Chưa thể khẳng định có hai 'cụ' rùa

Chưa thể khẳng định có hai 'cụ' rùa
TP - Là người nổi tiếng với việc bảo vệ Hồ Gươm cũng như Rùa Hồ Gươm, trước nay, PGS Hà Đình Đức đều khẳng định chỉ quan sát thấy một cụ Rùa duy nhất trong hồ. Trước thông tin có thể còn có cụ thứ hai, Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS Đức.

Trước thông tin Hồ Gươm có hai cụ Rùa, PGS Hà Đình Đức:

Chưa thể khẳng định có hai 'cụ' rùa

> Hồ Gươm có 2 'cụ' Rùa

Thưa PGS, xin ông bình luận về thông tin trong hồ Gươm khả năng có hai cụ Rùa chứ không phải là một? Nếu đúng vậy thì ông đánh giá sự kiện này như thế nào?

Qua trực tiếp quan sát, theo dõi, chụp hàng trăm tấm ảnh và hàng trăm phút ghi hình suốt 20 năm qua, tôi chỉ thấy một cụ Rùa duy nhất có đặc điểm nhận biết là bớt trắng hình sao trên đỉnh đầu hơi lệch về phía bên trái. Khi bơi, đầu cụ thường nghiêng về bên trái.

Vì vậy nếu ảnh chụp bên phải thì sẽ không thấy bớt trắng trên đỉnh đầu. Tôi cũng đã trao đổi với nhiều thợ có tuổi chụp ảnh quanh Hồ Gươm cũng đều xác định như vậy. Chưa có ai thấy 2 cụ rùa nổi trong cùng một thời điểm hoặc chụp được ảnh 2 cụ rùa cùng nổi trong cùng một thời điểm kể cả hai vị trí khác nhau trên hồ. Duy nhất một cụ Rùa có bớt trắng.

Trước đây, vào năm 2003 đã có người viết báo công bố Hồ Gươm có 2 cụ Rùa, sau đó khẳng định có 3 cụ, rồi 4, 5 và có thể 6 cụ. Ông trương ra nào cụ đầu vàng, đầu đen, mõm tù, mõm nhọn, có đốm trắng, không có đốm trắng… Sau đó mọi chuyện lại lắng xuống không ai bàn luận.

Chiều 30 Tết vừa rồi, tôi cùng ông Nguyễn Ngọc Khôi - Tổng Giám đốc Cty KAT đi thuyền trên Hồ Gươm thấy 2 vệt tăm sủi chạy song song, ông Khôi nói rằng Hồ Gươm có 2 cụ Rùa. Tại cuộc hội thảo ngày15-2-2011, ông Khôi đưa tấm ảnh 2 vệt tăm ấy và dựa vào đó khẳng định Hồ Gươm có 2 cụ Rùa. Tôi không tranh luận.

Còn nếu như Hồ Gươm có 2 cụ Rùa, thì cụ thứ hai chưa từng xuất hiện trên mặt nước! Nếu có ai chụp được ảnh cụ Rùa khác xuất hiện trên mặt nước Hồ Gươm thì mới khẳng định là có 2 cụ Rùa sống trong Hồ Gươm.

Chúng ta đã đưa được cụ Rùa lên khỏi hồ. Giờ các nhà nghiên cứu đã có thể tiếp xúc với cụ một cách chủ động. Vậy những điều mà dư luận quan tâm bấy nay và có nhiều đồn đoán được đưa ra như cụ thọ bao nhiêu, là cụ bà hay cụ ông... đã được giải đáp chưa?

Hiện nay Rùa Hoàn Kiếm đã nằm trong khung lưới điều trị và trong bể nước lấy từ nước Hồ Gươm và đã được xử lý đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 5942-1995. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể tiếp cận cụ. Nhưng không có nghĩa là tất cả mọi câu hỏi được giải đáp một cách đễ dàng như câu hỏi nêu ra.

Thứ nhất là về tuổi. Trước đây tôi đã hỏi TS. Peter Pritchard, Đồng Chủ tịch nhóm chuyên gia Rùa cạn và Rùa nước ngọt (Coo-Chairman Tortoises and Fresh Water Turtles Specialist Group), về cách xác định tuổi Rùa Hồ Gươm nhưng ông trả lời chưa có phương pháp xác định được tuổi rùa nước ngọt.

Tôi cũng đã hỏi GS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam về xác định tuổi Rùa Hồ Gươm. GS. Tín trả lời không xác định được. Còn hỏi chuyên gia về xác định niên đại bằng các-bon phóng xạ C14, thì được trả lời rằng chỉ xác định được thời gian kể từ sau khi mẫu vật chết. Như vậy câu hỏi “Rùa Hồ Gươm hiện nay bao nhiêu tuổi?” nghe thì đơn giản nhưng câu trả lời không hề đơn giản và nói thẳng là chưa có!

Thứ hai, đó là cụ ông hay cụ bà? Thông thường rùa đực thì yếm lõm lên trên và gốc đuôi tù. Còn rùa cái thì yếm phẳng hoặc hơi lồi, đuôi thuôn đều. Nhưng thực tế phải quan sát kỹ và nhận biết cũng không đơn giản như lý thuyết.

