Trả lời vấn đề này, một cán bộ vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 Quy chế Tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non Ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định ”Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của Quy chế này và quy định của trường trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học.”
Khoản d Điều 6, Mục 2 cũng đã quy định: thí sinh xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.
Vị cán bộ cho hay, theo giải trình của một số trường ĐH, việc gửi Thông báo trúng tuyển có điều kiện cho những thí sinh xét tuyển bằng học bạ nhằm mục đích thông báo cho thí sinh biết đã đủ điều kiện cần để được nhập học tại trường. Trong văn bản cũng ghi rõ đây là Thông báo trúng tuyển có điều kiện và thí sinh chỉ được nhập học khi nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT.
Về nguyên tắc, các trường ĐH khi ra thông báo như trên không vi phạm quy chế. Thực tế, đối tượng tham gia xét tuyển đại học không chỉ có học sinh phổ thông mà có cả thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT) là những người đã đủ điều kiện trúng tuyển và nhập học theo quy định. Thông báo của trường dành chung cho tất cả các đối tượng tham gia xét tuyển.
"Tuy nhiên, thông báo như vậy hiện đang gây hiểu lầm cho thí sinh, xã hội. Chúng tôi sẽ nhắc nhở các trường cần điều chỉnh rút kinh nghiệm để không để tiếp diễn tình trạng này", bà Thủy nói.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 đã trao quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh cho các trường. Vì thế, các trường sẽ phải công khai minh bạch thông tin, có trách nhiệm giải trình và tự chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý nhà nước và trước pháp luật. Bộ GD&ĐT sẽ không can thiệp, chỉ đạo bằng biện pháp hành chính.
Đồng thời, song song với công tác hướng dẫn, phổ biến, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường ĐH; nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo đúng quy định.
Trong trường hợp nếu phát hiện cơ sở đào tạo nào làm sai quy định, việc xử lý sai phạm trong công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo sẽ được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 của Quy chế tuyển sinh.
Cụ thể: Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định nếu vi phạm một trong các lỗi như: Ban hành các quyết định, văn bản có liên quan đến công tác tuyển sinh không đúng thẩm quyền và trái với các quy định của Quy chế này; Thực hiện quy trình tuyển sinh không đúng trình tự theo quy định của Quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GDĐT; Cố ý vi phạm các quy định khác của Quy chế này.
Các trường vi phạm về tuyển sinh tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng xử lý theo quy định hiện hành.