Chuẩn cán bộ Đoàn thời kỳ mới

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải thăm hỏi, động viên các chiến sĩ và cháu nhỏ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Trường Phong
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải thăm hỏi, động viên các chiến sĩ và cháu nhỏ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Trường Phong
TP - Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải cho biết, Ban Bí thư T.Ư Đoàn vừa ban hành Hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ T.Ư Đoàn “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn” (gọi tắt là Chỉ thị 01).

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải cho biết, tại kỳ Hội nghị Ban Thường vụ đầu tiên của BCH T.Ư Đoàn khóa X ngay sau ĐH Đoàn toàn quốc, T.Ư Đoàn đã bàn ngay đến chuyện xây dựng phong cách người cán bộ Đoàn thời kỳ mới. Xuất phát từ nhận thức, hình ảnh tổ chức Đoàn phụ thuộc, rất nhiều qua hình ảnh cán bộ Đoàn. Họ là người đại diện cho hình ảnh thanh niên. Do đó, rất cần phải tạo ra cuộc vận động xây dựng hình ảnh, phong cách của cán bộ Đoàn.

Bộ tiêu chí rèn cán bộ

Một số trọng tâm triển khai thực hiện Chỉ thị 01 rất đời sống, gắn với công việc hằng ngày của cán bộ Đoàn các cấp. Nhưng thưa anh, vì sao Chỉ thị chỉ nêu “nên và không nên” chứ chưa mang tính bắt buộc?

Nội dung của Chỉ thị bao gồm 8 điều cán bộ Đoàn nên làm và 8 điều không nên làm nhắm đến tiêu chí ngắn gọn, dễ thực hiện. Sở dĩ dùng từ “nên và không nên” nhằm tạo ra cuộc vận động, diễn đàn để tất cả cán bộ Đoàn thống nhất, hiểu và mong muốn làm theo. Chỉ thị tạo động lực chứ không phải quy định bắt buộc gò bó, mọi người cảm thấy khó thực hiện.

Việc quyết định chọn “8 điều nên và không nên” dành cho cán bộ Đoàn dựa trên cơ sở nào, thưa anh?

Việc chọn bộ tiêu chí xuất phát từ rất nhiều diễn đàn thanh niên; hội thảo, gặp mặt cựu cán bộ Đoàn góp ý cần có bộ tiêu chí, chuẩn mực để cán bộ Đoàn thời nay rèn mình. Chẳng hạn, với 8 điều không nên đã tìm và chỉ ra những hạn chế cụ thể mà cán bộ Đoàn hay, hoặc dễ mắc phải để tránh, chống như: tổ chức phong trào phải thực chất, tránh hình thức, đối phó; tránh hành chính hoá, ít đi cơ sở... 

Còn có những biểu hiện khác nên tránh nhưng T.Ư Đoàn cố gắng chọn những hạn chế điển hình cán bộ Đoàn dễ mắc nhất để đưa vào bộ tiêu chí. Ngoài nêu cụ thể 8 điều nên và không nên, Chỉ thị còn phân tích chi tiết việc thực hiện trong từng điều kiện cụ thể.

Thưa anh, đây là lần đầu tiên Ban Bí thư T.Ư Đoàn ban hành việc thực hiện Chỉ thị đưa vào tiêu chí giám sát, đánh giá cán bộ Đoàn. Vậy làm sao thực hiện việc đánh giá một cách hiệu quả?

Năm 2013 chưa đưa việc thực hiện Chỉ thị vào công tác đánh giá cán bộ, kiểm tra giám sát vì Chỉ thị ban hành tháng 5/2013 nên cần có bước chuyển hoá từ khi ban hành tới lúc xuống cơ sở.

Việc triển khai, giám sát cần dùng sức mạnh của toàn hệ thống Đoàn, các cán bộ Đoàn giám sát chéo lẫn nhau, thực hiện nghiêm túc từ các đồng chí trong Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành T.Ư Đoàn. Tương tự như vậy, các cán bộ Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện cũng thực hiện giám sát chéo, có sự tham gia của ủy ban kiểm tra các cấp. Mặt khác, đối với cán bộ Đoàn chuyên trách, là công chức nên thực hiện việc kiểm điểm theo đơn vị công tác hằng năm.

Không có cán bộ Đoàn sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về

Thưa anh, vì sao năm nay Ban Bí thư T.Ư Đoàn ban hành Hướng dẫn quy định chi tiết, cụ thể cho từng đối tượng cán bộ Đoàn chuyên trách và không chuyên trách với các nội dung khác nhau?

8 điều nên và không nên là vấn đề cốt lõi mong muốn cán bộ Đoàn thường xuyên lưu tâm thực hiện. 

Tuy nhiên, cán bộ Đoàn ở từng cơ sở lại cần rèn chuẩn mực này, tránh điều không nên kia; Và yêu cầu cán bộ Đoàn chuyên trách thì điều nên phải mạnh hơn, ráo riết hơn cán bộ không chuyên trách. 

