạt động xã hội; Năng lực phát triển nghề nghiệp.

Hằng năm, tất cả GV đánh giá xếp loại vào cuối năm học, tự đánh giá mức độ đạt được ở từng tiêu chí theo các thang mức. Hiệu trưởng xem xét kết quả tự đánh giá của GV, tham khảo đánh giá xếp loại của tổ chuyên môn để đưa ra đánh giá xếp loại của mình về từng GV.

Khi cần thiết, có thể tham khảo thông tin từ học sinh và cha mẹ học sinh. Hiệu trưởng công bố công khai kết quả phân loại GV trước phiên họp của hội đồng nhà trường, và báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên bằng văn bản.

Đại diện trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: "Hạn chế rất lớn của GV hiện nay là vấn đề đạo đức nghề nghiệp chưa thực sự được các thầy cô giáo quan tâm. Họ đang quan tâm đến những vấn đề khác của cuộc sống chứ ý thức về nghề không coi trọng.

Ở tiêu chí đạo đức nghề nghiệp có ghi: "GV phải yêu nghề, gắn bó với nghề. Chấp hành các quy định, điều lệ, quy định của ngành. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo. Sống trung thực, lành mạnh, là tấm gương cho HS".

Tôi yêu cầu bổ sung: nhà giáo phải lao động bằng phẩm chất và năng lực của mình". Một ý kiến khác đề nghị: Chuẩn cần ghi rõ GV là "tấm gương sáng cho HS", không nên chỉ nói chung chung GV là tấm gương cho HS!

Một số trường dân lập cho rằng, Chuẩn GV THPT cần đề cao vai trò GV chủ nhiệm, thực tế ở nhiều trường, hiệu trưởng "khoán" trách nhiệm trực tiếp cho GV chủ nhiệm từ việc sâu sát tình hình dạy và học của lớp, đến việc quan tâm đến tình hình học tập của từng em học sinh, chính vì vậy giáo viên chủ nhiệm ở các trường dân lập thường được hưởng lương cao hơn các giáo viên bộ môn khác.

Đại diện trường Quản lý giáo dục đề nghị ban soạn thảo dự thảo Chuẩn nghề nghiệp GV THPT nên xem xét lại, có nên phân biệt chuẩn GV THPT và chuẩn GV THCS riêng hay không, bởi các nước xây dựng chuẩn chung cho GV phổ thông, bao gồm cả THPT và THCS.

Có ý kiến cho rằng nên thay từ "đoàn kết" ở tiêu chí ứng xử với đồng nghiệp bằng từ "hợp tác" với đồng nghiệp... Các yêu cầu về công nghệ thông tin và ngoại ngữ cần phải được chuẩn hóa theo xu hướng hội nhập quốc tế, nhưng phải được cân nhắc ở mức đánh giá hợp lý trình độ của GV.

Dự thảo Chuẩn nghề nghiệp GV THPT sẽ tiếp tục được ban soạn thảo dự thảo đưa ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các nhà làm giáo dục và dư luận xã hội.

Theo Thu Hồng
Thanh niên

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".