Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc Tết kiều bào trong chương trình Xuân Quê hương 2023 |
Báo Tiền phong trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
"Thưa các bác, các anh, các chị, cùng các cháu yêu quý!
Thưa các quý vị đại biểu!
Trong tiết xuân tươi mới đang về trên mọi miền đất Việt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi thân ái chào mừng đại diện bà con kiều bào ta từ khắp năm châu bốn bể về thăm quê hương, đất mẹ Việt Nam, cùng đồng bào cả nước, gia đình thân yêu sum họp ấm tình, đón tết đoàn viên và hôm nay chúng ta cùng chung vui tham dự chương trình Xuân Quê hương chia tay năm cũ Nhâm Dần – 2022, cùng náo nức chào đón năm mới Quý Mão – 2023.
Tôi xin gửi những tình cảm thân thương, lời thăm hỏi ân tình tới đại diện bà con kiều bào có mặt tại đây và toàn thể những người con của quê hương Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài, đang bồi hồi nhớ nhà, nhớ quê mà chưa thể về sum họp đón Tết vui Xuân.
Những ngày này, người dân cả nước đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết và cũng gói ghém lại một năm lo toan, bận rộn. Vào những thời khắc cuối cùng của một năm, dù có bộn bề đến đâu, dù ở nẻo xa nào, chắc chắn trong lòng ai cũng có nỗi khát khao mong được trở về để được cảm nhận linh khí của đất nước, của biển trời, của quê hương; được hòa trong hương sắc của đào, mai tươi thắm, của đậm đà bánh chưng, bánh tét và tĩnh lặng tâm can, dâng nén tâm hương trước tổ tiên và cùng sum vầy ấm áp với gia đình, người thân và bạn bè.
Gắn bó với quê hương là nét đẹp văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc, mà bất cứ ai mang dòng máu Việt đều không thể nào quên, như lời ca “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
Thưa bà con và quý vị đại biểu,
Năm qua, thế giới phải đối mặt với những biến động khó lường, khó khăn chồng chất. Dịch COVID-19 chưa qua hẳn, thiên tai khắc nghiệt, xung đột diễn ra tại nhiều nơi, chạy đua vũ trang, sử dụng vũ lực, chính trị cường quyền gia tăng... Mâu thuẫn vốn có giữa một số nước lớn bị khoét sâu làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các cơ chế đa phương và huy động nguồn lực cho các vấn đề toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm mạnh, lạm phát toàn cầu tăng gần gấp đôi, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, lương thực và các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân các nước đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.
Tuy vậy, trong bức tranh nhiều màu tối, vẫn sáng lên niềm khát khao hoà bình cháy bỏng của nhân loại cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước trên hành trình ngăn chặn, chấm dứt chiến tranh và giải quyết các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, hợp tác để tận dụng các cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển xanh, kinh tế số, phát triển bao trùm, phát triển bền vững…
Có thể nói, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là cơ hội để chúng ta tiếp tục tin tưởng và cùng xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn.
Thưa bà con kiều bào và quý vị đại biểu,
Trong bối cảnh khó khăn, năm 2022 vừa qua là một năm toàn dân tộc Việt Nam chung sức đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy mạnh mẽ nội lực, kết hợp hiệu quả với các nguồn lực quốc tế, vượt qua gian nan, thách thức, tận dụng cơ hội và đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng.
Về kinh tế - xã hội, đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, từng bước mở cửa trong trạng thái bình thường mới từ 15/3/2022, là cơ sở cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát với 3,25%; GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 11 năm qua và đứng hàng đầu khu vực; kim ngạch thương mại đạt 732 tỉ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD, vốn FDI giải ngân đạt 22,5 tỷ USD tăng 13,5%. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia.
Chất lượng tăng trưởng ngày càng cải thiện. Đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao, chính trị xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh; việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và an ninh quốc gia được giữ vững.
Vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao cả trong hợp tác song phương và đa phương. Lần thứ hai Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Trong chuyến thăm 9/2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam “là một đối tác quan trọng” và “có nhiều đóng góp thực chất, hiệu quả”.
Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các nước, ngoại giao vắc xin được triển khai hiệu quả, với 266 triệu liều vắc xin đã được tiêm, Việt Nam thuộc Top 6 nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất. Phương cách phòng chống dịch COVID-19 của ta là kinh nghiệm tốt cho nhiều nước trên thế giới. Tháng 5/2022, Đại hội thể thao SEA GAMES 31 với hàng chục nghìn người tham dự, nhưng được tổ chức thành công và bảo đảm tốt an toàn phòng chống dịch.
