Chiều tối 12/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có cuộc gặp mặt đoàn đại biểu của Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và vinh danh các thương hiệu mạnh Việt Nam.
Ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, không chỉ là doanh nghiệp trong nước mà còn cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Quốc hội đã từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho sự gia nhập thị trường, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh, cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường, bảo đảm giao kết hợp đồng, xây dựng cơ chế rút lui khỏi thị trường thuận tiện và giải quyết tranh chấp có hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp từng bước lớn mạnh cả về số lượng, quy mô lẫn chất lượng, đóng góp to lớn vào những thành tựu phát triển của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, nhiều doanh nhân thành đạt với nhiều thương hiệu mạnh, hội nhập quốc tế, tham gia tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo thích ứng với điều kiện khó khăn, vượt qua những thách thức do đại dịch mang lại. Trong bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn không quên trách nhiệm với cộng đồng xã hội, chung tay cùng các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và vinh danh các thương hiệu mạnh Việt Nam được duy trì gần 20 năm qua. Đây là nơi hội tụ của các doanh nghiệp cả nước, cùng trao đổi kinh nghiệm, hợp tác sản xuất, kinh doanh, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp và hiến kế của doanh nghiệp, doanh nhân cũng như giới chuyên gia kinh tế tới các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương.
Hoan nghênh ý kiến của Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng và ý kiến của các lãnh đạo doanh nghiệp tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp nhằm kịp thời khắc phục tác động của dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại, từng bước tái thiết và khôi phục kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng |
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, cần quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp nhằm kịp thời khắc phục tác động của dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại, từng bước tái thiết và khôi phục kinh tế. Về phía Nhà nước, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đã ban hành, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong tuần này sẽ làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số cơ quan liên quan rà soát lại dư địa của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để nghiên cứu, xây dựng gói hỗ trợ tái thiết kinh tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cùng với những thách thức, đại dịch COVID-19 đang mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển, các doanh nhân, doanh nghiệp cần tham gia tích cực, tạo đột phá trong thị trường khoa học, công nghệ, trong đó, các doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp xây dựng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh, tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, nuôi dưỡng hoài bão lớn và khát vọng vươn lên để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Với tinh thần và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, “cái khó ló cái khôn”, sẽ xuất hiện những cách làm mới, nỗ lực lớn để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để giành thắng lợi.
Tại cuộc gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp đề nghị Quốc hội, Chính phủ tạo khuôn khổ hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi số quốc gia; cần có chính sách hỗ trợ về việc tạo ra các chuỗi cung ứng, phát triển xu thế offline lên online cho các doanh nghiệp; giảm thuế... Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Quốc hội trong việc thực thi chính sách, nhằm đảm bảo sự phù hợp và hiệu quả của các chính sách, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, người lao động, tái phục hồi sản xuất, kinh doanh…