+ Đáp: Theo Đông y, để xác định một người có tạng hàn hay nhiệt, có thể căn cứ vào một số biểu hiện chủ yếu như sau:
- Tạng hàn, có những biểu hiện chính: Thích ấm, không ưa lạnh (ố hàn) hoặc sợ lạnh (úy hàn), sắc diện trắng nhợt, chây tay lạnh và khi ngủ thường hay nằm co (để giảm diện tích tản nhiệt), miệng không khát hoặc thích uống ấm, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhuận.
- Tạng nhiệt, thường có những biểu hiện: Thân nhiệt cao, sắc diện đỏ, ghét nóng thích mát, phiền táo không yên, chân tay ấm và khi ngủ thường nằm ngửa duỗi thẳng chân tay (tăng diện tích tản nhiệt), miệng khát thích uống lạnh, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện khô táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.
Để lập lại cân bằng về âm dương, hàn nhiệt, cần dùng thuốc hoặc ăn uống tuân theo nguyên tắc:
"Hàn giả nhiệt chi" = Người tạng hàn, cần dùng thuốc hoặc thức ăn có tính nóng ấm.
"Nhiệt giả hàn chi" = Người tạng nhiệt, cần sử dụng những thuốc hoặc thức ăn mát lạnh.
· Dứa không nhiệt: Theo Đông y: Dứa có vị chua ngọt, hơi chát; tính bình (không nóng không lạnh, không thiên về hàn hay về nhiệt); vào 2 kinh Phế và Đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, giải thử (chống nắng nóng), chỉ khát (giải khát), tiêu thực (tiêu thức ăn), khai vị, lợi niệu, chỉ tả (cầm ỉa chảy), nhuận tràng. Có thể sử dụng để chống nắng nóng, chữa ăn uống khó tiêu, viêm phế quản, viêm thận, viêm ruột, viêm dạ dày do giảm dịch vị, ...
Trái dứa thường bị ngộ nhận là thứ quả có tính nhiệt (nóng), có lẽ do dễ gây dị ứng. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong dứa có 3 chất có thể gây dị ứng.
(1) Một loại men thủy phân protit, có tên là bromelin. Một số người có thể bị dị ứng với thứ men này. Sau khi ăn dứa từ 15 phút tới 1 tiếng hoặc lâu hơn, bỗng nhiên bụng đau quặn từng cơn, đầu đau dữ dội, lợm giọng, nôn mửa, da nổi mề đay, da ửng đỏ ngứa ngáy khó chịu, chân tay và môi tê dại ... Trường hợp nặng có thể gây khó thở, choáng, thậm chí tử vong.
(2) Chất serotonin ( 5-hydroxytryptamine, 5-HT), có trong quả dứa, là một chất hữu cơ có tác dụng gây co thắt huyết quản mạnh, làm huyết áp tăng cao. Vì vậy, ăn quá nhiều dứa có thể làm người nóng bừng, huyết áp tăng cao, đau đầu, choáng váng ...
(3) Ngoài ra, trong dứa còn có một loại glucoside có tác dụng kích thích mạnh đối với niêm mạc ở miệng và thực quản; khi ăn quá nhiều dứa, ta thường cảm thấy miệng lưỡi và cổ họng tể rát, ngứa ngáy.
Vì vậy, người có cơ địa dị ứng, hoặc ngay cả những người không có cơ địa dị ứng, nếu sử dụng không đúng cách, có thể dẫn đến những phản ứng có hại đối với sức khỏe, dân gian thường gọi là “bốc hỏa”.
Để tránh dị ứng và những phản ứng có hại khác, những người bị tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, thừa dịch vị, chỉ nên ăn ít dứa. Còn người có cơ địa dị ứng, tốt nhất không ăn dứa.
Để tránh những phản ứng bất lợi, có thể xử lý theo 2 cách:
(1) Ngâm nước sôi: Dứa sau khi gọt vỏ, bỏ mắt và thái thành lát, cần ngâm trong nước sôi một lúc rồi mới vớt ra ăn; làm như vậy men bromelin và glucoside sẽ bị phá huỷ, còn serotonin sẽ hoà tan vào trong nước.
(2) Ngâm nước muối: Dứa đã thái lát đem ngâm trong nước đun sôi để nguội, có pha thêm muối; Lượng muối vừa đủ mặn như khi nấu canh. Ngâm ít nhất trong nửa tiếng, sau đó tráng lại bằng nước sôi rồi mới ăn.
Trong cả hai cách làm trên, cần chú ý ngâm đủ thời gian và miếng dứa không thái quá dầy.
Lương y Hư Đan - Lương y Huyên Thảo
Tri Thức Trẻ