Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo như vậy khi dẫn đầu đoàn công tác trung ương trực tiếp đến thăm người dân vùng tái định cư thủy điện và vùng hạ du bị ảnh hưởng nặng nề do thủy điện gây ra tại tỉnh Quảng Nam, ngày 15/12.
Dân cần đất sản xuất
Tại huyện Bắc Trà My, Chủ tịch nước trực tiếp thị sát tại thân đập thủy điện Sông Tranh 2 - nơi hơn 2 năm qua người dân sống trong thấp thỏm lo âu vì thân đập rỉ nước và động đất kích thích liên tiếp xảy ra. Sau khi nghe lãnh đạo Ban quản lý (BQL) Thủy điện Sông Tranh 2 báo cáo, Chủ tịch nước đã chất vấn lãnh đạo nhà máy liên quan đến an toàn đập, xả lũ, ảnh hưởng đối với vùng hạ du…
Lãnh đạo Thủy điện Sông Tranh 2 báo cáo, sau quá trình xử lý, hiện nay lượng nước thấm qua thân đập chỉ còn 8 lít/giây, ít hơn lưu lượng thấm của thiết kế. Theo ông Vũ Đức Toàn, Trưởng BQL dự án Thủy điện Sông Tranh 2, đợt mưa lũ vừa qua, mực nước về vượt 6 cửa tràn. Nhà máy vẫn hoạt động đúng quy trình và góp phần cắt lũ vùng hạ du. Trong khi đó, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định: “Vì cùng một thời điểm, các nhà máy đồng loạt xả lũ nên hạ du bị ngập sâu và thiệt hại nặng nề”. Ông Toàn cho rằng, nguyên nhân là dự báo không chính xác dẫn đến các nhà máy thủy điện rất khó tính toán. Tuy nhiên, việc xả lũ tuân thủ theo quy trình của Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Hiện Ban chỉ đạo trung ương đã chỉ đạo tất cả các nhà máy phải làm một quy trình vận hành hồ thủy điện, công bố và thiết lập một hệ thống thông tin cho người dân biết. Trước khi thủy điện xả lũ phải thông báo đến tận người dân. Riêng Quảng Nam có nhiều thủy điện nên phải làm một quy trình liên hồ chứa, để đề phòng trường hợp cùng một lúc nhiều thủy điện cùng xả lũ”.
Xã Trà Đốc có 671 hộ, trong đó có gần 74% số hộ thuộc diện nghèo, nay chịu thêm ảnh hưởng do động đất kích thích. Tại khu tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2 (thôn 2 và thôn 3), Chủ tịch nước đã gặp gỡ thăm hỏi từng hộ dân. Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch xã Trà Đốc cho biết, do thiếu đất sản xuất nên đời sống người dân vùng tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 hết sức khó khăn. Ông Đinh Văn Chót, một hộ dân ở thôn 3 kiến nghị với Chủ tịch nước: Hiện người dân thiếu đất, nơi ở mới không bằng nơi ở cũ. Đề nghị nhà nước sớm giải quyết đất sản xuất nông nghiệp cho bà con.
Người vùng rốn lũ “tố” thủy điện
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước về xã Đại Hưng (Đại Lộc) nơi chịu ảnh hưởng nặng nề trong trận lũ vừa qua. Đã hơn một tháng trôi qua nhưng xã vẫn ngổn ngang, làng mạc bị chôn vùi trong cát. Nghe tin Chủ tịch nước về thăm, hàng ngàn người dân ùa ra chào đón.
Tiếp Chủ tịch nước tại nhà riêng, ông Phạm Xê (thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng) “tố” với Chủ tịch nước: “Nước lũ về rất nhanh làm dân không kịp trở tay, nguyên nhân là các thủy điện Đắk Mi4, A Vương, Sông Côn, Sông Bung 4A, Sông Tranh 2… đồng loạt xả lũ. Đợt lũ vừa rồi, các thủy điện xả nước một lúc đến 8.000 m3/giây khiến cả làng bị vùi sâu trong cát”. Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch huyện Đại Lộc, bức xúc: “Vào mùa mưa, nước trên sông đã lớn mà các thủy điện lại đồng loạt xả lũ, dân hứng chịu hết”. Lãnh đạo huyện đề nghị các cơ quan trung ương cần phải tính lại quy trình xả lũ, hủy bỏ bớt các thủy điện nhỏ và di dời khẩn cấp 83 hộ dân với trên 300 nhân khẩu tại xã Đại Hưng, vì lũ đã quét sạch nhà cửa, sạt lở nghiêm trọng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát, lãnh đạo Bộ Công thương và các đơn vị liên quan nhanh chóng tìm cách giảm thiệt hại cho người dân khi thủy điện xả lũ. Đặc biệt là phải lưu ý, tính toán lại quy trình xả lũ. Chủ tịch nước cũng yêu cầu tỉnh Quảng Nam có phương án di dời ngay 83 hộ dân không thể sống chung với lũ được nữa đến nơi ở mới.
Cùng ngày, Chủ tịch nước cùng Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã tặng tỉnh Quảng Nam 170 con bò (trong đó xã Đại Hưng được tặng 10 con và 100 suất quà).
Phát biểu trước đông đảo người dân, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đất nước muốn phát triển phải có điện, vấn đề là quy hoạch sao cho đúng, nếu như có vấn đề thì phải điều chỉnh kịp thời. Chính phủ đang làm mạnh tay vấn đề phát sinh từ thủy điện. Chính sách tái định cư thủy điện có sai sót thì phải sớm điều chỉnh không để ảnh hưởng đến người dân”. Chủ tịch nước cũng yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam và chính quyền địa phương phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề liên quan đến tái định cư, nhanh chóng giải quyết đất sản xuất cho từng hộ dân, không để tình trạng thiếu đất sản xuất tiếp tục kéo dài. |