'Chủ tịch rác' tên... Thơm

Ông Tống Văn Thơm với chiếc xe "hành hiệp trượng nghĩa" mỗi ngày. Ảnh: Ngô Tùng
Ông Tống Văn Thơm với chiếc xe "hành hiệp trượng nghĩa" mỗi ngày. Ảnh: Ngô Tùng
TP - Ngày ngày, ông Thơm miệt mài rong ruổi các ngõ hẻm góc phố để cùng anh em trong nghiệp đoàn thu gom rác. Hàng ngàn vật phẩm tái chế được làm từ những món đồ người ta bỏ đi.

Hết bận rộn với rác, ông lại ứng trực tại các giao lộ thường xảy ra tai nạn để sẵn sàng cứu người gặp nguy… Đó là những việc làm “thấm vào máu” ông Tống Văn Thơm (70 tuổi, Quận 12, TPHCM) suốt mấy mươi năm qua.

5.000 món đồ tái chế

Sau một hồi rảo quanh các ngóc ngách để cùng anh em trong Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập quận 5 thu gom rác sinh hoạt từ đầu giờ sáng, ông Thơm dừng chân nghỉ ngơi một lát trước khi tiếp tục công việc thường nhật.

Nhấp ly nước giải khát, ông Thơm kể cho chúng tôi về những ngày gian khó năm xưa. Thuở mới giải phóng, nhà nước chưa thực hiện thu gom rác cho người dân như bây giờ, do đó rác sinh hoạt càng ngày càng tập trung nhiều. Khu chợ Hòa Bình (Quận 5) hình thành một đống rác to gây ô nhiễm. Ông Thơm tiên phong cùng bà con ra sức thu dọn. Dần dà, nghề xử lý rác gắn với ông.

Ngày đó, đời sống kinh tế thấp nên công việc nhận thu gom, vận chuyển rác của ông chỉ được trả lương tính bằng xu mỗi tháng. Thấy ông làm được, nhiều người lại cậy nhờ ông nhưng một mình làm không xuể. “Lúc ấy, ở các vùng quê mới giải phóng người dân không có việc làm, đời sống khó khăn, nên tôi tìm về huy động họ tham gia đường rác (đội thu gom rác - PV) với mình. Giờ đây nhiều người là anh em, con cháu của họ cũng đang làm việc cùng tôi”, ông Thơm nói về đội ngũ của mình.

Năm 2003, từ hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Enda Việt Nam, Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập Quận 5 được thành lập. Với cương vị chủ tịch nghiệp đoàn, ông Thơm dẫn dắt, điều phối hàng trăm anh em làm việc tại 15 phường của quận. Cái tên thân thương “chủ tịch rác thải” gắn với ông từ dạo ấy.

Cũng từ việc “tiếp xúc” với rác như chân với tay, ông Thơm vẫn thường thu nhặt được nhiều đồ vật do người ta vứt đi. Phần lớn chúng chỉ cần được sửa sang, tái tạo lại là xài tốt. Với tinh thần “cũ người mới ta”, ông đưa những đồ đạc kiểu “chỉ hở keo nhưng vẫn còn dùng tốt” đó về nhà và sửa sang, lên đời cho chúng. Dù là cái khung kính, chiếc bóng đèn, tivi, đầu đĩa cũ, ông đều có thể “hô biến” thành những vật dụng hữu ích với những công năng, tác dụng mới. Chỉ học đến lớp 3, nhưng chịu học hỏi, mày mò sáng tạo, ông kiên trì làm cho bằng được mới thôi. Những sản phẩm ra đời từ bàn tay sáng chế của ông không chỉ trở thành món quà ủng hộ, chia sẻ với người khác trong các chuyến từ thiện, chúng còn xuất hiện trong một số cuộc triển lãm về môi trường tại TPHCM để lan tỏa thông điệp chống rác thải nhựa, độc hại, bảo vệ môi trường sống.

Ông Thơm cho biết, trong hơn 30 năm qua, ông đã tích cóp được một bộ sưu tập đồ tái chế “không thiếu thứ gì” với khoảng 5.000 món bằng nhiều chất liệu. Trong số đó có cả đồ vật tuổi đời cả trăm năm, hoặc trên thị trường không có cái thứ hai, chẳng hạn như cái máy hát được chế từ vỏ ngư lôi Mỹ. “Dù có hàng ngàn món đồ xếp chật nhà, tôi cũng chỉ bán cho những người biết tôn trọng nó, chứ không bán cho những người mua đi bán lại. Mỗi một món đồ làm ra đều là công sức, là ý tưởng, không hề đơn giản”, ông Thơm nói.

Ngoài công việc chính hàng ngày, ông Thơm còn được mời tham gia dạy làm đồ tái chế cho các em học sinh ở Quận 9, TPHCM.

'Chủ tịch rác' tên... Thơm ảnh 1 Ở tuổi 70, ông Thơm vẫn làm những việc ông cho là đã “thấm vào máu, ở nhà không chịu được”

Cứu người

Sau những giờ “quây quần” với rác, ông Thơm lại túc trực tại những điểm hẹn quen thuộc như Ngã 6 Phù Đổng, Ngã 6 Dân Chủ (quận 3), Công viên Gia Định (quận Gò Vấp) để sẵn sàng giúp đỡ người đi đường không may gặp tai nạn bất ngờ.

Chỉ vào vết tích còn in hằn trên người trong một lần đi lấy rác, ông Thơm cho biết đó là khởi nguồn của việc làm từ thiện. “Lúc đó tôi bất cẩn bị xe lấy rác làm bị thương, nhưng không có ai giúp nên tự mình dùng vải quần băng bó cầm máu. Từ sự vụ của bản thân, tôi mới suy nghĩ rằng trước giờ mình làm được nhiều thứ rồi, giờ sao không thể tạo thêm cái thùng cứu thương di động mang theo để có thể giúp người gặp nạn trong những lúc cấp bách”, ông Thơm nói về thùng cứu thương theo ông ngót 20 năm qua.

Trên chiếc xe máy đi lại hàng ngày, ông Thơm gắn lên yên chiếc thùng sơ cứu chứa bông băng và những loại thuốc căn bản để có thể nhanh chóng trị thương trong những lúc cấp bách ngoài đường. Không chỉ thế, chiếc xe của ông còn đặc biệt ở chỗ tích hợp cả còi báo động, camera an ninh… hoạt động bằng thiết bị năng lượng mặt trời do ông thiết kế. 

Bằng những kiến thức, kinh nghiệm cứu thương căn bản đã được tích lũy trong môi trường quân đội ngày trước, ông ra tay sơ cứu người đi đường bị gãy tay, gãy chân hoặc bị va chạm nhẹ. Trường hợp nặng thì ông sẽ gọi lực lượng chức năng đến hỗ trợ.

“Những ngày đầu làm việc này tôi gặp phải mấy lần “làm ơn mắc oán”, nhưng về sau mình rút kinh nghiệm để người ta không hiểu lầm nữa và giúp được nhiều người hơn”, ông Thơm cho biết.

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” đáng ra đã có thể nghỉ ngơi, vui thú cùng con cháu sau nhiều năm lăn lộn, ông Thơm vẫn hăng say với những việc làm mà ông cho là đã “thấm vào máu, ở nhà không chịu được”.

Ông Thơm cho biết, trong hơn 30 năm qua, ông đã tích cóp được một bộ sưu tập đồ tái chế “không thiếu thứ gì” với khoảng 5.000 món bằng nhiều chất liệu. Trong số đó có cả đồ vật tuổi đời cả trăm năm, hoặc trên thị trường không có cái thứ hai, chẳng hạn như cái máy hát được chế từ vỏ ngư lôi Mỹ. 


MỚI - NÓNG