Chủ tòa nhà bị sập đối mặt án tử hình

TP - Ngày 5/5, vợ của một công nhân may thiệt mạng khi tòa nhà Rana Plaza tám tầng đổ sụp ở thủ đô Dhaka, nộp đơn kiện chủ tòa nhà phạm tội giết người. Tính đến tối qua, số người chết trong thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất Bangladesh lên tới 610.

> Hiện trường vụ sập nhà làm ít nhất 80 người chết ở Bangladesh
> Sập nhà 8 tầng, ít nhất 87 người chết

Các đơn kiện tội sát nhân cũng nhằm vào chủ một trong các nhà máy may trong Rana Plaza và một kỹ sư. Chủ tòa nhà là Mohammed Sohel Rana đã bị bắt sau bốn ngày bị cảnh sát săn đuổi. Ông này trước đó tìm cách vượt biên giới sang Ấn Độ. Ông Rana là một trong chín người bị tạm giữ vì liên quan sự cố hôm 24/4.

Cơ quan chức năng nói rằng, nguyên nhân Rana Plaza đổ sập là do tòa nhà được xây dựng trái phép và có nhiều lỗi. Ông Rana và những người đang bị tạm giam có thể đối mặt án tử hình, nếu bị kết án phạm tội giết người hoặc ngộ sát hàng loạt.

Ngày 5/5, hàng trăm người thân của các nạn nhân tập trung ở địa điểm tòa nhà sập, một số mang theo ảnh các thành viên trong gia đình. Một thiếu nữ òa khóc sau khi nhận ra xác mẹ mình nhờ bộ váy, sau khi người phụ nữ xấu số được mang ra từ đống đổ nát.

Lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định danh tính các xác chết đang phân hủy. Hiện nay, họ xác định danh tính thông qua chứng minh thư, thậm chí điện thoại di động tìm thấy trên xác nạn nhân.

Cách đây một tuần, chủ tòa nhà Rana xuất hiện trước tòa, mặc áo chống đạn và đội mũ bảo hiểm đứng trước đám đông đang giận dữ đòi treo cổ chính ông này. Ông Rana là lãnh đạo cấp địa phương của Mặt trận Thanh niên thuộc đảng cầm quyền Awami League.

Người phụ nữ kiện ông Rana nói rằng, chồng bà bị buộc đi làm tại nhà máy trong tòa nhà dù các vết nứt lớn xuất hiện trên tường một ngày trước khi nó đổ sập, một luật sư nói. “Nếu bị tuyên là phạm tội giết người, họ sẽ phải nhận mức án cao nhất – tử hình”, ông Abdul Huq, một luật sư làm việc tại tòa án thụ lý đơn kiện, nói.

Chính phủ Bangladesh nói rằng, chủ và đơn vị xây dựng tòa nhà tám tầng đã sử dụng vật liệu xây dựng chất lượng thấp, trong đó có thép, gạch và xi măng, đồng thời không có giấy phép giải phóng mặt bằng.

Chất lượng xây dựng tồi đồng nghĩa với việc tòa nhà không chịu được các máy phát điện hoạt động bên trong, Cục Xúc tiến Xuất khẩu (Bộ Thương mại) báo cáo. Cục này đề xuất việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân và kiểm tra độ an toàn của các nhà máy khác.

Vụ sập nhà được tin là xuất phát từ việc các máy phát điện được khởi động sau khi mất điện. Sự cố khiến các nhà bán lẻ phương Tây lo ngại vì họ nhập nhiều hàng hóa giá rẻ từ Bangladesh. Khoảng 4 triệu người làm việc trong ngành may mặc Bangladesh, khiến nước này trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc. Một số công nhân may chỉ kiếm được 38 USD mỗi tháng, khiến Giáo hoàng Francis so sánh với “lao động nô lệ”.

Bình Giang
Tổng hợp

Theo Báo giấy