Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ cảm xúc khi lần thứ hai tuyên thệ

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi gặp mặt báo chí. Ảnh PV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi gặp mặt báo chí. Ảnh PV
TPO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch, trước 500 đại biểu cùng nhiều quan khách, thực sự thấy rất vinh dự, tự hào, rất xúc động, thiêng liêng.

Chiều 22/7, Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gặp mặt các cơ quan báo chí sau khi bộ máy nhân sự khối Quốc hội được kiện toàn. Nhiều câu hỏi được các cơ quan báo chí đặt ra cho Chủ tịch và các Uỷ viên lần đầu được bầu vào Quốc hội.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất lượng của đại biểu nói chung, đặc biệt với đại biểu chuyên trách là nhân tố quyết định, vì thế, đại biểu Quốc hội luôn được coi là trung tâm.

Dù đã trải qua ba khoá, nhưng Chủ tịch Quốc hội cho biết, ông vẫn thấy rất vinh dự, tự hào khi được tín nhiệm bầu làm đại biểu và được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

"Tôi đã tham gia Quốc hội đến khóa thứ 3, tôi hiểu cảm giác của những người lần đầu bước chân vào Quốc hội, thấy rất vinh dự, tự hào nhưng cũng áp lực về trách nhiệm to lớn của mình", ông Vương Đình Huệ bày tỏ.

Đặc biệt, dù là lần thứ hai, nhưng Chủ tịch Quốc hội vẫn thấy cảm xúc rất dâng trào, xúc động, thiêng liêng khi lần thứ hai tuyên thệ nhậm chức.

Đề cập đến các lĩnh vực trọng tâm hướng tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước hết phải nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, gắn trách nhiệm từng cơ quan, nhất là người đứng đầu. Mục tiêu là xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có tuổi thọ lâu dài và có tính khả thi cao, khắc phục cho được tình trạng “luật khung, luật ống”.

Về hoạt động giám sát, theo Chủ tịch Quốc hội, đổi mới giám sát là một khâu then chốt, lựa chọn được vấn đề trúng, đúng, những vấn đề quốc kế dân sinh để giám sát. Đồng thời giám sát có trọng tâm, trọng điểm, truy đến cùng vấn đề, và giám sát ngay cả việc thực hiện các kiến nghị giám sát.

Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ đổi mới hình thức và nội dung chất vấn, tăng chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tăng hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội.

Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngoài 499 đại biểu, chủ trương của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là sẽ huy động tối đa đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học…

Theo Chủ tịch Quốc hội, phải huy động trí tuệ của toàn dân cho hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, chứ không phải chỉ có 499 đại biểu.

Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận nhiệm vụ mới, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh chia sẻ, cá nhân ông thấy “rất phấn khởi, tự hào và vui vẻ”.

Ông Tới cho biết, bản thân có nhiều thuận lợi khi đã công tác trong ngành công an hơn 30 năm, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, đồng thời cũng là đại biểu Quốc hội khoá XIV. Điều này sẽ giúp ông tiếp cận với công việc mới thuận lợi hơn.

Cùng chia sẻ với phóng viên, tân Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm thấy “xúc động, vinh dự và trách nhiệm” khi được nhận nhiệm vụ mới.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.