Nhưng nhiều nạn nhân đã không có được may mắn đó. Cũng tại Nam Trà My, cụ thể thôn Trà Leng vừa phải gánh chịu ít nhất 2 vụ sụt lở, nhiều người chết và bị thương nặng...
Có lẽ chưa bao giờ những cụm từ như “chưa bao giờ”, “chưa từng thấy”, “lần đầu tiên” được sử dụng dồn dập như hôm 29/10. Một tít bài: “Lần đầu tiên mới thấy Đèo Le sạt lở khủng khiếp như thế này”. Chia sẻ của một người dân từ Cù Lao Chàm: “Từng chứng kiến rất nhiều trận bão nhưng cả ngày 28/10 vừa qua là ngày hãi hùng nhất của người dân trên đảo”.
Ông Lê Xuân Tuấn, Tổng giám đốc công ty đầu tư xây dựng thủy điện Đăk Mi 2 tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam trên đường tiếp cận 200 công nhân bị cô lập (rải rác ở 5 điểm trên chiều dài khoảng 10km) do lũ kèm lở núi được một tờ báo dẫn lời: "Người dân ở đây cho biết cả trăm năm nay từ đời xưa đến giờ chưa khi nào xảy ra cơn lũ, nước dội về ầm ầm như như thác đổ. Thiệt hại về vật chất rất lớn hiện chưa thể thống kê được”.
Quả thực là chưa bao giờ người dân cả nước ngoài lũ lụt dâng cao còn phải chứng kiến những vụ sạt lở kinh hoàng làm chết nhiều người, trong số đó có cả những tướng lĩnh, chiến sĩ đang trên đường đem hy vọng cứu nạn tới chính những vùng bị sạt lở trước đó. Con người ngày càng nhỏ bé trước uy lực của thiên nhiên.
Và còn biết bao nhiêu những “chưa bao giờ” có thể được đem ra để mô tả số lượng nhà máy thủy điện đã và đang mọc lên, số cây rừng bị đốn gục hay độ nhiều của những khu du lịch, resort, biệt phủ… đang tấn công những diện tích rừng, núi đáng ra phải được bảo tồn.
Chúng ta đang xâm hại thiên nhiên ở mức độ chưa từng thấy. Hình ảnh dãy Trường Sơn chụp từ vệ tinh phía nước bạn xanh, phía Việt Nam xám không biết xác thực đến đâu nhưng đang được nhiều người chia sẻ như một lý giải về hậu quả nhãn tiền chúng ta đang phải gánh chịu do không bảo vệ được rừng. Nếu không có một sự thay đổi cấp thiết, diễn đạt “chưa bao giờ” sẽ còn tiếp tục xuất hiện với mật độ dày đặc hơn tỷ lệ thuận với số lượng và quy mô của những cơn thịnh nộ thiên nhiên sẽ còn giáng xuống.