KHẲNG ÐỊNH LẠI
Phát biểu khai mạc hội thảo Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại ngày 20/8, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng sau 30 năm ra đi, Lưu Quang Vũ vẫn là tác giả có lượng tác phẩm gây chấn động dư luận nhất cũng là người trẻ nhất trong hàng ngũ kịch tác gia Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Hồn Trương Ba da hàng thịt không còn gì để tranh cãi khi được coi là đỉnh cao kịch Lưu Quang Vũ. Bên cạnh đỉnh cao ấy, nhiều nhà chuyên môn tiếp tục phân tích, giải mã Lưu Quang Vũ ở những vở diễn khác. Nhà biên kịch Giang Phong nói về kịch bản Trái tim trong trắng hay còn gọi Vụ án 2000 ngày rằng: “Cuộc đời nếu còn bất công, oan khuất thì vở kịch này không bao giờ lạc hậu”. Ông nhắc tới những vụ án oan khuất gần đây, soi chiếu vào kịch Lưu Quang Vũ vẫn đầy ắp tính thời cuộc.
Tác giả Ngọc Thụ nhắc tới vai trò thổi làn gió mới cho sân khấu với Hai nghìn ngày oan trái, Tôi và chúng ta: “Sáng tác của Vũ mang trọng trách một nghệ sĩ trước những vấn đề thời cuộc. Người xem hả hê, người sáng tạo ấm lòng”. Ông Thụ cũng cho rằng một số tác phẩm Lưu Quang Vũ sắc như những lưỡi dao nhưng cũng ngọt ngào, không thô bạo. “Xem kịch Lưu Quang Vũ mỗi người tự soi vào để tự hoàn thiện mình”, ông nói.
“Điểm mạnh nhất của Lưu Quang Vũ đó là ngoài sự nhanh nhạy trong cách chọn đề tài, nắm bắt được sự biến động của mâu thuẫn cuộc sống ngay khi manh nha, Vũ cực kỳ có năng khiếu trong việc tìm ra và phát triển mâu thuẫn kịch theo phương pháp kết cấu cổ điển của Xtanilapxki. Ở những vở này chúng tôi thường nói đùa rằng chỉ cần đọc kịch bản của Vũ đã trở thành một vở diễn rồi”, tác giả Nguyễn Hiếu nói. Ông cho rằng bên cạnh kết cấu kinh điển này, Hoa cúc xanh trên đầm lầy chính là kiệt tác để đời trong gia tài kịch Lưu Quang Vũ. Đây cũng là vở viễn tưởng duy nhất của ông.
Nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng thời gian giúp chúng ta vượt qua nỗi lo lắng trong số lượng khá nhiều vở kịch Lưu Quang Vũ viết vội trong thời gian ngắn, nhiều vở sử dụng chất liệu thời sự, liệu còn đọng lại bao nhiêu vở. “Lắng sau những sự kiện có thể chỉ diễn ra ở một thời điểm lịch sử nhất định (chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh biên giới, quản lý thời bao cấp, mấy vụ án oan, chuyện con lai, nông thôn chưa đổi mới) vẫn còn lại những triết lí nhân sinh sâu sắc, thời nay càng ngẫm càng thấm thía”, Ngô Thảo nói.
CÒN BÍ ẨN
Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành cho rằng dường như vẫn còn bí ẩn nào đó bao phủ lên con người và tác phẩm Lưu Quang Vũ, cùng sự tiếp nhận của công chúng vốn thất thường và khó hiểu. “Điều khó khăn nhất, gây tranh luận nhất không phải ở chỗ khẳng định tài năng và đóng góp của Lưu Quang Vũ với nền sân khấu Việt Nam. Việc cần làm sáng tỏ một cách khách quan, công bằng thuyết phục là xác định tầm vóc của tài năng đó thông qua quá trình từ nghệ thuật biên kịch đến diện mạo vở diễn, cho tới liên tưởng bổ sung mở rộng ý nghĩa từ phía công chúng”, ông Thành nói.
Ðêm thơ nhạc kịch “Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại” diễn ra 26/8 tại Nhà hát Lớn.
Nhắc lại ý kiến thẳng thắn trên Tiền Phong số ra ngày 14/9/2013 khi đánh giá Lưu Quang Vũ nhiều khi sa đà theo lối vụ án hoá cốt truyện, tuy nhiên Nguyễn Văn Thành cho rằng gần đây ông thay đổi suy nghĩ, tiếp tục trăn trở rằng liệu ngoài Hồn Trương Ba da hàng thịt còn vở nào khác xếp vào đỉnh cao nữa. “Ngẫm đi ngẫm lại gần đây tôi chọn tiếp được hai kịch bản khác là Tôi và chúng ta, Hoa cúc xanh trên đầm lầy như chùm ba tác phẩm tiêu biểu nhất của Lưu Quang Vũ. Tất nhiên ba vở không thể dàn hàng ngang, mà giống như hình tam giác dựng đứng, đỉnh nhọn của nó phải là Hồn Trương Ba da hàng thịt, hai cạnh còn lại thuộc về hai tác phẩm kia”, Nguyễn Văn Thành nói. Ông còn điểm một số tác phẩm xuất sắc ngang ngửa hai vở trên nhưng có thua đôi chút về cách tân nghệ thuật biên kịch: Ông vua hoá hổ, Nguồn sáng trong đời, Điều không thể mất, Lời thề thứ 9, Người tốt nhà số 5, Người trong cõi nhớ, Bệnh sĩ.
Tác giả Nguyễn Hiếu ca ngợi Lưu Quang Vũ nhưng cũng băn khoăn: “Giá như Vũ có nhiều nhân vật để lại cho đời hơn”. Ông cho rằng tác giả lớn như Shakespeare để lại nhiều nhân vật kinh điển, nhưng nhân vật của kịch Lưu Quang Vũ hầu như không có. “Tôi cho rằng nhân vật kịch ấn tượng chủ yếu do khán giả ấn tượng với lối diễn của Trọng Khôi, Phạm Bằng trong Hồn Trương Ba da hàng thịt”, Nguyễn Hiếu nói. Dù vậy ông một lần nữa khẳng định giới sân khấu “chịu ơn” Lưu Quang Vũ vì dám nói thẳng những điều người khác không dám nói.
Theo PGS.TS. Trần Trí Trắc “Không còn mỹ từ nào trong vốn từ tiếng Việt mà mọi người không dành cho Lưu Quang Vũ. Ðúng, Vũ là tài năng, kịch của Vũ rất hay, nhiều vở vẫn còn đang sống với thời gian hậu thế và Vũ hoàn toàn xứng với giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng, đừng quên bên cạnh Vũ còn có đội ngũ đạo diễn, nghệ sĩ tài giỏi làm Vũ thành ngôi sao rực rỡ. Không phải hơn 50 tác phẩm của Vũ đều tuyệt vời, ngay những vở tuyệt vời nhất cũng không phải là không có khiếm khuyết”.
Nhiều nhà hát hiện nay vẫn chọn kịch Lưu Quang Vũ, theo lí giải của tác giả Nguyễn Hiếu, bên cạnh giá trị còn lại với thời gian, dường như các nhà hát còn “sợ bóng sợ gió” nên tự gạt bỏ nhiều kịch bản hay của tác giả đương đại, chứ không có chuyện ngày nay thiếu kịch bản hay.