Dù còn nhiều hạn chế, tồn tại cần phải tập trung khắc phục, nhưng nhìn chung chúng ta không những đã vượt qua một năm đầy thách thức, khó khăn mà còn gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận trên tinh thần “trách nhiệm kép” đối với cả lợi ích quốc gia và trách nhiệm toàn cầu.
Những thành công to lớn đó là niềm tự hào chung của muôn triệu người dân đất Việt, dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thưa bà con kiều bào và quý vị đại biểu,
Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.
Bằng nhiều hình thức và trên các lĩnh vực khác nhau, kiều bào ta đã góp phần quan trọng cả về vật chất lẫn tinh thần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, đóng góp hàng chục tỷ đồng hỗ trợ quá trình chống dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả của thiên tai bão lũ. Tôi cũng vui mừng được biết, tháng 5/2022, nhân chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, cộng đồng kiều bào ta đã ủng hộ thiết thực đóng nhiều xuồng máy bảo vệ chủ quyền …
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là “chất xúc tác” đóng góp quan trọng vào những thành công của hoạt động đối ngoại của nước ta. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá, tôn giáo, bà con kiều bào đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc, quảng bá những hình ảnh, những giá trị văn hoá Việt ở nước ngoài và hình thành một mạng lưới các sứ giả hữu nghị với các nước, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ với kiều bào, năm 1946: “Mỗi kiều bào phải là một đại sứ nhân dân của Việt Nam”.
Về kinh tế, tôi ấn tượng với việc nhiều doanh nhân kiều bào đã thành danh, lớn mạnh. Các hiệp hội, mạng lưới doanh nhân kiều bào đã và đang tích cực đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới, đồng thời đưa các doanh nghiệp, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam hợp tác làm ăn, đầu tư. Tôi rất hoan nghênh điều này.
Tính đến tháng 10/2022, đã có 385 dự án đầu tư FDI của kiều bào ta tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, lưu trú… Nhiều dự án hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển của các địa phương, tạo nhiều việc làm, đóng góp cho ngân sách... Lượng kiều hối gửi về nước ngày càng lớn, tương đương 7% GDP và là nguồn lực rất quý giá cho đất nước...
Về tri thức, tôi rất hoan nghênh đội ngũ hơn nửa triệu trí thức kiều bào là nguồn chất xám quan trọng, đã và đang tham gia các hoạt động khoa học sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực, phát triển công nghệ trong nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Sự quan tâm và các chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta từ Nghị quyết số 36/2004 cho đến Kết luận số 12/2021 của Bộ Chính trị đều tập trung “chăm lo”, “hỗ trợ” và “tạo điều kiện” để bà con ta thể hiện tinh thần yêu nước, gắn bó với quê hương. Trong những năm qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ kiều bào ta tại các vùng xung đột trên thế giới, hỗ trợ làm ăn sinh sống, nâng cao địa vị pháp lý tại các nước, tổ chức nhiều hoạt động trực tiếp kết nối kiều bào với quê hương đóng góp cho phát triển... Đó là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, như Bác Hồ đã nêu trong Thơ gửi kiều bào 1962 “Sức triệu người hơn sóng Biển Đông”.
Thưa bà con và quý vị đại biểu,
Đất nước ta đang tràn đầy khát vọng vươn tới một Việt Nam độc lập, tự cường, phồn vinh, thịnh vượng. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu chiến lược xây dựng một nước Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trên con đường đi tới, dù sẽ còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng với khát vọng đủ lớn, và ngọn cờ đủ cao sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ đoàn kết cả dân tộc, cùng vững tin hành động, đổi mới sáng tạo biến khát vọng thành hiện thực. Trong tiến trình đó, tôi mong rằng, kiều bào ta - những người con mang dòng máu Lạc Hồng – sẽ luôn nhớ “một chữ đồng” như Bác Hồ đã dạy, để cùng chung tay hành động thắp sáng tinh thần yêu nước vì một Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.
Tại Xuân Quê hương 2022, do dịch COVID-19, chỉ có gần 300 người tham dự, nhưng Xuân Quê hương năm nay, là gấp 10 lần với hơn 3.000 người tham dự ở các vùng miền khác nhau, và điều đặc biệt là nụ cười của mỗi chúng ta hôm nay thật rạng rỡ, không còn bị che phủ bởi khẩu trang, đó chính là một cảm nhận thực tế cho mỗi chúng ta hôm nay về thành công của năm qua. Hãy cùng tự hào về điều “bình thường” mới này.
Thưa bà con và quý vị đại biểu,
Tết Quý Mão đang đến, Xuân Quý Mão sắp sang, thay mặt Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người dân trong cả nước, tôi xin chúc toàn thể đồng bào ta ở nước ngoài và các vị khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Chúc chương trình Xuân Quê hương 2023 thành công rực rỡ!
Xin trân trọng cảm ơn!