Chữ tín của Tăng Sâm

Chữ tín của Tăng Sâm
TP - Tại Diễn đàn An ninh châu Á (Shangri-La, Singapore) mới đây, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt hùng hồn cam kết sẽ “đảm bảo hòa bình, ổn định ở biển Đông”, và “hành động hiếu chiến với các quốc gia khác không phải lựa chọn của Trung Quốc”, thì cùng lúc trên thực tế, những hành xử ngang ngược, thô bạo của phía Trung Quốc liên tục diễn ra trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Điều đó cũng xảy ra trên những vùng biển của một số nước trong khu vực.

Đến nỗi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines – ông Voltaire Gazmin phải thốt lên: “Hãy nhớ bài phát biểu của ông Lương. Bất kỳ điều gì xảy ra từ nay trở đi đều là sự vi phạm trắng trợn những điều ông ấy khẳng định. Nếu họ vi phạm, họ sẽ mất mặt trước cộng đồng quốc tế …”.

Tăng Tử (505 TCN-453TCN) – nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc nổi bật với việc đề cao tinh thần Hiếu – Tín, tâm niệm rằng mỗi ngày ông luôn tự xét bản thân mình 3 việc. Trong đó có một việc lớn, đó là “Cùng với bè bạn giao ước điều gì, ta có thất tín không?”.

Cổ học Trung Hoa có câu chuyện “Tăng Sâm giết người” lừng danh từ hàng ngàn năm trước. Mẹ Tăng Sâm đang ngồi nhà dệt cửi thì có người hớt hải chạy đến báo tin: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, vẫn thản nhiên ngồi dệt. Nhưng khi có người thứ ba đến báo cùng cái tin ấy, bà liền hốt hoảng quăng thoi trèo tường bỏ trốn. Sau này mới biết có một Tăng Sâm khác trùng tên với con bà vừa phạm tội giết người. Trò tung tin thất thiệt gây nhiễu, dù vô lý, nhưng khiến một người mẹ vốn rất tin tưởng con mình cũng phải tưởng thật.

Kỳ thực, Tăng Sâm và Tăng Tử chỉ là một người. Ngày nay, đã không học ở tổ tiên Tăng Tử chữ Tín, oái oăm thay, không ít người thuộc nước lớn này lại đang học chiêu “Tăng Sâm giết người” để tung hỏa mù, khiến dư luận thế giới lẫn lộn thật giả về vấn đề biển Đông. Sau thời gian dài căng thẳng trên những vùng biển ngoài thuộc diện tranh chấp, con cháu của Tăng Sâm bây giờ dùng chiêu mới, đó là thọc vào hẳn vùng biển nội địa của Việt Nam vốn hoàn toàn không có sự tranh chấp để cắt cáp thăm dò dầu khí, rồi lớn tiếng vu vạ Việt Nam “xâm lấn”. Nhiều lần như thế, nghiễm nhiên sẽ có người hoài nghi …

Trong thuyết Phi Công (không tấn công, gây chiến, đánh chiếm lẫn nhau), Mặc Tử - triết gia lớn thời Chiến quốc của Trung Hoa – đã kịch liệt phản đối việc nước lớn đóng thuyền xe, chế vũ khí trang bị, đem quân đi đánh nước nhỏ. “Giết một người thì cho là bất nghĩa phải chịu tội chết. Cứ theo đó mà suy, giết mười người thì bất nghĩa nặng gấp mười, tất phải chịu mười tội chết … Nay cái việc đại bất nghĩa là đánh nước người thì không biết là quấy, lại khen, mà gọi là nghĩa. Như vậy có phân biệt được nghĩa và bất nghĩa không ?”.

Chữ TÍN của Tăng Tử, chữ NGHĨA của Mặc Tử, âu là điều người Trung Quốc cần học lại từ chính tổ tiên mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.