Quốc hội thảo luận Dự án Luật bồi thường Nhà nước:

Chưa thật nghiêm với công chức

Chưa thật nghiêm với công chức
TP - Hôm qua (8/11), Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Bồi thường Nhà nước, Luật Quy hoạch đô thị và thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009.
Chưa thật nghiêm với công chức ảnh 1
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường

Phát biểu về dự luật Luật Bồi thường Nhà nước, một dự luật trực tiếp bảo vệ quyền lợi của người dân và nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của cán bộ công chức khi thi hành công vụ, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông nói: “Chúng ta không thể dung túng bộ máy kém hiệu quả mãi được”.

Ông Cuông đề nghị trong dự luật cần quy định rõ hơn không chỉ hành vi vi phạm, gây hại của cán bộ, công chức bị xử lý, mà khi công chức không thực hiện nhiệm vụ, gây thiệt hại cho cá nhân, tập thể cũng phải bồi thường.

Phải quy định rõ để hạn chế tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, tắc trách, vô cảm khi thi hành công vụ hiện nay.

Cũng theo ông Cuông, nên bỏ khoản 4 điều 8 quy định việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường với người bị thiệt hại. “Nguyên tắc là gây thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó.

Quan hệ bồi thường nhà nước là quan hệ hành chính, không phải quan hệ dân sự, vì vậy không nên áp dụng cơ chế thương lượng”.

Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội  Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng Luật bồi thường nhà nước chỉ có thể đi vào cuộc sống, nếu như Luật khiếu nại và giải quyết khiếu nại được ban hành kịp thời, đồng bộ.

Hai luật này có mối liên hệ với nhau chặt chẽ, nếu không chỉ ra quyết định hành chính của một cơ quan đúng hay sai, sẽ không có căn cứ để đòi bồi thường.

Trong khi đó, “hiện nay rất nhiều vụ việc khiếu nại chuyển lòng vòng từ cơ quan này đến cơ quan khác, cho nên người dân cũng khó có căn cứ để đòi bồi thường”- Ông Vượng nói.

Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho biết, quy định trong dự luật bỏ sót nhiều hành vi gây thiệt hại do công chức gây ra, vì mới chỉ liệt kê 11 loại công vụ trong hoạt động quản lý hành chính.

Đại biểu Nguyệt đặt câu hỏi: “Chậm ban hành luật, ban hành trái luật gây hậu quả pháp lý phức tạp, thiệt hại rộng thì có được bồi thường không?”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, nhiều quy định của dự luật thiếu tính thực tiễn, thậm chí có những quy định còn bị thụt lùi so với các văn bản hiện hành.

Bà đề nghị, bổ sung thêm quy định khi hết hạn điều tra mà không tìm được hành vi phạm tội thì phải bồi thường.

Ngoài ra, đại biểu Nga cho rằng quy định còn phiến diện, chẳng hạn như lúc đầu xử 7 năm tù, sau đó thì cho hưởng án treo thì không bồi thường nhưng sai phạm khi thu giữ, tạm giữ khi kê biên tài sản thì được bồi thường!

Một số đại biểu cho rằng, các thủ tục đề nghị được bồi thường quá phức tạp, gây khó khăn cho người dân.

Bức xúc chuyện quy hoạch

Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị, nhiều đại biểu kêu ca về sự lộn xộn trong quy hoạch, ở nhiều địa phương hiện nay. Một số đại biểu thẳng thắn rằng, công tác quy hoạch của ta đang có vấn đề.

Quy hoạch của thủ đô các nước ổn định hàng trăm năm, còn quy hoạch của Hà Nội thì còn nhiều bất ổn. Một trận mưa to vừa xảy ra, gây ra tình trạng lụt lội rất nghiêm trọng trên toàn địa bàn, khiến đời sống của người dân bị xáo trộn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: “Trách nhiệm để xảy ra Hà Nội ngập lụt thuộc về ai?”. Bà nói: “Bức tranh thủ đô như vậy, các đô thị khác cũng không khác là bao. Chả nhẽ, cứ nói mãi vì tầm nhìn hạn chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, chất lượng nhân lực chưa đủ tầm hay sao?”.

Nói về yếu kém, về tầm nhìn của quy hoạch, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) đặt câu hỏi “Cả khu vực thủ đô rộng lớn, nhưng chỉ có một trạm bơm, làm sao lũ rút được?”.

Nhiều đại biểu đề nghị, cần có chế tài để nâng cao trách nhiệm của người làm quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch đó. Quy định về kiến trúc sư trưởng cũng được nhiều đại biểu băn khoăn.

“Phải đảm bảo vị trí độc lập của kiến trúc sư trưởng, khắc phục tình trạng vừa quản lý, vừa tham mưu. Ngoài ra, xác định rõ quan hệ giữa Sở Quy hoạch - Kiến trúc với Hội đồng kiến trúc và Kiến trúc sư trưởng, không để trùng lặp và có các khoảng trống”- Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho biết.

Chi ngân sách năm 2009: Ưu tiên chi cho an sinh xã hội

Chiều 8/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009. Quốc hội đặt mục tiêu thu cân đối ngân sách năm 2009 là 389.900 tỉ đồng (chiếm 21,5% GDP), giảm 28.100 tỷ đồng so với tờ trình của Chính phủ, tính gộp cả số thu chuyển nguồn năm 2008 sang thì tổng thu cả năm 2009 là 404.000 tỉ đồng;

tổng chi năm 2009 là 491.300 tỉ đồng. Bội chi được Quốc hội cho phép là 87.300 tỉ đồng, mức bội chi ngân sách bằng 4,82% GDP.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp, chủ động ngăn ngừa khả năng suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn để đạt chỉ tiêu thu, chi ngân sách; xác định ưu tiên chi cho lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt đầu tư cho 61 huyện nghèo nhất nước, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Năm 2009 vẫn thực hiện việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, nhưng giãn thời điểm đến khoảng tháng 5/2009.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).