Chủ tịch trầm hương Khánh Hòa ATC: Tư duy khác biệt giúp trầm Việt tỏa hương

Trầm hương Khánh Hòa, thương hiệu nổi tiếng trong ngành trầm hương Việt Nam và thâm nhập ngày càng sâu vào nhiều thị trường quốc tế lớn. Có được thành quả đó không thể không kể đến trái tim, khối óc và bản lĩnh của ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Công ty trầm hương Khánh Hòa ATC.

Trầm hương là cây để làm giàu chứ không phải để xóa đói giảm nghèo

Sinh ra ở Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Tưởng đã quen với lam lũ vất vả ruộng đồng ở quê nhà. Lớn lên ông vào quân ngũ, hành quân qua những dải đất miền Trung rồi trở thành cán bộ của Đài tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên như mơ ước thuở thiếu thời.

Những tưởng cuộc đời ông sẽ gắn bó với những tin tức, micro thì chính ở thời điểm này, ông đã "nên duyên" cùng trầm hương. Năm 1997, ở Tây Nguyên có phong trào trồng cây dó bầu (Trầm hương được sinh ra từ cây dó bầu. Trong tác phẩm “Phủ Biên Tạp lục” (1776), nhà bác học Lê Quý Đôn định nghĩa về trầm hương: “Trầm hương là hương trời bay theo gió đáp vào chỗ bị thương của cây dó bầu, lâu dần cây thấm hương trời biến tính thành trầm gọi là linh khí của trời đất”). Khi đó, ông đã đi tìm hiểu và rất ấn tượng với tiềm năng kinh tế của loại cây đặc biệt này.

Chủ tịch trầm hương Khánh Hòa ATC: Tư duy khác biệt giúp trầm Việt tỏa hương ảnh 1

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa ATC.

Càng tìm hiểu, ông càng như bị "thôi miên". Ông nhận ra, trầm hương là một sản vật cực kỳ quý giá mà cả thế giới đều thèm muốn. Trầm hương chỉ có ở 6 quốc gia, nhưng trầm hương Việt Nam là tốt nhất. Tương lai, trầm hương sẽ là nguồn cung cấp quan trọng nhất cho các loại hương liệu thượng hạng trong dược phẩm, nước hoa. Bởi vậy, đây sẽ là cây không phải để xóa đói giảm nghèo, mà là cây để làm giàu.

Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc ông đưa trầm hương ra khỏi "bóng tối". Thời đó, trầm là hàng quốc cấm, buôn bán trầm sẽ bị tịch thu. Chính ông Nguyễn Văn Tưởng đã phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo, viết báo, gặp các yếu nhân của ngành nông nghiệp lúc ấy để thuyết phục đưa trầm hương ra khỏi danh sách hàng quốc cấm.

Nói thì rất đơn giản nhưng đó là cả một hàng trình gian nan và bền bỉ. Cuối cùng, trời không phụ lòng người, trầm hương đã được "lộ diện".

Đã đi sau thì phải ra những sản phẩm tinh tế với cái tâm tử tế

Khánh Hòa được thiên nhiên ban tặng loại cây dó bầu của trầm, hội tụ những tinh hoa, linh khí của trời đất. Bởi vậy, ông đã quyết định gắn bó với mảnh đất này để lập nghiệp. Sau khi thành lập công ty Trầm Hương Khánh Hòa ATC, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng đã đi nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, khai mở thị trường. Sau khoảng 20 năm nung nấu ước mơ và liên tục nỗ lực, ông đã xây dựng thành công doanh nghiệp trầm số một của Việt Nam.

Chủ tịch trầm hương Khánh Hòa ATC: Tư duy khác biệt giúp trầm Việt tỏa hương ảnh 2

Ông Tưởng trong Bảo tàng Trầm Hương

Có được thành quả đó là bởi ông luôn ý thức sâu sắc rằng, chúng ta đang đi chậm hơn so với thế giới. Nếu đã đi sau thì thà làm cái tốt thật còn hơn làm những thứ hào nhoáng bên ngoài.