Cụ Rùa Hồ Gươm trong bể điều trị
Cụ Rùa Hồ Gươm trong bể điều trị.

Được biết, khoảng 7 - 8 năm trước một cơ quan nghiên cứu của ta có tiến hành xác định gene của các loài rùa mai mềm kích thước lớn (trong đó có rùa Hồ Gươm với hy vọng sẽ phát hiện cho thế giới một loài rùa mới (và biết đâu giải quyết cả câu chuyện đau đầu về bảo tồn Rùa mãi mãi cho Hồ Gươm và truyền thuyết trả Gươm). Không rõ kết quả khi đó thế nào?

Năm 2003 - 2004, Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Quốc gia đã phân tích AND bộ xương rùa ở kho Bảo tàng Hà Nội. Họ cho biết kết quả hoàn toàn sai khác với loài Rafetus swinhoei mà vẫn gọi là Giải Thượng Hải. Lần này, Viện Công nghệ Sinh học và Viện Nuôi trồng Thủy sản I đều đã đến lấy mẫu trên Rùa sống để phân tích AND thì sẽ càng sáng tỏ Rùa Hồ Gươm có phải loài Rafetus swinhoei hay không.

Hình như PGS không tán thành cái cách một số chuyên gia quốc tế tham dự vào việc nghiên cứu và bảo tồn Rùa Hồ Gươm. PGS có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Theo tôi, về Hồ Gươm và cụ Rùa Hồ Gươm, các nhà khoa học Việt Nam đủ trình độ để giải quyết, không cần đến sự “giúp đỡ” theo kiểu “cố vấn” của chuyên gia nước ngoài. Mặt khác, Hồ Gươm và Rùa Hồ Gươm có đặc thù riêng, không chỉ là loài động vật quý hiếm đơn thuần mà được cả nước quan tâm lo lắng, lãnh đạo Hà Nội vào cuộc thật sự với quyết tâm cao bảo vệ bằng được. Chính bởi cụ là linh hồn của Hồ Gươm. Không thể để những người chỉ quan niệm đơn thuần đây là cá thể động vật quý hiếm mà “xử lý” như các con vật hoang dã khác!

Rùa Đồng Mô
Rùa Đồng Mô.

Tôi thấy phải lưu ý là Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã tự tiện xuất bản Poster vẽ loài Giải Thượng Hải (Rafetus swinhoei) nhưng đề là Rùa Hoàn Kiếm Rafetus swinhoei và công bố hiện nay trên thế giới có 4 cá thể Rùa Hoàn Kiếm, 2 ở Trung Quốc, 1 ở Đồng Mô, Sơn Tây và 1 ở Hồ Gươm. Theo tôi, về hình thái 3 cá thể trên hoàn toàn sai khác cá thể rùa Hồ Gươm. Tôi đã mô tả rùa Hồ Gươm là loài rùa mới cho khoa học và công bố trên Tạp chí Khảo cổ học Việt Nam số 4-2000, đặt tên khoa học là Rafetus leloii.

Tôi cũng khẳng định Chương trình Bảo tồn rùa châu Á nghiên cứu Rùa Hoàn Kiếm ngoài Hồ Gươm, có nghĩa là nghiên cứu giống Rafetus swinhoei đem áp đặt vào Rùa Hoàn Kiếm.

Việc đưa Rùa khỏi Hồ là một cơ hội lớn để cải tạo căn bản môi trường hồ Gươm, điều trước đây khó làm vì sợ ảnh hưởng tiêu cực đến cụ. Vậy hiện nay công việc đó đang được tiến hành như thế nào?

Song song với việc đưa cụ Rùa vào khu điều trị, TP Hà Nội đã cho dọn dẹp bằng phương pháp thủ công và bán cơ giới các chướng ngại chung quanh hồ từ bờ ra bên ngoài khoảng 20m, vì khu vực này rất nhiều chướng ngại như gạch đá, bát hương và các dị vật khác. Cụ thể đã dọn dẹp từ cây Lộc vừng 9 gốc, vòng qua cầu Thê Húc, khu vực bãi đỗ xe Đinh Tiên Hoàng và nhà hàng Thủy Tạ, hiện đang làm khu vực trước Bưu điện Hà Nội. Trong khi làm, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội theo dõi chặt các thông số diễn biến môi trường nước hồ.

Giải Thượng Hải
Giải Thượng Hải.

PGS là người tham gia sâu vào cuộc thực nghiệm nổi tiếng vét bùn một diện tích nhỏ Hồ Gươm bằng công nghệ của Đức. Kết quả khi đó được đánh giá cao. Vì sao việc áp dụng công nghệ đó không được tiếp tục triển khai?

Theo tôi biết, thành phố đã quyết định mua bộ máy này, nhận chuyển giao công nghệ và sẽ tiếp tục thực hiện công nghệ này ở khu vực xa bờ.

Cảm ơn PGS.

Lê Xuân Sơn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG