Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước cho biết, dự báo của các tổ chức quốc tế lớn đều cho rằng năm 2019 - 2020, kinh tế Mỹ cũng như thế giới giảm tốc. Còn kinh tế Việt Nam, các yếu tố nội tại tốt, tiềm năng và biến tiềm năng thành hiện thực cho tăng trưởng kinh tế tốt.
“Quốc hội đặt mục tiêu 6,6-6,8% nhưng nhiều nhà kinh tế đều nhận định có thể còn đạt được mức cao hơn. Trong các nhận định khả quan, các nhà kinh tế cũng cảnh báo tác động của kinh tế thế giới, trong đó có cảnh báo đến tác động của việc FED tăng lãi suất, đến dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, đến cảnh báo về chiến tranh thương mại.”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng lưu ý những yếu tố đang tác động trực tiếp đến TTCK như: Thanh khoản từ tháng 7 đến nay khá thấp. Năm 2017, thanh khoản vào quãng 5.000 tỷ đồng/phiên, năm 2018 giảm nhẹ nhưng cái đáng nói những 5 tháng đầu năm khá lớn và tháng 6 đến giờ giảm, có những phiên giao dịch chỉ còn 3.000 tỷ, dù bình quân giảm không nhiều. Lý do? Theo ông Dũng vẫn không ngoài việc FED tăng lãi suất khiến kinh tế toàn cầu tăng chậm lại và các nhà đầu tư có tâm lý đã đầu tư giữ và không mua bán nữa.
Liên quan đến yếu tố vốn luôn hấp dẫn thị trường là cổ phần hoá DNNN, theo chủ tịch UBCKNN, năm 2018 thị trường chứng kiến cổ phần hoá (CPH) chững lại. Chính phủ cũng đã nhận thấy điều đó và cách đây hơn 1 tháng, thường trực Chính phủ đã đã họp về DNNN đánh giá lại toàn bộ cải cách DNNN. Chủ trương 2019 năm quan trọng phải đẩy mạnh CPH DNNN.
“Chúng ta kỳ vọng gì? Năm 2018 chậm lại cả CPH, thoái vốn vì có những chính sách tương đối chặt liên quan đến định giá DNNN. Chúng tôi cho rằng có những chính sách hiện nay tiếp tục cải tiến tháo gỡ để tiếp tục cải cách DNNN giai đoạn tới và có quyền kỳ vọng 2019 có một loạt DNNN sẽ được CPH và đưa lên sàn. TTCK sẽ có cả chất lượng quy mô vì DNNN lớn sắp tới CPH.”, ông Trần Văn Dũng khẳng định.