"Có nhiều doanh nghiệp họ xây nhà rất cao nhưng kiến trúc rất xấu. Tại sao không nghĩ rằng nên làm ngôi nhà đẹp trước khi làm một ngôi nhà to. Cho nên chúng tôi “tư duy” làm Trầm hương Khánh Hòa theo hướng đó, tức là phải tạo ra những sản phẩm thực sự tinh tế một cách tử tế thì mới mong lấy được niềm tin của khách hàng.", ông Nguyễn Văn Tưởng chia sẻ.

Ông cho rằng, một doanh nhân không tử tế sẽ kéo theo hệ lụy về sự sụp đổ niềm tin của khách hàng, của chính những người trẻ đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp. Chính vì vậy, cái tâm tử tế của doanh nhân phải được đặt lên hàng đầu mới có thể tạo ra những giá trị phục vụ cộng đồng.

Cũng chính bởi vậy, thương hiệu Trầm hương Khánh Hòa không chỉ gắn liền với chất lượng của trầm hương mà còn gắn liền với không gian văn hóa của vùng đất trầm. Đó chính là bảo tàng trầm hương với hàng nghìn mẫu vật phẩm, là nhà hát trầm hương - nơi bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc.

Trên tất cả, ông muốn mang đến một nghệ thuật thưởng trầm hoàn toàn khác biệt để mọi người không chỉ là ngửi hương trầm mà còn cảm nhận được linh khí của trời đất hội tụ trong đó.

Thời đại mới đừng kinh doanh theo tinh thần "thương trường là chiến trường"

Trong kinh doanh, ông Nguyễn Văn Tưởng cho rằng tinh thần “thương trường là chiến trường” không còn phù hợp với văn hóa kinh doanh đỉnh cao của nhân loại.

Bởi tinh thần này khó giúp cho doanh nghiệp Việt có bản lĩnh, cảm hóa người khác có sự hứng thú với hàng hóa của mình.

Chủ tịch trầm hương Khánh Hòa ATC: Tư duy khác biệt giúp trầm Việt tỏa hương ảnh 3

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh - Đại sứ Trầm Hương làm lễ dâng trầm ở tháp bà Ponagar năm 2019

"Đây là kinh nghiệm của chúng tôi khi làm ra sản phẩm Trầm Hương Khánh Hòa - phải là sản phẩm khiến người tiêu dùng không những thích mà còn yêu", ông Tưởng cho hay.

Bên cạnh đó, nhận thức “thương trường là chiến trường” đã khiến cho nhiều doanh nhân làm hàng giả hàng nhái, “bóp chết” nhiều doanh nhân tử tế. Vì chiến trường là một mất một còn, khác hẳn với tư duy tất cả mọi người cùng thắng.

Cùng với tư tưởng kinh doanh tiến bộ, ông luôn có khát khao hướng ra biển lớn, hướng trầm hương chinh phục thị trường nước ngoài. Cũng chính bởi vậy, những sản phẩm từ trầm hương từ công ty ông đều đạt giá trị thẩm mỹ cao nhất với sự tinh xảo, tinh tế trong từng đường nét. Sản phẩm cũng được đề cao tính tiện dụng, được chuẩn hóa kích thước, bao bì, màu sắc để có mặt trên nhiều kệ hàng sang trọng của thế giới.

"Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng trầm hương không chỉ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là sản vật độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách đến với Việt Nam để không chỉ được "ăn ngon mặc đẹp" mà còn được ngửi mùi trầm thơm. Linh khí trầm hương giúp cho tâm hồn con người thư thái, lắng dịu để tạo nên giá trị chân, thiện, mỹ”, ông chia sẻ về tâm huyết của mình.

Với những đóng góp to lớn cho ngành trầm hương Việt Nam, năm 2019, ông Nguyễn Văn Tưởng vinh dự là người tham dự diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới. Đây là niềm tự hào, cũng là quả ngọt cho những cố gắng không ngừng nghỉ nhằm phục hưng ngành trầm hương nước nhà của ông.

MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.