Chủ tịch TPHCM nói về quy hoạch 'treo' Bình Qưới- Thanh Đa

Chủ tịch TPHCM nói về quy hoạch 'treo' Bình Qưới- Thanh Đa
TPO - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã thấy bức xúc của bà con khi ông còn là ĐBQH ở quận Bình Thạnh; vì vậy, khi trở thành Chủ tịch UBND TPHCM, việc đầu tiên là ông làm việc với các cơ quan chức năng và nhà đầu tư

Chiều 11/7, kỳ họp thứ 9 đã dành thời gian để các đại biểu thảo luận về kết quả giám sát của thường trực HĐND TPHCM về quản lý, sử dụng tài nguyên đất trên địa bàn TPHCM.

Theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, TPHCM cần kiên quyết hơn nữa trong xử lý dự án treo. Ông Khuê dẫn chứng: Cử tri quận Bình Thạnh nhiều năm nay kiến nghị sớm xem xét giải quyết dự án treo Bình Qưới – Thanh Đa.

Chủ tịch TPHCM nói về quy hoạch 'treo' Bình Qưới- Thanh Đa ảnh 1 Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê

“Tôi đi khảo sát, dân cư đông nhưng nhà cửa không xây dựng được, đường giao thông, khu dân cư xuống cấp, ngập lụt, ô nhiễm, mầm bệnh…. 20 năm, một khoảng thời gian quá dài. TPHCM có kêu gọi đầu tư nhưng nói thật đã quá sức chịu đựng của người dân”, ông Khuê bức xúc.

Đại biểu này nói thêm: Đến Thanh Đa, thấy không khác gì vùng hoang hóa dù cách trung tâm thành phố không xa. Tôi gặp một thanh niên 25 tuổi, đã lập gia đình. Hồi bán đảo đươc quy hoạch, cậu ấy mới sinh ra. So với bây giờ nhà cửa không thay đổi. Nói thật, nhiều nơi còn tệ hơn khu tạm cư của người dân Thủ Thiêm.

Sau ý kiến của ông Khuê, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bất ngờ giơ tay xin trả lời dù nhiệm vụ này là của lãnh đạo các sở ban ngành.

Ông Nguyễn Thành Phong nói: Về dự án bán đảo Thanh Đa, tôi xin chia sẻ khó khăn với người dân trong vùng dự án. Khi còn là đại biểu QH, tôi đã nghe ý kiến bức xúc của bà con và việc đầu tiên sau khi nhậm chức là ông đã hỏi các cơ quan chức năng và mời nhà đầu tư dự án lên làm việc. “Trước đó có những trục trặc. Tôi yêu cầu nhà đầu tư cam kết, nếu không thực hiện sẽ thu hồi và họ đã cam kết”, ông Phong cho hay.

Chủ tịch TPHCM nói về quy hoạch 'treo' Bình Qưới- Thanh Đa ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết dự án trước kia được đăng ký thực hiện bởi liên danh gồm một doanh nghiệp (DN) trong nước và một DN nước ngoài. Tuy nhiên, do không thuận thảo nên sau đó DN nước ngoài rút lui. DN trong nước cam kết triển khai.

Trách nhiệm của các ngành là thẩm định năng lực của nhà đầu tư dự án xem có đảm bảo, quy trình phải chặt chẽ. Ngoài ra, trước đây Thủ tướng cho liên danh làm, nay liên danh đổ vỡ thì phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.

“Thủ tục kéo dài như thế. UBND TPHCM đã báo cáo thường trục thành ủy xin chủ trương. Tôi cam kết sẽ làm nhanh. Triển khai được hay không phải rõ ràng. Người dân đã chịu khổ 20 năm rồi. Các sở ngành thử đặt mình vào trường hợp người dân trong vùng dự án khi dự án kéo dài. Cái này có trách nhiệm của các cơ quan chính quyền”, ông Phong thừa nhận.

Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai được.

Chủ tịch TPHCM nói về quy hoạch 'treo' Bình Qưới- Thanh Đa ảnh 3 Phạm vi quy hoạch Bình Qưới - Thanh Đa gồm 2 phường 27 và 28 quận Bình Thạnh

Đến năm 2010, chính quyền thành phố thu hồi quyết định. Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28, quận Bình Thạnh. Hiện chỉ có cầu Kinh Thanh Đa là lối vào bán đảo bằng đường bộ duy nhất ngoài bến phà nhỏ Bình Quới.

Sau hơn 20 năm phê duyệt, bán đảo này vẫn là một vùng đầm lầy đúng nghĩa trong khi bên kia bờ sông là biệt thự và cao ốc của khu “nhà giàu” Thảo Điền mà cư dân ở đây vẫn thấy hàng ngày.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Khu đô thị sinh thái Thanh Đa - Bình Quới rộng 426 ha sẽ là khu đô thị với đầy đủ chức năng dành cho dân số khoảng 41.000-50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận. Nơi đây sẽ là Khu đô thị mới quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.

Mới đây đơn vị liên doanh với Bitexco đã rút khỏi liên doanh và việc xem xét chủ đầu tư phải làm lại từ đầu. Như vậy, một lần nữa dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa lại chưa có chủ đầu tư chính thức và người dân tiếp tục chờ đợi sau 26 năm bị treo.

MỚI - NÓNG