Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Làm sao để chỉ còn 'rau một luống, lợn một chuồng'

TPO - "Rau hai luống”, tức là một luống trồng riêng để ăn, một luống trồng để bán. Tương tự, “lợn hai chuồng” là con nuôi để ăn, con nuôi để bán”. Dứt khoát chúng ta phải nắm được, phải làm sao để người dân có trách nhiệm với xã hội để chỉ còn “rau một luống, lợn một chuồng”. 

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với nông dân được tổ chức ngày 29/11.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, giai cấp nông dân cần thích ứng với thời đại. Để tiếp tục phát triển, nông dân phải nghĩ lớn và làm lớn.

"Nông dân Hà Nội sản xuất không chỉ để phục vụ thị trường khoảng 10 triệu dân của Thủ đô, mà còn hướng tới thị trường 100 triệu dân, thị trường toàn cầu", ông Trần Sỹ Thanh nói.

Cũng theo ông Trần Sỹ Thanh, phải làm sao để đến năm 2030, nông nghiệp Hà Nội phải là nông nghiệp sạch. "Sạch ở đây là từ đất, nước đến không khí... chứ ở Hoàng Mai, sông nước như thế, ai dám nói đến rau sạch", ông Thanh nói.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại với nông dân sáng 29/11

Hơn nữa, khi môi trường đã sạch rồi thì rau có sạch được không, hay vẫn là “rau hai luống, lợn hai chuồng”, ông Trần Sỹ Thanh đặt câu hỏi.

Chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh lý giải "rau hai luống”, tức là người dân trồng một luống để ăn, một luống để bán. Tương tự, "lợn hai chuồng” là con nuôi để ăn, con nuôi để bán”.

"Dứt khoát, chúng ta phải nắm được, phải làm sao để người dân có trách nhiệm với xã hội, chỉ còn “rau một luống, lợn một chuồng”, ông Trần Sỹ Thanh, nói.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Hà Nội phải tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu nông sản và làng nghề Hà Nội. Các sản phẩm phải có chứng nhận và xây dựng được thương hiệu “made in Hanoi”.

Chủ tịch UBND thành phố khẳng định thành phố sẽ có kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn cụ thể tạo động lực cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nông dân vươn lên và Nhà nước sẽ đóng vai trò như "bà đỡ".

Tuy nhiên, sự chủ động và trách nhiệm nằm ở chính người nông dân. Do đó, mỗi nông dân, mỗi làng nghề cũng cần có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới.