Nhận trách nhiệm trên cương vị người đứng đầu tập đoàn
Chiều 19/3, sau gần nửa buổi cách ly, bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) được cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải lên bục khai báo.
Trả lời xét hỏi, bị cáo Dũng thừa nhận cá nhân ông là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu.
Trong hơn 15 phút trình bày, ông cho hay từ năm 2021, các dự án của Công ty Tân Hoàng Minh ngày càng mở rộng và cần nhiều tiền, trong khi vay mượn tài chính gặp khó khăn.
“Với kinh nghiệm 30 năm điều hành doanh nghiệp, tôi nghĩ việc phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả nên đã thực hiện”, ông Dũng nói.
Theo bị cáo, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của công ty, ông chỉ đề ra chủ trương, còn chi tiết phát hành thế nào đều do con trai cùng cấp dưới thực hiện.
Quá trình phát hành trái phiếu, ông Đỗ Anh Dũng thừa nhận biết thuộc cấp chạy dòng tiền "ảo" để mua lại các gói trái phiếu.
“Sai phạm trong vụ án này có trách nhiệm của bị cáo không?”, Chủ tọa hỏi. Ông Đỗ Anh Dũng khẳng định với vai trò là Chủ tịch, Tổng giám đốc, người có quyền quyết định mọi hoạt động của công ty, ông Dũng xin nhận trách nhiệm.
“Bị cáo thấy thế nào về cáo trạng buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?” Chủ tọa hỏi thêm. Ông Đỗ Anh Dũng cho rằng, từ khi phát hành trái phiếu, cá nhân ông chưa bao giờ nảy sinh ý đồ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư mà chỉ nghĩ đây là việc huy động vốn.
Liên quan đến số tiền nhà đầu tư đã mua trái phiếu, ông Đỗ Anh Dũng cho hay, khi bị cơ quan điều tra khởi tố, ở trong trại giam dù bối cảnh khó khăn, chỉ được gặp gia đình hai lần nhưng đã tác động nộp khắc phục 8.643 tỷ đồng vào kho bạc Nhà nước và có "nộp thừa một chút".
Bị cáo Đỗ Anh Dũng tại phiên tòa. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
Trong cáo trạng, Viện kiểm sát cáo buộc ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật Tân Hoàng Minh) là người điều hành, chỉ đạo, quyết định cao nhất đối với các hoạt động kinh tế tại công ty và hệ thống công ty thuộc Tập đoàn.
Quá trình vận hành doanh nghiệp, ông Dũng chỉ đạo bị cáo Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng tài chính) tìm nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, đầu tư của thông qua việc phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn, từ đó, chiếm đoạt của 6.630 bị hại số tiền 8.643 tỷ đồng.
Theo Viện kiểm sát, trong vụ án, ông Dũng đồng ý, phê duyệt cho triển khai thực hiện một số nội dung như: Lựa chọn công ty thuộc Tập đoàn phát hành trái phiếu, giá trị dự kiến phát hành, tài sản đảm bảo, lãi suất, sử dụng Công ty Tân Hoàng Minh mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín, thương hiệu bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư thứ cấp.
Bên cạnh đó, ông còn thành lập Trung tâm kinh doanh trái phiếu thuộc Tân Hoàng Minh và giao con trai chỉ đạo, điều hành việc bán trái phiếu; ủy quyền cho bị cáo Lê Văn Thịnh (Phó Tổng Giám đốc) và 21 cá nhân tại Tân Hoàng Minh ký hợp đồng, thủ tục bán trái phiếu, huy động tiền của người mua. Hàng ngày, số liệu thu - chi từ việc phát hành trái phiếu đều được báo cáo cho Đỗ Anh Dũng.
Lãnh đạo Công ty kiểm toán khai báo quanh co
Tại phiên tòa chiều nay, khi trả lời xét hỏi, các bị cáo: Bùi Thị Ngọc Lân (nguyên Giám đốc Công ty kiểm toán Nam Việt Chi nhánh phía Bắc); Phan Anh Hùng (nguyên Phó Giám đốc Công ty CPA Hà Nội Chi nhánh Sài Gòn); Nguyễn Thị Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội) đều thừa nhận có bàn bạc, thống nhất với nhóm nhân viên của Tân Hoàng Minh "hợp thức" số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành trái phiếu.
Riêng bị cáo Lê Văn Dò (Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội) ban đầu khai báo quanh co khiến chủ tọa nhiều lần nhắc nhở. Tuy nhiên, ở cuối phần trả lời, ông Dò thừa nhận có phân công anh em làm mà không kiểm soát.
“Hành vi của bị cáo rất thiếu trách nhiệm, sai phạm này dẫn đến hậu quả lớn, bị cáo thật sự ân hận”, ông Dò nói.