Chủ tịch Ủy ban châu Âu thăm Ukraine lần thứ 2 từ khi xung đột bùng phát

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm nay (11/6) đã đến thăm Ukraine để thảo luận với Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu thăm Ukraine lần thứ 2 từ khi xung đột bùng phát ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4. Ảnh: DW

"Gặp Tổng thống Zelensky, tôi sẽ xem xét các công việc chung cần làm để tái thiết và những tiến bộ mà Ukraine đã đạt được trên lộ trình gia nhập EU", bà Von der Leyen viết trên Twitter khi đến Kiev.

Nữ quan chức nói với nhóm nhà báo đi cùng rằng các cuộc thảo luận sẽ giúp EU đánh giá cụ thể hơn về sự sẵn sàng của Ukraine để được coi là một ứng viên chính thức, từ đó bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập.

Các ủy viên và quan chức EU dự kiến sẽ nghiên cứu về việc cấp tư cách ứng viên cho Ukraine vào tuần tới, trước thềm hội nghị thượng đỉnh ngày 23-24/6.

Đây là chuyến thăm Kiev thứ 2 của bà Von der Leyen kể từ khi xung đột với Nga bùng phát hồi cuối tháng 2.

Trong chuyến thăm trước đó vào ngày 8/4, bà Von der Leyen từng tuyên bố "Ukraine thuộc về gia đình châu Âu". EU đã giúp chuyển vũ khí cho Ukraine thông qua quỹ trị giá 2 tỷ euro, đồng thời cung cấp cho nước này hơn 700 triệu euro viện trợ và hỗ trợ bằng hiện vật kể từ khi xung đột bùng phát. Khối cũng đã áp đặt 6 đợt trừng phạt lên Nga và tiếp nhận gần 5 triệu người tị nạn Ukraine.

Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU hồi tháng 2, và bà Von der Leyen tuyên bố hồi tháng 4 rằng quyết định về việc chính thức trao quy chế ứng viên cho Kiev có thể sẽ được đưa ra trong vòng “vài tuần”.

Nhưng quá trình kết nạp có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng như những gì bà Von der Leyen hy vọng.

Hôm 9/6, bà Olha Stefanishyna, Phó Thủ tướng Ukraine về hội nhập châu Âu cho biết 7 quốc gia đã đề xuất các lựa chọn thay thế cho Ukraine ngoài việc ứng cử vào EU. Những quốc gia này không thuộc Đông Âu hay khối Baltic.

Có 3 quốc gia đặc biệt không ủng hộ việc cấp tư cách ứng viên EU cho Ukraine, bà Stefanishyna nói nhưng không tiết lộ chi tiết.

Cùng ngày, các quan chức giấu tên tiết lộ với Bloomberg rằng trong khi đa số quốc gia thành viên của EU sẵn sàng ủng hộ việc trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine, thì một số nước - bao gồm Đan Mạch - lại phản đối.

Theo nội dung một công hàm mà Bloomberg có được, Đan Mạch nói rằng Ukraine hiện vẫn đang “ở giai đoạn rất sớm” trong việc gia nhập EU. Kiev sẽ cần phải “cải thiện cơ bản khuôn khổ lập pháp và thể chế” trong các lĩnh vực dân chủ, pháp quyền, nhân quyền, bảo vệ cộng đồng thiểu số và chống tham nhũng… trước khi được chính thức coi là một ứng viên.

Một số quốc gia EU đã cảnh báo rằng việc Ukraine trở thành thành viên EU có thể sẽ mất nhiều năm, thậm chí còn rất lâu mới có thể trở thành ứng viên chính thức.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từng cảnh báo rằng việc tạo ra cho Ukraine một "con đường nhanh chóng" để trở thành thành viên - như một số quốc gia Đông Âu và Ireland ủng hộ - sẽ không công bằng đối với các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Montenegro, vốn vẫn là ứng cử viên trong nhiều thập kỷ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987 và được cấp tư cách ứng cử viên vào năm 1999. Nhưng các cuộc đàm phán về tư cách thành viên đã bị đình trệ kể từ đó.

Theo Straitstimes, Reuters
MỚI - NÓNG