Ví dụ cán bộ cấp chi đoàn thì không cần phải tránh quan liêu hành chính hóa bởi họ ở cấp gắn bó mật thiết nhất với đoàn viên thanh niên nhưng đó lại là điều đặc biệt nên tránh với cán bộ Đoàn chuyên trách, công chức.

“Đây là biện pháp rèn cán bộ, cần phổ biến cho các chi đoàn để đoàn viên thanh niên hiểu, theo dõi, giám sát và đánh giá cán bộ Đoàn; là công cụ góp ý, nhắc nhở cán bộ Đoàn trong các kỳ sinh hoạt Đoàn”.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải

Với 8 điều nên và không nên, cán bộ Đoàn cần thực hiện đầy đủ theo từng bước, khó có thể thực hiện cùng lúc. Trong năm Thanh niên tình nguyện 2014, Ban Bí thư T.Ư Đoàn rút kinh nghiệm sau 8 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị đã chọn một số điểm nổi bật để cán bộ Đoàn thể hiện.

Cụ thể, với cán bộ Đoàn chuyên trách cần xung kích, nhấn mạnh yếu tố trách nhiệm, ví dụ như tăng thêm 1 giờ tình nguyện mỗi tuần. Việc cụ thể nội dung đó nhắc nhở một số cán bộ Đoàn công chức, hành chính sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về xem lại tinh thần làm việc. 

Tuy nhiên, thực tế có nhiều công việc, mỗi tuần cán bộ Đoàn không chỉ thêm 1 giờ mà còn thêm rất nhiều giờ tình nguyện cho công việc phong trào như làm thêm ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ, Tết...

Đối với cán bộ Đoàn không chuyên lại cần yếu tố xung kích, gương mẫu, không nên làm hình thức, đối phó để cho ĐVTN trong cơ quan, đơn vị mình quản lý lấy đó làm gương, học tập theo.

Không hơi men trong giờ làm việc

Hướng dẫn cũng nêu rõ không chỉ hạn chế mà quy định không uống rượu, bia trong giờ làm việc, vào buổi trưa đối với tất cả cán bộ Đoàn. Vậy việc thực hiện quy định này như thế nào trên thực tế, thưa anh?

Cán bộ Đoàn cần khẳng định mạnh mẽ việc thực hiện Chỉ thị của Chính phủ cấm uống rượu bia trong giờ làm việc. Thực tế, đôi khi vì thói quen sinh hoạt, tập tục ở không ít địa phương, cán bộ Đoàn thường xuyên giao lưu, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội nên hay phải ứng xử với việc uống rượu hay không uống cho nên T.Ư Đoàn đưa nội dung này cụ thể, chi tiết trong việc thực hiện lề lối tác phong. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành, các giới khác ủng hộ cán bộ Đoàn thực hiện chủ trương này.

Việc quy định này cũng giúp cho cán bộ Đoàn tránh mất thời gian trong tiếp khách; tránh tác hại xấu tới sức khỏe. Việc tránh bia rượu cũng giúp cho cán bộ Đoàn giữ sức khỏe phục vụ cho công việc hiện tại và chuẩn bị sức khỏe cho tương lai. Đó là sức khỏe về thể lực và trí lực, giữ được minh mẫn, sáng suốt trong công việc, giữ gìn trị an cũng như đảm bảo việc tham gia giao thông được an toàn.

Tôi đi công tác ở một số địa phương, đặc biệt tại các tỉnh miền núi do sinh hoạt, thói quen thường uống rượu nhiều hơn, thực hiện chỉ thị này thì chuyện bia rượu hạn chế đáng kể. Nhiều nơi không còn dùng bia, rượu chúc tụng nhau trong bữa trưa, bữa tối cũng hạn chế tối đa.

Cảm ơn anh.

8 điều cán bộ Đoàn nên làm: Xung kích, trách nhiệm, gương mẫu, trung thực, sáng tạo, thân thiện, ham học hỏi, thạo kỹ năng.

8 điều cán bộ Đoàn không nên làm: Chạy theo thành tích, thiếu trung thực trong công việc; Làm việc chung chung, hình thức, thiếu cụ thể; Tự cho mình là lãnh đạo mà “đứng trên” đoàn viên, thanh niên; Tự dễ dãi với bản thân và dễ dãi với người khác về những vi phạm trong nội quy, quy chế, lề lối làm việc; Đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm, tự nhận quá mức thành tích về mình; Bè phái, cục bộ, lợi dụng việc phản ánh, góp ý để đả kích, xúc phạm, đánh giá tùy tiện đối với người khác; Lãng phí, hưởng thụ vượt quá điều kiện và khả năng; Trái thuần phong, mỹ tục và quy định, chuẩn mực trong trang phục, lời nói, giao tiếp.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.