Tăng giá để kéo CPI? - Bài cuối:

Chưa có cạnh tranh chưa phải thị trường

Người dân lo ngại các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng giá. Ảnh: Như Ý.
Người dân lo ngại các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng giá. Ảnh: Như Ý.
TP - Chính phủ sẽ điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu tiếp cận giá thị trường, đó là điều chắc chắn, đồng nghĩa với tăng giá và không bao cấp. Tuy nhiên, cơ sở nào để người dân có thể đo đếm đó là giá thị trường, có lên có xuống, không chỉ điệp khúc tăng và tăng?

So với thế giới là chưa thuyết phục

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, giá thị trường là phản ánh cung - cầu, cạnh tranh và giá thành sản xuất. “Một số mặt hàng lâu nay chỉ có độc quyền, không có cạnh tranh thì lấy đâu ra giá thị trường. Còn ông nào độc quyền ông đó sướng”, TS Doanh nói.

Ông dẫn chứng về giá điện, giá thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố chưa thuyết phục, người dân không yên tâm khi Chính phủ yêu cầu EVN phải nâng cao năng suất lao động, tinh giản bộ máy, giảm thất thu, nhưng kết quả thế nào không ai biết.

Người tiêu dùng không phải không chia sẻ khó khăn với ngành điện, nhưng thấy chưa minh bạch giá nên chưa đồng thuận.

TS Ngô Trí Long

Theo TS Doanh, vừa qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp là cơ sở để Chính phủ điều hành giá một số mặt hàng theo hướng tăng. “Nhưng rõ ràng, tăng giá như vừa qua là hơi quá tay khi điện tăng tới 7,5%, xăng dầu cũng lập tức tăng, rồi tăng cả thuế môi trường xăng dầu”, ông Doanh nói.

Còn việc so với giá thế giới, theo một chuyên gia (xin giấu tên), cũng chưa thuyết phục. Giá xăng dầu còn so sánh được, còn giá điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục… làm sao có thể so sánh. “Mỗi nước người dân có mức thu nhập khác nhau, cơ cấu giá thành khác nhau, cũng hiếm ai xuất khẩu điện, nước để so sánh, nhiệt điện giá khác với thủy điện, chưa kể chính sách bảo hộ của mỗi nước… nên không thể so sánh được”, ông nói. Theo ông, hiện các DN nhập khẩu xăng dầu, EVN đều là DN nhà nước, nếu thua lỗ nhà nước phải dùng ngân sách để bù, nên phải tăng giá.

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT, một số lĩnh vực, một số mặt hàng chiến lược của chúng ta còn chưa có cạnh tranh. Ông Hồ cũng không đồng tình với cách so với giá thế giới, rồi nói giá một số hàng hóa ở Việt Nam còn thấp hơn nên phải tăng, đặc biệt là giá điện (Do mỗi nước có mặt bằng giá, thu nhập người dân, chính sách giá khác nhau).

Cục Quản lý cạnh tranh không nên trực thuộc Bộ Công thương

Bàn về giải pháp điều hành giá cả hiện nay, TS Lưu Bích Hồ cho rằng: “Chúng ta đã sống trong 1-2 thế hệ bao cấp quen rồi, cứ thấy giá tăng là kêu. Tôi đồng ý tăng giá, nhưng phải tính đúng, tính đủ, có lộ trình để nền kinh tế có thời gian thích ứng và tính tới cả lợi ích người tiêu dùng. Chưa kể, hiện điện nước thất thoát lớn, chi phí quản lý quá lớn, người dân phải gánh hết, tại sao không khắc phục những điểm yếu đó để giảm chi phí”, TS Hồ nói. Theo ông, quan trọng là cơ chế giám sát và yêu cầu phải công khai, minh bạch.

Theo TS Lê Đăng Doanh, để kiểm soát được giá các mặt hàng thiết yếu cần có giám sát độc lập. “Muốn vậy chúng ta phải nâng vị thế của Cục Quản lý cạnh tranh, thay vì thuộc Bộ Công Thương nay nên chuyển lên trực thuộc Quốc hội. Cùng với đó là cơ chế kiểm soát công khai. Giờ nói tăng giá điện dân được lợi, tôi không hiểu lợi đó là gì”, ông Doanh nói.

Một chuyên gia xin giấu tên trên cho rằng, khi còn độc quyền, cơ chế kiểm soát, giám sát cần phải mạnh. Như với xăng dầu, vừa qua giá thế giới có tăng trong 1-2 tuần, nhưng sau đó lại giảm mạnh, mức tăng cũng không lớn nhưng xăng trong nước tăng tới 10%.

Theo vị chuyên gia này, khi đã theo thị trường, DN phải tự tính toán, lời ăn lỗ chịu. “Hay với điện, theo quy định, để được kinh doanh doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận ít nhất 5 năm kinh nghiệm tham gia lĩnh vực điện.

Đây là quy định rất “hiểm”, vì lâu nay làm gì có ai được tham gia vào ngành điện mà có kinh nghiệm, nếu có kinh nghiệm tất nhiên là đơn vị của EVN”, ông dẫn chứng. Do đó, theo vị chuyên gia này, phải có cơ chế thoáng hơn để tư nhân tham gia các lĩnh vực quan trọng, nhà đầu tư có thể bỏ vốn (chủ sở hữu) và thuê người có kinh nghiệm để quản lý (CEO).

“Tôi ưu tiên dùng hàng của DN quốc doanh, nhưng nếu doanh nghiệp nhà nước không làm được tôi sẽ chọn người khác làm tốt hơn, đó là thị trường”, vị chuyên gia nhận định.

Tại tọa đàm “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, chuyên gia về giá cả - TS Ngô Trí Long cho rằng: Người tiêu dùng không phải không chia sẻ khó khăn với ngành điện, nhưng thấy chưa minh bạch giá nên chưa đồng thuận.

Như kết quả kiểm toán công bố hồi tháng 7/2014, ngành điện làm ăn không hiệu quả khi đầu tư ngoài ngành, năng suất lao động kém... Các khoản lỗ này do điều hành tạo ra, nhưng lại tính vào giá điện và đổ cả lên đầu người tiêu dùng.

“Cần cuộc “đại phẫu” về giá điện, xăng dầu do cơ quan chức năng chuyên môn, chuyên gia độc lập thực hiện để minh bạch giá và được đồng thuận từ người dân mỗi khi điều chỉnh. Còn hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước nói về minh bạch giá điện, xăng vẫn chưa thực sự đứng ở vị thế trung gian”, TS Long nêu ý kiến.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.