Tại buổi tiếp xúc, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết TPHCM có khoảng 20.000 trẻ em mắc COVID-19 trong đợt dịch vừa qua. Mức độ nguy hiểm tuy thấp hơn so với người lớn nhưng nguy cơ tử vong vẫn rất cao đối với nhóm trẻ béo phì, có bệnh nền…Vì vậy, người dân rất lo lắng nhất là khi TPHCM dự kiến mở lại các trường học vào tháng 1/2022. Với hơn 70% người trên 18 tuổi đã chích ngừa mũi 2, nguy cơ nhiễm bệnh dồn cho trẻ em.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc trực tuyến cử tri ngành y tế TPHCM ở điểm cầu TP Hà Nội Ảnh: TTXVN |
Chuyên gia này cho hay với biến chủng Delta, chỉ trong 2 tuần cuối tháng 9, nước Mỹ có hơn 500.000 trẻ mắc COVID-19 do các trường học mở cửa. Nước này đã chích vắc-xin cho trẻ từ 12-18 tuổi. Vừa qua, Chính phủ đã phê chuẩn mua 10 triệu liều vắc xin của Cuba. Vắc xin Pfizer cũng sẽ được mua và sẽ đưa về nước. Nguồn vắc xin cho trẻ em không thiếu. “Tôi khẩn thiết kiến nghị đưa chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID -19 cho trẻ em vào chương trình tiêm chủng quốc gia”, PGS TS Nguyễn Thanh Hùng đề xuất.
Trả lời các cử tri, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đang xây dựng văn bản hướng dẫn, dự kiến trong tháng 10 sẽ bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi, sau đó mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn.
Cùng với lượng vắc xin Pfizer về Việt Nam trong thời gian tới, trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị và đang chờ nước bạn gửi hồ sơ về vắc xin tiêm cho trẻ em để xem xét. “Nguồn vắc xin từ nay đến cuối năm không thiếu, dự kiến sẽ về tối thiểu 120 triệu liều. Dự kiến trong năm 2021, hơn 70% dân số trên 18 tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin.
Tại buổi tiếp xúc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với đồng bào và cử tri TPHCM về những đau thương mất mát to lớn trong đợt dịch vừa qua. Ông bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với sự vất vả, khó khăn của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành y tế.
“Nhiều tấm gương làm việc tận tụy quên mình, xả thân làm nhiệm vụ làm lay động lòng người, được xã hội trân trọng cảm ơn và tôn vinh. Chúng ta biểu dương đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng y tế cả nước, trong đó, có cán bộ nhân viên y tế của TPHCM”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM đã vượt qua đỉnh dịch, đã vượt qua khó khăn, gian khổ để đưa cuộc sống dần trở lại bình yên nhưng không được phép chủ quan vì số ca tử vong còn cao. Số bệnh nhân COVID-19 nặng còn nhiều. Việc điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch từ Zero Covid-19 sang thích ứng an toàn với dịch là phù hợp nhưng TPHCM cần có chương trình kiểm soát tốt hơn.
Chủ tịch nước nêu rõ, trong giai đoạn phục hồi và tái thiết, TPHCM cần nhanh chóng nâng cao độ phủ vắc xin cùng với việc cải thiện năng lực điều trị. Bên cạnh đó, các địa phương phải tiếp tục kiểm soát rủi ro ở quy mô rộng hơn khi tất cả các điểm đến có thể là nguy cơ lây nhiễm.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, sắp tới, các tỉnh khu vực ĐBSCL có khả năng bùng phát dịch, gây sức ép rất lớn về y tế cho cả vùng. TPHCM có thể sẽ phải chi viện cho các tỉnh bởi lực lượng tăng cường từ Trung ương đã rút và năng lực y tế, kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh của các địa phương còn yếu.