Chưa giảm tàu công suất nhỏ vì ngư dân thất nghiệp

Ngư dân Lê Văn Hưởng bên xác ghe máy vừa được tiêu hủy bên “nghĩa địa” tàu cá. Ảnh: Nguyễn Thành
Ngư dân Lê Văn Hưởng bên xác ghe máy vừa được tiêu hủy bên “nghĩa địa” tàu cá. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Chính quyền Đà Nẵng vừa phải tạm dừng “đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ dưới 20CV” vì... ngư dân thất nghiệp. 

Ngày 16/7/2016, UBND TP Đà Nẵng có quyết định số 4991 ban hành “Đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20CV (tàu cá, thuyền thúng gắn máy) trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, đến năm 2020, không còn thuyền thúng gắn máy hoạt động ven bờ, số lượng tàu vỏ gỗ công suất nhỏ hơn 20 CV (sức chở tối đa từ 0,5 tấn trở xuống) còn khoảng 150 tàu. 

Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) là nơi có nhiều tàu công suất nhỏ của người dân địa phương neo đậu cũng là “nghĩa địa” tàu cá từ khi thực hiện đề án.  

Lão ngư Lê Văn Hưởng (64 tuổi, tổ 55, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) nhớ nghề biển nên hàng ngày vẫn ra âu thuyền để dạo và ngắm nhìn tàu cá vào ra. Mấy chục năm gắn bó với biển bằng nghề đánh bắt ghe máy gần bờ, hai vợ chồng ông bươn chải đủ sống để nuôi con khôn lớn. Thực hiện chủ trương của thành phố, ghe máy của 2 vợ chồng ông nay đã không còn.

Nhận 40 triệu đồng tiền hỗ trợ, ngày tiêu hủy ghe máy, vợ chồng ông rơi nước mắt. Hỏi ông tiền đâu rồi? Ông đáp: Lúc đầu cứ nghĩ 40 triệu là to. Từ khi lên bờ hai vợ chồng thất nghiệp chẳng mấy chốc tiền hết sạch. Hàng ngày, tôi ra âu thuyền, ai thuê gì làm nấy, hai vợ chồng chủ yếu sống nhờ vào con cái. 

“Ngư dân bao năm bám biển, giờ lên bờ không biết làm gì cả” ông Hưởng ngậm ngùi.  Ông Hưởng chỉ là một trong số hàng trăm ngư dân lâm vào cảnh khó khăn khi thực hiện chủ trương chính sách này của thành phố. 

Quận Sơn Trà hiện đã có 92 phương tiện được tiêu hủy, tiền hỗ trợ phương tiện và lao động hơn 4 tỷ đồng. Theo phòng kinh tế quận Sơn Trà, chính sách này đã tạo điều kiện chuyển đổi nghề cho các ngư dân, giảm áp lực khai thác ven bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.Tuy nhiên, khó khăn là hầu hết thu nhập chính của các hộ có phương tiện phụ thuộc vào khai thác hải sản, trình độ ngư dân còn thấp, một số tuổi cao. Trong khi đó, tiền ngư lưới cụ chưa được hỗ trợ.

Tạm dừng để xây dựng đề án ưu việt hơn

 Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn 3867 về việc tạm dừng thực hiện chính sách loại bỏ tàu cá, thuyền thúng nhỏ. Theo đó, UBND TP tạm dựng thực hiện quyết định 4991 đến khi có văn bản chỉ đạo mới của UBND TP. Đồng thời, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu quy định của pháp luật, tham mưu UBND TP chỉ đạo quản lý chặt chẽ và không có phát sinh tàu, thuyền thúng đánh cá có công suất nhỏ hơn 20CV.

Ông Trịnh Quang Vinh, Phó chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng) cho biết: Sau 2 năm, đến nay Đà Nẵng đã loại bỏ được 130 phương tiện, với hơn 330 lao động. Kinh phí thực hiện theo chính sách hỗ trợ là hơn 5,4 tỷ đồng. Quá trình thực hiện chính sách phát sinh bất cập nên thành phố đã phải tạm dừng và giao các cơ quan chức năng làm việc với viện nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng để xây dựng đề án chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân khai thác hoạt động vùng ven bờ. Đề án này sẽ dựa trên thực tế nhu cầu cuộc sống của ngư dân đánh bắt gần bờ. 

Theo ông Vinh chính sách đã ảnh hưởng đến đời sống của một số lượng lớn ngư dân. Trong khi đó, các tàu khai thác ven bờ là phương tiện có thể mưu sinh, nuôi sống được gia đình họ.  Khi thực hiện đã  phát sinh thêm một số trường hợp ngoài dự kiến. Do đó cần có chương trình tổng thể hơn, việc chỉ nhận hỗ trợ không sẽ khó quản lý và khó khăn cho người dân khi lên bờ. 

“Chi cục sẽ tham mưu Sở NN&PTNT tổ chức họp các sở, ngành, các đơn vị trực thuộc để thống nhất đề cương đề án do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội  xây dựng. Đề án mới sẽ được UBND TP xem xét trước khi có chính sách mới thay thế cho đề án cũ. Đề án mới, chính sách chắc chắn sẽ phải tốt hơn” ông Vinh cho biết. 

Cũng theo ông Vinh, trong quyết định  4991 của UBND TP khi nhận tiền hỗ trợ ngư dân đã có cam kết cụ thể. Những trường hợp đã nhận tiền mà phát sinh tàu cá nhỏ dưới 20CV sẽ bị xử phạt và không được hưởng bất cứ chính sách nào nữa. Tất cả sẽ được làm công bằng và có sự quản lý chặt chẽ.

“Lúc đầu cứ nghĩ 40 triệu là to. Từ khi lên bờ hai vợ chồng thất nghiệp chẳng mấy chốc tiền hết sạch. Hàng ngày, tôi ra âu thuyền, ai thuê gì làm nấy, hai vợ chồng chủ yếu sống nhờ vào con cái” - Lão ngư Lê Văn Hưởng (64 tuổi, tổ 55, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà)

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.