Sáng 12/12, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng thực hiện chỉ thị 23 của Thành ủy về tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM.
Tham dự có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thường trưc Thành ủy Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, lãnh đạo các sở ban ngành và 24 quận huyện.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Tân Bình Châu Văn La cho biết trước khi Thành ủy ban hành chỉ thị 23, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng tại quận Tân Bình có 3 dạng.
Đó là: Chủ đầu tư chung cư xây dựng sai giấy phép với 2 trường hợp. Nhà riêng lẻ sau khi hoàn công tiếp tục cơi nới và xây dựng thêm để kinh doanh và dạng thứ ba là nhà xây không phép với hơn 100 công trình xây dựng không phép tại khu đất công ở phường 6 (vườn rau Lộc Hưng).
Ông Châu Văn La cho biết để đảm bảo an ninh trật tự, ngăn tình trạng tái chiếm tại khu đất này, hàng ngày, quận phải huy động từ 80 -100 người thường xuyên túc trực. Những ngày cao điểm, phường huy động hàng trăm người để kịp thời tuyên truyền, vận động người dân.
“Đến nay, khu đất này không xảy ra tình trạng tái chiếm dù có nhiều thông tin tuyên truyền, kích động không đúng trên mạng”, ông La cho biết.
Lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho biết để triển khai 23, quận đã rà soát lại chức năng các cơ quan đơn vị được giao để quy trách nhiệm, đồng thời duy trì họp giao ban hàng tháng giữa quận và các phường về trật tự xây dựng.
Đối với 2 chung cư vi phạm về xây dựng, quận Tân Bình đã vận động chủ đầu tư tháo gỡ hơn 90% vi phạm. Phần diện tích còn lại đang tiếp tục xem xét nhưng cần cẩn trọng vì có thể ảnh hưởng đến an toàn của công trình.
“Quận đã tổng rà soát các dạng vi phạm, quy trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó trực tiếp phụ trách. Địa bàn nào ít người thì tuyển dụng thêm cộng tác viên”, Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết.
Ông Châu Văn La cho biết do lực lượng chức năng quá mỏng nên quận Tân Bình đã có kế hoạch tuyển dụng 30 cộng tác viên để kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng vi phạm nhưng chỉ tuyển được 19 người do lương còn quá thấp. Mức hỗ trợ hiện nay đối với cộng tác viên là 80 nghìn đồng/ngày.
Vì vậy, tại hội nghị, lãnh đạo quận Tân Bình kiến nghị UBND TPHCM tăng mức hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu là hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch UBND quận 4 Trần Hoàng Quân cho biết mật độ dân cư trên địa bàn quận thuộc diện cao nhất của TPHCM với khoảng 41.000 người/km2, có phường lên tới trên 50.000 người/km2. Trong khi đó, nhà có diện tích dưới 21 m2 chiếm trên 70%. Các trường hợp xây dựng không phép, sai phép thường rơi nhóm này. Năm 2018, quận xảy ra 18 vụ và trong năm 2019 là 13 vụ (giảm 30%).
Theo Chủ tịch UBND quận 4, quy định hiện nay không cấp phép xây dựng đối với nhà ở có diện tích dưới 15 m2. Các hộ dânchỉ được phép sửa chữa, chống dột, trong khi nhu cầu về nhà ở là rất bức thiết. Vì vậy, trong thời gian qua, quận linh động giải quyết cho người dân xây quy mô 1 trệt 1 lầu và được người dân rất đồng tình, ủng hộ.
“Tuy nhiên, nếu thành phố kiểm tra thì quận đang làm không đúng. Quận kiến nghị thành phố cho hợp khối để cấp phép đối với nhà ở có diện tích nhỏ nhưng mật độ dân cư lớn. Đề nghị cho quận có nhà nhỏ nhiều cơ chế về kiến trúc đô thị”, ông Quân nói.
Theo ông Trần Hoảng Quân, để hạn chế vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, quận tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xin phép xây dựng. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo, người dân không phải tốn kém chi phí vẽ sơ đồ (bản vẽ) về quy mô cấp phép mà quận hỗ trợ kinh phí để khuyến khích người dân xin phép xây dựng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, việc không giải quyết cấp phép đối với nhà ở dưới 15 m2 đang là bức xúc của người dân, TPHCM không thể giải quyết vì vướng quy định. Vì vậy, Sở Xây dựng cần nghiên cứu để đưa ra cách làm vì thực tế nếu không giải quyết thì dân vẫn làm và vi phạm.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, thực hiện chỉ thị 23, UBND TPHCM ban hành kế hoạch 3333. Qua 3 tháng triển khai thực hiện, số vụ vi phạm trên địa bàn đã giảm 46% so với cùng kỳ.
Đối với các công trình sai phép, ông Võ Văn Hoan khẳng định TPHCM sẽ kiên quyết xử lý đối với đầu nậu, chủ đầu tư, nà thầu, tư vấn giám sát,...
"Người dân thì còn xem xét chứ các đầu nậu, chủ đầu tư, nhà thầu... thì phải kiên quyết xử lý vi phạm, kể cả việc ngừng cấp điện và cấp nước. TPHCM không nhân nhượng đối với các đầu nậu vì chính các đối tượng này tạo ra tâm lý lây lan và gây nhờn luật", ông Hoan nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết chỉ thị 23 của thành ủy và kế hoạch 3333 của UBND TPHCM đã triển khai đến từng phường xã, quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên. Từng cán bộ, đảng viên, nhân viên, người lao động các cơ quan nhà nước ký cam kết không vi phạm trật tự xây dựng.
TPHCM kiên quyết xử lý các cá nhân được giao quản lý nhưng buông lỏng, tiếp tay cho các hành vi vi phạm xây dựng.
Đối với công trình vi phạm, TPHCM sẽ xử lý nghiêm các nhà thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát vi phạm. Trường hợp không chấp hành, không khắc phục sai phạm và tái phạm thì chủ đầu tư sẽ bị thu hồi giấy phép xây dựng.