Chủ tịch TPHCM: Cách mạng 4.0 không chấp nhận cán bộ 0.4

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cho chủ tịch phường tiêu biểu
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cho chủ tịch phường tiêu biểu
TPO - Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM đang tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 nên không chấp nhận những cán bộ công chức có trình độ, năng lực quản lý nhà nước yếu kém, lạc hậu.

Chiều 29/1, thường trực UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ chủ tịch UBND 322 phường, xã, thị trấn trực thuộc. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho hay TPHCM có dân số đăng ký thường trú trên 8 triệu người nhưng số người đang sinh sống, học tập và làm việc là trên 13 triệu dân.

Trong 322 phường xã, thị trấn, TPHCM có 255 phường xã thị trấn loại 1, 33 phường xã loại 2 và 4 phường loại 3. Phường loại 1 có 2 phó chủ tịch, loại 2 và 3 chỉ có 1 phó chủ tịch UBND. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp phường xã là 13.330 người, trong đó có 340 người có trình độ thạc sỹ. Có 71/322 chủ tịch UBND phường xã thị trấn là nữ (chiếm trên 22%). 

Nhiều phường xã có những mô hình phục vụ hiệu quả, điển hình như tiếp nhận giải quyết hồ sơ ngoài giờ hành chính (các phường Bến Thành (quận 1), Linh Xuân, Linh Trung (quận Thủ Đức); dịch vụ công trực tuyến (các phường Tân Định, Đa Kao-quận 1); đường dây nóng (phường Hiệp Bình Chánh – quận Thủ Đức); hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính tại nhà (phường Bình An - quận 2).

Tuy nhiên, ông Lắm cũng chỉ ra một số hạn chế như nhiều nơi có tốc độ đô thị hóa cao, quản lý nhà nước thiếu quyết liệt, còn để xảy ra sai phạm; cán bộ choàng gánh nhiều công việc khác nhau nên tiến độ giải quyết công việc còn chậm so với yêu cầu.

Theo ông Lê Tiến Sỹ, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Tân Định (quận 1), tring năm 2019, TPHCM cần đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giai quyết hồ sơ, thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), dịch vụ công cấp độ 3 và 4 nhằm xóa bỏ cơ chế xin - cho, nạn nhũng nhiễu của cán bộ công chức.

Chủ tịch UBND phường 5, quận 3 Trần Khánh Linh cho biết địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho người dân không có điều kiện, thời gian đến làm thủ tục trong giờ hành chính 2 ngày/tuần, từ 17h – 18h và được người dân đánh giá cao nhưng cá nhân ông cảm thấy vẫn chưa đáp ứng yêu cầu vì thời lượng 1 tiếng là còn ngắn.

“Năm 2019, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện và mở rộng thời gian giải quyết thủ tục ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu người dân. Phường sẽ sử dụng nhắn tin thông báo mời dân đến nhận hồ sơ, thủ tục, phục vụ người dân trên tinh thần cầu thị.

Còn ông Nguyễn Bá Trường, Chủ tịch UBND xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) cho biết là một xã ven biển, Long Hòa thường xuyên đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới. Trong khi đó hạ tầng viễn thông còn thiếu nên việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ vui mừng trước đội ngũ lãnh đạo cấp phường xã ngày càng trẻ hóa, được đào tạo bài bản hơn và đã thể hiện bản lĩnh, tự tin, khát khao vì sự phát triển của TPHCM.

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ chuyển danh sách 24 chủ tịch phường xã tiêu biểu được UBND TPHCM tuyên dương cho Ban tổ chức Thành ủy để phục vụ công tác quy hoạch cán bộ nguồn.

Theo ông Phong, nhiều lãnh đạo trong thường trực UBND TPHCM trưởng thành từ chủ tịch UBND phường, xã.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Nội vụ rà soát lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo các phường xã và nếu ai thiếu kiến thức về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước thì TPHCM sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc gửi đi đào tạo kiến thức quản lý nhà nước một cách bài bản.

“Chúng ta đang tiếp cận cuộc cách mạng 4.0, không thể có những con người 0.4 nên cần phải bồi dưỡng kiến thức phục vụ công tác quản lý nhà nước”, ông Phong nhấn mạnh. 

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết trong năm 2019, TPHCM sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), sắp xếp lại bộ máy đến từng tổ dân phố và có biện pháp đánh giá cụ thể, đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp vào công tác phục vụ của từng cơ quan, đơn vị.

“Phải đề cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu. Nơi nào người đứng đầu quan tâm đến CCHC, nơi đó có sự chuyển động”, ông Nguyễn Thành Phong nêu rõ.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.