Ngày đầu tiên cùng nhau kí và tờ giấy kết hôn, ta có thể nghĩ: ta sẽ đặt hi vọng vào người đàn ông này: hi vọng anh ta có thể nắm tay ta tới cuối đời, hi vọng anh ta có thể vì ta mà sống có trách nhiệm và tốt hơn, hi vọng mọi bất chắc của cuộc sống đều ở giới hạn của nó…
Đàn bà, ai cũng vậy, khi nắm tay một người đàn ông tức là họ đã hi vọng vào những thứ tốt đẹp sẽ đến với cả hai người. Và đó cũng chính là lí do khiến họ có thể toàn tâm toàn ý vì một thứ mà người ta gọi là Mái ấm!
Nhưng để tin tưởng tuyệt đối thì không một người đàn bà sáng suốt nào lại mù quáng tới vậy? Bởi lẽ bản chất đàn ông không thể nào là chỗ an toàn cho một niềm tin tuyệt đối cả. Khi niềm tin mất thì hi vọng cũng không thể nào cứu vớt được tình yêu của một người đàn bà dành cho người đàn ông đã từng là của mình.
Và cái kết tất yếu cho những cuộc hôn nhân mà niềm tin và hi vọng đã vỡ vụn chính là ly hôn. Nhưng cái gì diễn ra sau những cuộc ly hôn đó? Người đàn bà ở lại với tâm thế như thế nào? Người đàn ông ra đi với tâm thế như thế nào? Hoặc ngược lại?
Nếu như sau ly hôn, người đàn bà bắt đầu nghĩ mình phải chống chọi như thế nào với cuộc sống không có chồng bên cạnh? Và với hàng tá những dị nghị của dư luận? Rồi thậm chí cả việc hối tiếc về cuộc đời mình như: tại sao mình lại có thể yêu và lấy anh ta?
Tại sao mọi người nhìn mình bằng con mắt khác lạ? Tại sao mọi người hay nói thầm khi thấy mình? Không biết người ta có nghĩ: Chắc vì mình thế nào thì chồng mới bỏ không?…
Và còn vô số những câu hỏi khác mà người đàn bà tự nghĩ ra và hỏi mình. Vì vậy, người đàn bà cần rất nhiều thời gian để có thể lấy lại được niềm tin vào bản thân và cuộc sống, lấy lại được chút hi vọng đã vỡ tan tành vào đàn ông để không nghĩ rằng: họ giống nhau cả thôi! Bởi người đàn bà đã một lần lỡ dở thì con tim khi nào cũng đề phòng với bất kì người đàn ông nào có ý định bước tới gần cuộc đời họ như tâm lí của con chim nhỏ sợ cành cong…
Trong khi người đàn bà hậu ly hôn giống như một chú ốc sên mò mẫm bước thật chậm chãi trên con đường mà họ sợ mình có thể bị tổn thương bất cứ lúc nào,nên thường họ tìm cách trang bị cho mình một vỏ bọc cứng cáp để có thể thu mình giấu mình lại trong đó khi cần.
Thì người đàn ông mà họ đã từng hi vọng ấy sẽ sống như thế nào với cuộc sống hậu ly hôn? Họ có dằn vặt mình như những người đàn bà? Có để ý tới những cái liếc nhìn và những cái đầu khẽ chụm vào nhau khi họ đi qua? Có có thắc mắc thêm là: liệu mình xấu xa thế nào nên vợ mới bỏ?...
Thật kì lạ là có rất ít những người đàn ông suy nghĩ về điều đó. Bởi tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: người đàn ông ly dị một lần chính là một kho vàng. Không biết đó là “vàng” hay “rác”?
Nhưng có lẽ chính vì cái tâm thế như vậy mà đàn ông không gặp quá nhiều thứ khủng hoảng hậu ly hôn như đàn bà. Và vì thế cũng mới có chuyện, dù đã đưa nhau ra tòa, nhưng chưa chính thức ly hôn nhưng người đàn ông ấy đã kịp kiếm cho mình một người đàn bà mới trong khi người vợ cũ vẫn chật vật với một mớ câu hỏi: Mình có thực sự muốn ly hôn hay không?
Đó cũng chính là chuyện của Hiên, cô và Thọ lấy nhau đã có con học lớp một, trong mái ấm bình yên ấy không ai nghĩ rằng có ngày họ lại lôi nhau ra tòa. Đúng là “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, người ngoài không thể nào biết hết được chuyện trong chăn nhà khác. Chỉ biết sau sáu năm chung chăn gối, họ lặng lẽ đưa nhau ra tòa. Căn nhà bé nhỏ ngày nào bỗng thiếu bóng đàn ông, đứa con gái nhỏ không còn chạy nhảy vui đùa như mọi khi mà trở nên lặng lẽ hơn bên mẹ.
Người đàn bà cần có thời gian để thôi không còn đau khổ vì một người đàn ông. Nhưng người đàn ông thì lại cần có một người đàn bà khác để khiến họ thôi đau khổ vì một người đàn bà cũ. (ảnh minh họa)
Và trong khi Hiên còn chưa hết bàng hoàng vì chuyện mình trong lúc uất giận đã thực sự kí vào tờ đơn ly hôn với chồng. Còn chưa kịp nghĩ rằng: họ đã sắp trở thành người dưng trong đời nhau. Chưa kịp nghĩ rồi đây đứa con gái bé bỏng của họ sẽ nghĩ như thế nào về việc cha mẹ nó không còn ở cùng nhau?
Và chị sẽ phải giải thích thế nào về điều đó? Và những ngày tháng tiếp theo bản thân Hiên sẽ sống như thế nào? Sẽ giải thích làm sao cho cha mẹ ở quê hiểu được mà không đau lòng...
Thì Thọ ngược lại, mọi người đã thấy anh ung dung đèo người đàn bà khác vào những buổi chiều và về căn nhà trọ mà anh thuê. Vì nhà cũ thì vợ và con gái vẫn đang ở và chờ ngày ra tòa để phân chia tài sản và giải quyết ly hôn. Mọi người ai cũng buồn cho Hiên và tự bản thân Hiên cũng không thể nào nghĩ được Thọ lại có thể làm như thế với chị. Mọi thứ cứ như một giấc mơ, mà khi tỉnh dậy chị đã thấy mình trắng tay!
Người đàn bà cần có thời gian để thôi không còn đau khổ vì một người đàn ông. Nhưng người đàn ông thì lại cần có một người đàn bà khác để khiến họ thôi đau khổ vì một người đàn bà cũ. Đó chính là điểm khác nhau giữa đàn ông và đàn bà, chính là lí do vì sao đàn bà chỉ nên hi vọng chứ đừng tin tuyệt đối vào đàn ông.
Nếu như với đàn bà thời gian chính là liều thuốc chữa lành những vết thương và chắp nối những thương yêu mới. Thì với đàn ông thời gian trôi đi chính là phí phạm và tiếc nuối. Chính vì vậy, mà đàn ông và đàn bà chung bước cùng nhau trên một con đường nhưng lại không thể chung nhau mọi ý nghĩ và lí tưởng trong cuộc sống.
Cho nên có cùng nhau đi được tới đích cuối cùng hay không thì chính những người trong cuộc còn chưa thể nào trả lời được cho chắc chắn. Nên đàn bà khi nào cũng nên tin vào bản thân mình hơn là mang niềm tin ấy đặt vào một người đàn ông. Bởi nơi cất giữ niềm tin đó của phụ nữ cũng đầy may rủi!