Ban tổ chức cho biết, dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Lộ Vòng Cung Cần Thơ” nhằm mục tiêu tái hiện lịch sử khách quan, trung thực, hào hùng của quân dân thành phố Cần Thơ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Tết Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Công trình tọa lạc tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, cạnh Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Dự án có tổng quy mô diện tích gần 65.000m2, gồm có đền chính và các hạng mục cổng đền, bia di tích, sân, đường bội bộ cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ…
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 99,6 tỷ đồng do Tập đoàn Vingroup tài trợ và thực hiện, thời gian thực hiện dự kiến năm 2019 đến 2020.
Lộ Vòng Cung có từ thời kháng chiến chống Pháp, là tuyến đường chạy dọc theo bờ sông Cần Thơ hình cánh cung bao quanh gần trọn nội ô thành phố Cần Thơ, bắt đầu từ cầu Cái Răng, đi qua các phường, xã của quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền và quận Ô Môn.
Đây chính là vành đai phòng thủ của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn cố giữ để bảo vệ cơ quan đầu não vùng 4 chiến thuật và tiểu khu Phong Dinh đóng tại thành phố Cần Thơ. Địch đã đóng hàng trăm đồn bốt, sử dụng không quân, pháo binh, kể cả máy bay ném bom, thậm chí còn rải chất độc hóa học, thực hiện “vùng lộ trắng”…
Nơi đây, Quân khu 9 và Tỉnh ủy Cần Thơ đã chọn làm điểm tập kết lực lượng, làm bàn đạp tiến công vào thành phố Cần Thơ và các mục tiêu quân sự trọng yếu của địch như Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 (vùng 4 chiến thuật), sân bay Trà Nóc, căn cứ hải quân…
Lộ Vòng Cung là địa bàn trọng yếu, tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. “Vòng Cung đi dễ khó về. Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom” - hai câu thơ đã khái quát cho sự đánh phá ác liệt đó.
Năm 2013, Bộ VH-TT&DL đã xếp hạng di tích “Địa điểm chuyển quân, trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ” là di tích lịch sử cấp quốc gia.