Chủ tịch VPF: 'Còn ai dám bước chân vào bóng đá?'

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VPF Trần Anh Tú không hiểu vì sao bị “đánh” vào thời điểm cận kề Đại hội VFF khoá 8. Ông Tú cũng là ứng viên cho vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF khoá tới. Ảnh: VSI.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VPF Trần Anh Tú không hiểu vì sao bị “đánh” vào thời điểm cận kề Đại hội VFF khoá 8. Ông Tú cũng là ứng viên cho vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF khoá tới. Ảnh: VSI.
TP - Đây là chia sẻ của ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) VPF tại cuộc gặp mặt báo chí do VPF tổ chức chiều 10/4 ở Hà Nội. Ông Tú thời gian vừa qua liên tiếp bị một luồng thông tin chỉ trích vì “nắm nhiều vị trí trong bóng đá”.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Anh Tú nói: “Nói không chịu áp lực thì vô lý, nhưng phải nói thực trước đây tôi làm các giải nữ, trẻ hoặc futsal, áp lực không đáng kể. Khi vào làm V-League, mới chân ướt chân ráo vào thì bị “đánh”, mà đánh rất dữ dội. Tôi cũng không hiểu vì sao mình bị đánh và từng có lúc nghĩ lý do gì mình bị đánh, không biết có phải mình đi nhanh quá hay không”.

Theo ông Trần Anh Tú, trong cuộc họp HĐQT sáng 10/4, ông đã đề nghị được rút khỏi vị trí TGĐ. Thực tế, kế hoạch này đã được bầu Tú chia sẻ ngay từ cuối năm 2017, khi được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT VPF. Tuy nhiên, các thành viên HĐQT VPF đã nhất loạt bỏ phiếu không đồng ý để ông Tú nghỉ. Ông Tú cho biết thời gian vừa qua cũng nhận được rất nhiều động viên của các thành viên HĐQT và bạn bè, muốn mình tiếp tục làm và làm tốt nhiệm vụ.

Về thông tin nắm nhiều chức vụ, ông Trần Anh Tú cho biết: “Nếu lấy số cộng thì nhiều chứ nói về tính chất công việc thực sự bản chất công việc thì chỉ vị trí TGĐ VPF mới làm tốn nhiều thời gian của tôi. Còn Chủ tịch Thái Sơn Nam hay HCM City Wings, tôi chỉ đứng tên mang tính chất biểu tượng, công việc đã có bộ máy rồi. Hay vị trí Chủ tịch LĐBĐ TP Hồ Chí Minh (HFF) tôi đã làm 6 năm rồi, kết quả như thế nào thì mọi người rõ. Không thể nào mà mình tuyên bố từ chức HFF trong khi trách nhiệm ở đó rất lớn. Tuy nhiên, thời gian dành cho HFF có lẽ chỉ 1 tháng/lần. Mọi việc vẫn trôi chảy, tài chính đầy đủ. Cái tôi phải lo lắng, tốn sức lực nhất vẫn là TGĐ VPF”.

Nói thêm vấn đề của ông Trần Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT Trần Mạnh Hùng cho biết: “Cty VPF không phải của ông Tú hay ông nào cả, mà là của tập thể. VPF đang thực hiện theo luật doanh nghiệp. Ông chủ tịch nắm bao chức tôi không cần biết, chỉ quan tâm anh làm được gì cho VPF. Thì ở đây tôi khẳng định sau 4 tháng rất tốt và đang tốt lên rất nhiều. Chúng tôi đã thay đổi rất nhiều cách làm việc, phương thức quản lý để tăng thu giảm chi, đạt hiệu quả. Còn quan điểm của một số ông bầu, đó là quan điểm cá nhân. Chúng tôi là 1 tổ chức, không thể vì 1 cá nhân mà phá.

Sáng nay họp anh Trần Anh Tú đứng lên xin rút TGĐ. Cái này không phải sức ép mà là có lộ trình. Và HĐQT chúng tôi thấy là anh Tú không vi phạm gì cả. Không vi phạm thì tại sao lại rút. Anh rút thì đương nhiên để dư luận lật lại, tại sao rút. Ông Tú vi phạm gì đâu, ông Tú sai phạm gì? Còn nếu làm không được, tổ chức thành viên người ta yêu cầu nghỉ, chúng tôi nghỉ ngay”.

Theo ông Trần Anh Tú, ông vẫn giữ quan điểm chỉ làm TGĐ VPF cho tới lúc tìm được người thay thế, đúng lộ trình đã có từ ban đầu.

Cuối cuộc họp báo, ông Trần Anh Tú chia sẻ, rất tâm tư trước những luồng thông tin nhằm vào cá nhân ông. “Tôi bước chân vào sân chơi bóng đá rất tự nguyện. Tôi là doanh nhân, đến với bóng đá để đóng góp. Tôi nghĩ rằng nếu đã vì bóng đá, thì dù quan điểm khác nhau cũng không nên cản trở nhau”-ông Trần Anh Tú cho biết.

Tên tuổi bầu Tú gắn liền với sự phát triển của phong trào futsal ở Việt Nam, đỉnh cao là tấm vé tham dự VCK World Cup 2016 tại Colombia. Những chỉ trích nhằm vào bầu Tú đặc biệt tăng lên sát với thời điểm đại hội nhiệm kỳ 8 LĐBĐVN (VFF) sắp diễn ra. Ông Trần Anh Tú là một trong những ứng viên cho ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính, hiện do ông bầu Đoàn Nguyên Đức nắm. Bầu Đức là một trong những người phản ứng việc bầu Tú ứng cử vị trí trên.

MỚI - NÓNG