Chiều 5/7, phát biểu trước HĐND thành phố về vấn đề dịch chuyển cây xanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng, phát triển của bất cứ một quốc gia và thành phố nào thì việc phải chặt hạ, đánh chuyển cây xanh là khó tránh khỏi.
Theo ông Chung, trong những năm qua, có nhiều dự án của thành phố phải dịch chuyển, đánh chuyển cây xanh và thời gian tới cũng có rất nhiều dự án phải làm việc này.
“Trước mắt liên quan đến đường vành đai 3, sau đó là đường vành đai 2, liên quan đến các bãi đỗ xe ngầm và một số tuyến đường. Quan điểm nhất quán của Thường trực Thành ủy chỉ đạo thành phố, các sở ban ngành là trong quá trình thực hiện đều phải nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc bởi cây xanh luôn được người dân và nhà khoa học quan tâm và cũng là chương trình thành phố quan tâm để xây dựng và phát triển”, ông Chung nói.
Ông Chung cho rằng, thành phố đều xây dựng dự án nghiêm túc, trong quá trình thực hiện đều mời các nhà khoa học, các bộ, ban ngành tham gia đóng góp ý kiến. Các sở ban ngành đều xem xét cẩn thận, tỉ mỉ trên tinh thần đánh giá cụ thể, chi tiết từng cây xanh, từng tuyến đường, từng dự án và những cây nào còn độ phát triển thì đánh chuyển, những cây nào cong queo, không còn phát triển nữa thì phải chặt.
“Trong quá trình chặt hạ thì thực hiện đúng quy trình, đúng định mức, đúng đơn giá và sau khi chặt hạ xong nếu có gỗ, phải tổ chức đấu giá, bán công khai để thu vào ngân sách nhà nước. Còn đối với cây đánh chuyển thì phải tìm các vị trí chăm sóc để đảm bảo sống và trên cơ sở đó sẽ trồng lại vào các vị trí thích hợp”, ông Chung nói thêm.
Về việc di chuyển, chặt hạ gần 1.300 cây xà cừ trên đường vành đai 3, ông Chung cho rằng, theo đánh giá của UBND thành phố và các nhà khoa học thì nếu đánh chuyển toàn bộ thì phải chuẩn bị diện tích 7ha bởi mỗi cây cần 50 – 60 mét vuông, phải chi 100 tỉ để giải phóng mặt bằng chưa kể chi phí đánh chuyển hết 60 – 70 tỷ đồng.
“Qua quá trình đọc hồ sơ dự án này, tôi thấy cây xà cừ không thể đem trồng lại trên bất cứ tuyến phố nào ở Hà Nội. Muốn trồng lại phải đào hố sâu 3m, đường kính rộng 1,5 – 2m mới được. Không có vỉa hè nào có thể đào được như thế. Thứ hai là độ phát triển của cây này đã giảm. Số tiền trên mua được khoảng 20 nghìn cây mới trồng đẹp hơn, giá trị kinh tế cao hơn, lại tạo ra được các tuyến phố đẹp hơn”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, hiện Hà Nội đang hợp tác với một số thành phố của Trung Quốc như Côn Minh, Nam Ninh, các nước như Singapore, Nhật Bản, có nhiều loại cây phù hợp với đô thị, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, có hiệu quả kinh tế, chống được tiếng ồn, bụi bẩn. “Như hiện nay thành phố trồng cây bàng lá nhỏ và cây chiêu liêu. Lá rụng xuống khô thì quăn lại có thể trôi xuống cống được còn lá xà cừ thì không”, ông Chung phân tích.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian tới sẽ công khai minh bạch nhiều dự án và mong muốn cử tri thành phố ủng hộ. “Cá nhân tôi cam kết toàn bộ vấn đề này, làm sao trồng cây xanh, phát triển cây xanh thật đẹp cho thành phố. Đến năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 10 – 11m vuông/ người đây hoàn toàn có khả thi và chúng tôi sẽ làm quyết liệt, hiệu quả nhất, tốt nhất”, ông Chung khẳng định.