Chưa đăng ký, đăng kiểm, hàng trăm xe điện ở Cửa Lò nguy cơ dừng hoạt động

TPO - Hoạt động ổn định hơn 10 năm, đến nay 558 xe điện ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) có nguy cơ dừng hoạt động vì cần phải có đăng ký, đăng kiểm.

Từ năm 2011 - 2015, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch, thị xã Cửa Lò đã trình UBND tỉnh Nghệ An cho chủ trương quản lý hoạt động xe điện bốn bánh phục vụ khách du lịch.

Sau thời gian thí điểm, từ năm 2016 đến nay, UBND thị xã Cửa Lò trình chủ trương và được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho phép xây dựng quy chế quản lý xe điện từng năm một, với số lượng xe hoạt động là 558 xe, hoạt động theo ngày chẵn - lẻ.

Cuối tháng 12/2022, các chủ xe điện tại thị xã Cửa Lò nhận được thông báo phương án quản lý xe điện mới từ UBND thị xã Cửa Lò, trong đó yêu cầu các chủ xe điện phải đăng ký, đăng kiểm đảm bảo theo Thông tư 86 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải và Thông tư 58 năm 2020 của Bộ Công an.

Ngày 23/3, UBND thị xã Cửa Lò đã có công văn “Dừng hoạt động đối với xe không đủ điều kiện (chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định) trên các tuyến đường kể từ ngày 20/4/2023".

Trước yêu cầu trên, hàng trăm chủ xe điện băn khoăn, lo lắng khi phương tiện của họ bị thất lạc giấy tờ lâu, nay không thể đăng kiểm được, trong khi mùa du lịch 2023 đang đến gần.

Xe điện 4 bánh chạy trên đường ở thị xã Cửa Lò

Anh Dương Minh Hùng (một chủ xe điện) cho biết: “Chủ trương đăng ký, đăng kiểm là đúng quy định pháp luật, người dân không phản đối. Tuy nhiên, nguyện vọng của chúng tôi là khi có chủ trương, phải có lộ trình. Chủ trương quá gấp, người dân xoay xở không kịp, trong khi mùa du lịch đang đến gần, nguy cơ thất nghiệp của các chủ xe điện rất lớn”.

Cùng quan điểm, ông Phùng Minh Hồng (phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) cho rằng, nhiều gia đình phải vay mượn ngân hàng để mua xe điện với giá trị cao (hơn 200 triệu đồng/xe) và do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động du lịch nên rất khó khăn.

“Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho người dân đăng ký, đăng kiểm xe bị thất lạc giấy tờ và có lộ trình cụ thể để chủ xe thay thế xe mới”, ông Hồng kiến nghị.

Không xe điện nào yêu cầu đăng kiểm

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Minh Thọ - Phó Phòng Quản lý đô thị thị xã Cửa Lò cho biết: "Không phải bây giờ thị xã mới thông tin cho người dân về yêu cầu cần phải có đăng ký, đăng kiểm đối với xe điện. Những năm trước đó, thị xã đã có nhiều văn bản thông báo cho chính quyền cơ sở và người dân nắm được quy định này".

Theo ông Thọ, từ năm 2016 đến nay, thị xã quản lý 558 xe điện, nhưng hiện chỉ có 171 xe có đủ hồ sơ, giấy tờ có thể đăng ký được. Vừa qua, thị xã chọn ngẫu nhiên 7 xe điện "đẹp nhất" trong số 171 xe có đủ giấy tờ, hồ sơ đi đăng kiểm nhưng không xe nào đạt yêu cầu đăng kiểm.

Hơn 550 xe điện ở Cửa Lò có nguy cơ dừng hoạt động khi mùa du lịch đang cận kề

Lý giải việc vì sao Thông tư của Bộ GTVT có từ năm 2014 nhưng đến nay mới bắt buộc chủ phương tiện đăng ký, đăng kiểm? Ông Thọ cho biết: “Giai đoạn đầu, thị xã đang thí điểm. Sau khi hết thời gian thí điểm, xe điện được UBND tỉnh cấp phép hoạt động từng năm một. Mỗi năm các chủ xe điện đóng thuế 3 triệu đồng/xe.

Năm 2022, sau một thời gian tạm dừng vì dịch COVID-19, hoạt động xe điện xảy ra nhiều vấn đề như: tranh giành khách hàng, đánh nhau, chặt chém… Do đó, thị xã mới chốt phương án quản lý hoạt động xe điện nhằm đảm bảo an toàn, đi vào nề nếp, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và tạo sự phát triển cho du lịch”.

Ông Thọ cho biết thêm, phía công an thị xã cũng có ý kiến xe chưa đủ điều kiện (đăng ký, đăng kiểm) mà cấp phép hoạt động là không đúng quy định. Và họ yêu cầu các xe phải đăng ký, đăng kiểm mới được phép hoạt động.